Đề án chuyển đổi 400.000 xe máy xăng sang xe điện đang được TP HCM hoàn thiện, tập trung vào nhóm tài xế công nghệ và giao hàng. Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM (HIDS) đang xây dựng kế hoạch tổng thể, dự kiến công bố lộ trình chi tiết vào tháng 7.
Theo Thạc sĩ Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn ứng dụng kinh tế (HIDS), đề án được thiết kế theo hướng phát triển xanh và bền vững, đồng thời giảm tối đa chi phí chuyển đổi cho tài xế. "Tài xế sẽ không phải bỏ thêm chi phí đầu tư ban đầu nếu biết cách tận dụng khoản tiết kiệm từ tiền xăng để trả góp xe mới", ông Hải nói.
Khảo sát hơn 400 tài xế của HIDS cho thấy, mỗi ngày họ đi khoảng 80-120 km, chi phí nhiên liệu cho xe xăng khoảng 70.000-100.000 đồng, trong khi xe điện chỉ tiêu tốn khoảng 20.000 đồng. Trung bình mỗi tháng tài xế có thể tiết kiệm từ 1 đến 2 triệu đồng nếu chuyển sang sử dụng xe điện.
Từ số liệu trên, HIDS đã phối hợp Tổ chức Tài chính vi mô CEP và một số ngân hàng thiết kế các gói vay mua xe điện thời hạn 24-30 tháng, với mức trả góp tương đương khoản tiết kiệm từ tiền xăng. Song song đó, TP HCM sẽ vận dụng Nghị quyết 198 để hỗ trợ ít nhất 2% lãi suất cho khoản vay mua xe điện. Nếu lãi suất thương mại ở mức 8%, tài xế chỉ phải trả 6%, phần còn lại được ngân sách chi trả.
![]() |
Tài xế hai hãng xe sử dụng xe xăng và xe điện chạy trên đường trung tâm TP HCM. Ảnh: Thanh Tùng |
Thành phố cũng kiến nghị Trung ương miễn thuế giá trị gia tăng (VAT), lệ phí trước bạ, cấp giấy chứng nhận và biển số cho người mua xe điện lần đầu, tổng cộng khoảng 3 triệu đồng mỗi xe. Ngoài ra, đề xuất hoàn thuế VAT cho từng chuyến xe chạy điện cũng đang được xem xét. Chẳng hạn, với chuyến xe 80.000 đồng, phần thuế 6.400 đồng sẽ được hoàn lại cho tài xế.
Đối với những xe xăng đã quá niên hạn, không đạt tiêu chuẩn khí thải hoặc chi phí sửa chữa cao, thành phố sẽ có chính sách thu mua để loại bỏ khỏi lưu thông. Các doanh nghiệp tham gia tái chế sẽ được hỗ trợ vay vốn.
Ngoài tài xế, TP HCM cũng hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, phân phối xe điện bằng cách giảm lãi suất vay ít nhất 2%, đổi lại họ phải giảm giá bán xe. "Sẽ có nhiều doanh nghiệp cùng tham gia, không độc quyền. Tài xế được lựa chọn hãng có ưu đãi phù hợp và xe chất lượng" ông Hải cho biết.
Thành phố cũng dự kiến xây dựng các trạm sạc điện, điểm dừng nghỉ và cung cấp pin sạc dự phòng cho tài xế, ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo. Doanh nghiệp đầu tư hạ tầng này cũng được hưởng hỗ trợ lãi suất vay vốn. Để hạn chế rủi ro tín dụng, HIDS đề xuất Quỹ Bảo lãnh tín dụng phối hợp cùng chính quyền địa phương hỗ trợ truy thu nợ và xử lý nợ xấu.
Theo ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô hành khách TP HCM, thành phố là một "siêu đô thị" với mức phát thải rất lớn từ hoạt động giao thông. Việc thành phố chủ động chuyển đổi nhóm tài xế công nghệ, giao hàng - vốn có tần suất hoạt động cao - là bước đi phù hợp nhằm giảm ô nhiễm không khí.
Hiện trong nước có một số hãng như VinFast với hệ sinh thái Xanh SM đã triển khai xe máy điện tại nhiều tỉnh thành. Đây là điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi. Tuy nhiên, ông Tính cũng lưu ý cần tính đến nhóm tài xế tự do, không thuộc các hãng công nghệ. Thành phố có thể xây dựng chính sách mua lại phương tiện cũ, hỗ trợ họ tham gia chương trình đổi xe.
![]() |
Tài xế xe công nghệ chờ khách trên đường ơ trung tâm TP HCM. Ảnh: Thanh Tùng |
Ở góc độ chuyên gia, TS Phan Lê Bình, Trưởng đại diện Văn phòng tư vấn OCG Nhật Bản, cho rằng xe điện có ưu điểm không phát thải nhưng vẫn tồn tại một số hạn chế như thời gian sạc dài, hạ tầng sạc chưa phổ biến. "Ngoài ra, cần tính toán kỹ việc đảm bảo cung cấp điện liên tục khi lượng tiêu thụ tăng đột biến", ông Bình nói.
Về phía doanh nghiệp, đại diện Be Group ủng hộ đề án, cho biết đã triển khai chuyển đổi và hiện xe điện chiếm khoảng 10% trong số 500.000 tài xế đối tác. Hãng này cũng đang hợp tác với các bên cung ứng để mở rộng nguồn xe điện và hybrid.
Một số chương trình hỗ trợ tài xế được Be Group áp dụng gồm ưu đãi 4% khi mua xe điện VinFast Feliz S, vay lãi suất 0% qua ngân hàng số Cake by VPBank, giảm giá 3 triệu đồng mỗi xe và ưu đãi 30% phí đổi pin năm đầu với xe Selex.
Dù vậy, doanh nghiệp này cho rằng cần được thêm hỗ trợ về hạ tầng, phần mềm, chi phí pin và mạng lưới sạc để quá trình chuyển đổi diễn ra thuận lợi, bền vững.
Cùng với xe máy, TP HCM cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 toàn bộ xe buýt sử dụng năng lượng xanh. Hiện thành phố có 138 tuyến với hơn 2.200 xe, trong đó khoảng 31% đã sử dụng điện hoặc khí CNG.
Theo HIDS, chương trình chuyển đổi xe máy điện là bước cụ thể hóa Đề án Kiểm soát khí thải của thành phố, đồng thời góp phần thực hiện cam kết quốc gia về giảm 9% lượng phát thải khí nhà kính đến năm 2030. TP HCM cũng đang hướng đến đăng ký bán tín chỉ carbon trong khuôn khổ chương trình này.
Lê Tuyết - Giang Anh