Thường lái xe tải 19 tấn chở hàng từ miền Đông vào các tỉnh miền Trung, tài xế Nguyễn Văn Sơn (40 tuổi, quê Đồng Nai) luôn trong trạng thái căng thẳng mỗi lần qua cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Anh cho biết tuyến đường này mỗi bên có hai làn xe, nhưng thiếu làn dừng khẩn cấp nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn bởi ôtô được chạy vận tốc 90 km/h.
"Dù cao tốc có các điểm dừng khẩn cấp, nhưng cách nhau 4-5 km nên khi gặp sự cố giữa đường xe không thể tiếp tục di chuyển đến vị trí đậu an toàn", anh Sơn nói và cho biết tài xế khi đó buộc phải dừng trên làn xe chạy, nguy cơ bị tông đuôi rất lớn, nhất là ban đêm.
![]() |
Cao tốc Vĩnh Hảo Hảo - Phan Thiết qua xã Hàm Thuận Bắc, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Việt Quốc |
Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài hơn 100 km qua tỉnh Lâm Đồng (Bình Thuận cũ), nằm trên trục cao tốc Bắc - Nam phía Đông, kết nối cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Sau khi đưa vào khai thác hồi tháng 5/2023, đây trở thành trục huyết mạch trên hành lang vận tải giữa khu vực TP HCM, Đồng Nai và các tỉnh miền Trung. Lưu lượng xe trên tuyến tăng nhanh nhưng do đang trong giai đoạn phân kỳ đầu tư, chưa có làn dừng khẩn cấp, thời gian qua tuyến cao tốc xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng.
Gần nhất, khuya 8/7 xe khách chở 41 người trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, từ Khánh Hòa vào TP HCM bị nổ lốp khi qua xã Hàm Liêm, tỉnh Lâm Đồng (Bình Thuận cũ), phải dừng lại. Lúc này, xe giường nằm phía sau lao tới tông ôtô đang dừng khiến tài xế và phụ xe của phương tiện này tử vong khi xuống kiểm tra. Nhiều khách trên ôtô đang dừng cũng bị thương. Trước đó, trên tuyến này cũng từng xảy ra nhiều vụ tai nạn khác.
Không chỉ khu vực trên, nhiều cao tốc khác đang khai thác 4 làn xe hạn chế (chưa có làn dừng khẩn cấp), như Trung Lương - Mỹ Thuận, Vĩnh Hảo - Cam Lâm, Cam Lâm - Nha Trang... cũng gây áp lực cho tài xế mỗi lần chạy qua. Bên cạnh đó, một số tuyến chỉ có hai làn, chưa có dải phân cách giữa như Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan..., càng làm tăng rủi ro tai nạn. Trước đó, tháng 2/2024 trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn từng xảy ra vụ va chạm giữa ôtô 7 chỗ và xe container khiến ba mẹ con tử vong.
![]() |
Hiện trường hai xe khách tông nhau trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, khuya 8/7. Ảnh: Nguyễn Tư |
Kinh nghiệm lái xe đường dài gần 20 năm, tài xế Hữu Khoa, 50 tuổi, quê Lâm Đồng, nói những năm gần đây, các đoạn cao tốc Bắc - Nam đưa vào khai thác giúp rút ngắn quãng đường, thời gian di chuyển, thuận tiện hơn nhiều so với trước. Tuy nhiên, nhiều đoạn nhỏ hẹp, thiếu làn khẩn cấp, nên ông luôn "phải tập trung cao độ" để kiểm soát rủi ro.
Theo ông, khi xe gặp sự cố phải dừng trên đường trong điều kiện tầm nhìn hạn chế như ban đêm, sương mù hoặc mưa lớn, ngay cả bật đèn hay đặt cảnh báo phía sau cũng khó đảm bảo an toàn nếu thiếu làn khẩn cấp. Một số đoạn đèo dốc, cua hẹp càng nguy hiểm.
"Chỉ một khoảnh khắc mất tập trung cũng có thể ảnh hưởng tính mạng của hành khách và bản thân", ông nói và cho rằng ngoài nguy tai nạn, cao tốc nhỏ hẹp còn dễ ùn tắc, cứu hộ khó tiếp cận hiện trường khi có xe bị sự cố. Do vậy, tài xế mong muốn sớm mở rộng các đoạn cao tốc chưa đảm bảo, bổ sung làn khẩn cấp, trạm dừng nghỉ... Trước mắt, ông đề xuất cơ quan chức năng tăng cường tuần tra, xử lý xe vi phạm bởi ngoài những bất cập hạ tầng, nhiều ôtô chạy ẩu, quá tốc độ cũng là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn.
Đại diện Đội 6 (Cục CSGT) phụ trách đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, cho biết đơn vị hiện tổ chức tuần tra thường trực trên toàn tuyến 24/24, luân phiên đổi ca sau mỗi 8 tiếng để giám sát, xử lý xe vi phạm, đảm bảo an toàn. Ngoài ra, Đội 6 cũng phối hợp các lực lượng khác triển khai nhiều chuyên đề riêng theo kế hoạch của Cục CSGT. Tuy vậy, đơn vị này nhận định cao tốc thiếu làn dừng khẩn cấp bộc lộ một số bất cập.
Để giảm thiểu rủi ro, CSGT khuyến cáo chủ xe, tài xế trang bị thêm phương tiện bảo hộ, áo phản quang, chóp nón báo hiệu. "Khi xe bị sự cố, tài xế nên mặc áo phản quang, đặt chóp nón báo hiệu từ xa cách 150 m để xe phía sau sớm nhận biết", đại diện Đội 6 nói.
Cả nước hiện có hơn 2.000 km cao tốc, trong đó 654 km thuộc 11 dự án thành phần nằm trên trục Bắc - Nam phía Đông giai đoạn một (2017-2020), đồng loạt đưa vào khai thác những năm gần đây. Giai đoạn hai (2021-2025) cũng đang được triển khai với tổng chiều dài khoảng 721 km, trong đó cuối năm nay dự kiến 4 dự án thành phần hoàn thành.
Do khó khăn nguồn vốn, nhiều đoạn được phân kỳ đầu tư với quy mô 2 làn xe, hoặc 4 làn, chưa có làn dừng khẩn cấp liên tục. Tuy nhiên, quá trình khai thác phát sinh nhiều bất cập nên thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành liên quan nghiên cứu phương án mở rộng, trong đó tính đến việc triển khai theo phương thức đối tác công tư (PPP) sau khi nhiều doanh nghiệp tư nhân đề xuất tham gia.
Hiện, ngoài hai đoạn Cao Bồ - Mai Sơn và Cam Lộ - La Sơn đang được nâng cấp, Bộ Xây dựng đề xuất mở rộng 15 đoạn cao tốc Bắc - Nam đầu tư công, thuộc hai giai đoạn 2017-2020 và 2021-2025 (không bao gồm các dự án BOT do doanh nghiệp khai thác).
![]() |
Cao tốc La Sơn - Túy Loan mới có 2 làn xe. Ảnh: Nguyễn Đông |
Trong đó, Bộ đưa ra hai phương án, gồm: gộp chung 15 đoạn thành một dự án tổng thể với tổng chiều dài khoảng 966 km, tổng vốn gần 128.300 tỷ đồng (chưa tính lãi vay). Phương án này giúp đồng bộ trong việc quản lý và vận hành, nhưng gặp khó khăn do tổng vốn quá lớn, khó tìm nhà đầu tư đủ năng lực tài chính. Ngoài ra, do các đoạn cao tốc trước đây có thời điểm thi công khác nhau, việc mở rộng đồng loạt có thể phát sinh xung đột về pháp lý liên quan công tác bảo hành của nhà thầu.
Phương án còn lại là chia 15 đoạn cao tốc thành hai dự án, theo hai khu vực. Dự án 1 từ Mai Sơn đến Cam Lộ, dài khoảng 415 km, gồm 8 đoạn: Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ.
Dự án 2 từ Quảng Ngãi đến Dầu Giây, dài 551 km, gồm 7 đoạn: Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây.
Trong công văn vừa gửi các Bộ Tài chính và Xây dựng phân tích hai phương án nêu trên, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đánh giá phương án 2 khả thi hơn. Tuy nhiên, để phù hợp tình hình thực tế và nguồn lực, VEC đề xuất khi thực hiện cần tiếp tục chia làm hai giai đoạn đầu tư.
Giai đoạn 2026-2028 sẽ mở rộng trước 5 tuyến, gồm ba tuyến thuộc Dự án 1 (từ Mai Sơn đến Diễn Châu, tổng chiều dài 156 km) và hai đoạn thuộc Dự án 2 (Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây, dài 200 km). Giai đoạn hai (dự kiến sau năm 2028) sẽ tiếp tục nâng cấp 10 đoạn còn lại, do lúc này đã kết thúc thời gian bảo hành và lưu lượng giao thông trên tuyến tăng cao.
Trong định hướng triển khai, VEC kiến nghị giao đơn vị này phối hợp với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cùng các nhà đầu tư khác nghiên cứu mở rộng các đoạn cao tốc thuộc Dự án 1. Đối với Dự án 2, VEC đề xuất giao các nhà đầu tư khác có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện.
Trường hợp được giao triển khai Dự án 1, VEC kiến nghị giữ phần lợi nhuận còn lại của tổng công ty trong giai đoạn 2025-2030 (khoảng 4.769 tỷ đồng) nhằm bổ sung nguồn vốn chủ sở hữu để tham gia dự án. Đồng thời, đơn vị này cũng đề xuất sau khi lựa chọn nhà đầu tư triển khai dự án mở rộng cho phép doanh nghiệp dự án thu phí trên các tuyến đầu tư công trong giai đoạn trước. Giải pháp này sẽ giúp giảm áp lực cho ngân sách hỗ trợ dự án...
Việt Quốc - Giang Anh