Hà Nội nằm trong vùng ảnh hưởng của bão Wipha, nguy cơ mưa lớn, gió mạnh. Chính quyền thành phố xác định trong số khu vực xung yếu có chung cư G6A Thành Công, quận Ba Đình cũ. Khu nhà G6A gồm 5 tầng với 3 khối.
Từ năm 2016, cơ quan kiểm định đã công bố khối 1 và 2 nguy hiểm cấp D, phải di dân để phá dỡ, xây dựng lại. Tuy nhiên, hơn 9 năm được vận động di dời, hàng chục hộ dân G6A vẫn ở lại ngay cả khi phía ngoài được quây tôn kín.
![]() |
Người dân cuối cùng được hỗ trợ di dời khỏi chung cư nguy hiểm G6A Thành Công để tránh trú bão. Ảnh: Hoàng Phong |
Để di dời cư dân G6A, đại diện chính quyền, đoàn thể đã xuống vận động. Đến 21h, hộ dân cuối cùng đồng ý đến nơi lưu trú tạm do chính quyền bố trí. "Tổng cộng 18 nhân khẩu đang sinh sống tại 8 căn hộ, trong đó hai người trên 75 tuổi và hai trẻ dưới 14 tuổi", ông Cồ Như Dũng, Chủ tịch phường Giảng Võ, cho biết.
Theo ông Dũng, trong thời gian phải tạm di dời tránh bão, chính quyền sẽ tổ chức hỗ trợ, đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho người dân; đồng thời bố trí dân quân chốt trực để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn tài sản cho cư dân ở chung cư cũ.
Đây là lần thứ hai chính quyền tổ chức di dời người dân ở khu chung cư cũ G6A Thành Công để tránh bão. Trước đó hồi tháng 9/2024, phòng chống bão Yagi, quận Ba Đình đã tổ chức di dân.
![]() |
Chủ tịch UBND phường Giảng Võ Cồ Như Dũng (áo trắng) cùng dân quân trao đổi phương án chốt trực bảo đảm an ninh, an toàn khu chung cư cũ khi người dân di dời tạm. Ảnh: Hoàng Phong |
Wipha, cơn bão thứ ba trên Biển Đông trong năm nay, dự báo vào khu vực Hải Phòng - Thanh Hóa vào sáng mai, sức gió cấp 9-10. Theo cơ quan khí tượng, đêm nay phía Nam và trung tâm Hà Nội như các phường: Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Từ Liêm có gió cấp 5-6, giật cấp 7-8. Các xã Xuân Mai, Sơn Tây, Hòa Lạc, Quốc Oai, Ba Vì gió cấp 4-5, giật cấp 6.
Từ chiều tối 21 đến ngày 23/7, thành phố mưa 100-200 mm, các khu vực Chương Mỹ, Phú Xuyên, Vân Đình có thể đạt 150-250 mm.
Trên các sông Bùi, Tích, Cà Lồ, Đáy có khả năng xuất hiện lũ với biên độ 1,5-3,5 m. Mực nước có thể vượt báo động hai tại một số khu vực, gây ngập úng tại các xã ven sông, như: Trần Phú, Quảng Bị, Xuân Mai, Mỹ Đức, Hòa Xá...
![]() |
Một góc chung cư G6A Thành Công. Ảnh: Phạm Chiểu |
Để ứng phó bão, tối 21/7 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã yêu cầu Chủ tịch UBND các phường, xã chủ động rà soát khu dân cư, tổ chức sơ tán người dân ra khỏi các nhà yếu không đảm bảo an toàn, khu vực có nguy cơ bị sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập sâu.
"Tổ chức kiểm soát việc đi lại, phân luồng, hướng dẫn giao thông, hạn chế người dân ra đường trong thời gian bão đổ bộ, giông lốc trước bão; kiểm soát, hướng dẫn tại các ngầm, tràn, đường ngập sâu, nước chảy xiết, các tuyến đường bị sự cố hoặc có nguy cơ sạt lở", công điện nêu...
Võ Hải