Kỳ họp thứ 31 HĐND tỉnh Thanh Hóa dự kiến kéo dài hai ngày (21-22/7), tuy nhiên trước diễn biến của bão Wipha, Thường trực HĐND tỉnh quyết định cắt ngắn còn một ngày, song vẫn đảm bảo thông qua nội dung quan trọng.
![]() |
Ngư dân Sầm Sơn neo đậu tàu thuyền ở âu neo đậu Lạch Hới. Ảnh: Lê Hoàng |
Đánh giá bão Wipha sẽ ảnh hưởng mạnh đến địa phương, ông Nguyễn Doãn Anh, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, yêu cầu ngay khi kỳ họp HĐND tỉnh kết thúc, tất cả lãnh đạo các ngành và xã phường phải xuống địa bàn trực tiếp kiểm tra đôn đốc, xử lý ngay những vướng mắc trong công tác phòng chống bão.
Hiện tỉnh Thanh Hóa đã cử 6 tổ công tác đến các khu vực trọng điểm cả miền núi và vùng biển để triển khai phòng chống bão. Tỉnh có 71 xã miền núi, là vùng dễ xảy ra nguy cơ sạt lở, lũ ống lũ quét. Đến nay các địa phương đã chủ động phương án, kịch bản khi có tình huống xấu do bão lũ, theo ông Doãn Anh.
![]() |
Hai thanh niên gia cố cửa hàng trên đường Hồ Xuân Hương, phường Sầm Sơn, trưa 21/7. Ảnh: Lê Hoàng |
Chiều nay, tất cả xã phường ven biển ở Thanh Hóa đều hoàn thành kế hoạch di chuyển tàu bè vào nơi tránh trú và chằng chống nhà cửa. Toàn tỉnh có hơn 6.500 phương tiện với gần 22.000 lao động đã neo đậu, tránh trú bão an toàn tại bến. Hiện còn 9 phương tiện với 88 lao động hoạt động trên vùng biển Quảng Trị, Huế và một số tỉnh phía nam. Các tàu này đã nắm được thông tin về bão Wipha và thường xuyên liên lạc với gia đình cũng như cơ quan chức năng.
Hiện chưa có số liệu chi tiết về số hộ dân dự kiến phải di dời, sơ tán khi bão Wipha đổ bộ, song chính quyền các xã ven biển, vùng núi cao ở Thanh Hóa đã lên kịch bản sử dụng trường học, công sở để sơ tán khi phát lệnh di dân.
Tại các xã biên giới như Na Mèo, Sơn Thủy, Trung Lý, Pù Nhi..., trước nguy cơ sạt lở cao do mưa lớn, chính quyền đã cho dựng một số lều lán để người dân đến trú ngụ nhằm đảm bảo an toàn.
Ông Ngân Phúc Hậu, Phó chủ tịch UBND xã Na Mèo, cho hay ngoài dựng lều lán, xã đã chủ động các điều kiện cần thiết để phục vụ người dân trong thời gian tránh trú, như lương thực, thực phẩm, điện sáng, nước uống...
Chủ đầm tôm ở Nghệ An cấp tập chống bão
Nghệ An nằm ở rìa tâm bão, từ sáng 21/7 hàng chục hộ dân ở các vùng nuôi tôm ven biển xã Hải Châu, An Châu (thuộc huyện Diễn Châu cũ) đã tháo dỡ hàng nghìn m2 lưới che, chằng buộc lại khung nhà. Nhiều chủ đầm huy động công nhân di dời máy móc, vật tư lên nơi cao ráo, bố trí lực lượng trực 24/24h, sẵn sàng ứng phó nếu gió mạnh cấp 7 trở lên.
Với các khu nuôi tôm công nghệ cao, người dân kiểm tra hệ thống điện, máy bơm, kiểm soát mực nước ao để tránh tràn bờ khi mưa lớn. "Phần lưới đã được cuộn lại, khung nhà được neo bằng dây cáp, nếu gió giật mạnh sẽ lập tức hạ lưới", ông Nguyễn Cường, chủ trại tôm xã An Châu, nói và cho hay nhiều hộ nuôi trồng thủy sản trong xã cũng lo ngại lũ tràn vào gây sốc mặn, làm tôm chết hàng loạt nên đã chủ động xả bớt nước, chuẩn bị phương án xử lý kịp thời.
Tại Cửa Lò, khu du lịch biển nổi tiếng, từ sáng nay UBND phường Cửa Lò đã ban hành lệnh cấm người dân và du khách tắm biển do mưa lớn, sóng mạnh. Công an, dân quân, cứu hộ được bố trí túc trực ngày đêm để tuần tra, nhắc nhở và kiểm soát việc thực hiện lệnh cấm, dự kiến duy trì cho đến khi bão tan hẳn. Các chủ lồng bè phải ký cam kết không ở lại trên biển khi bão ảnh hưởng, chủ động đưa người và tài sản vào bờ theo hướng dẫn.
![]() |
Hồ tôm của ông Nguyễn Cường ở xã An Châu sẽ tháo dỡ phần lưới khi gió bão giật trên cấp 7. Ảnh: Đức Hùng |
Ông Nguyễn Trường Thành, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An, cho biết toàn tỉnh có 2.816 tàu thuyền với hơn 12.000 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản trên biển. Đến chiều tối nay, toàn bộ phương tiện đang hoạt động đã nhận được thông báo về vị trí, hướng di chuyển của bão Wipha để phòng tránh, không còn tàu nào mất liên lạc hoặc hoạt động trong vùng nguy hiểm.
"Nghệ An chưa tổ chức di dân, song với những hộ sống ở khu vực nguy hiểm như ven biển, vùng đồi núi có nguy cơ lũ quét, ngập sâu, nhà chức trách đã lên phương án chi tiết để đưa họ đến nơi an toàn, đề phòng sự cố", ông Thành nói.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, sau khi đi vào Vịnh Bắc Bộ sáng 21/7, bão Wipha có thể mạnh lên cấp 10-11, giật cấp 14 khi tiến vào vùng biển Hải Phòng - Thanh Hóa. Bão sẽ gây mưa lớn, có nơi trên 600 mm, tập trung ở Đông Bắc Bộ, vùng núi Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh.
Lê Hoàng - Đức Hùng