Từ đầu năm đến nay, ông Minh Hoàng, Giám đốc một công ty vận tải logistics ở Hà Nội, đôn đáo tuyển tài xế cho đội xe gần 100 xe tải, xe container để trám vào vị trí 5 người xin thôi việc. Tuy nhiên, kết quả tuyển dụng không khả quan. Gần 10 xe tải không có người lái phải nằm bãi khiến nhiều đơn hàng trễ hẹn.
Lý giải việc khó tuyển lao động, ông Hoàng nói trước đây tài xế làm việc khoảng 60 giờ một tuần với tuyến đường ngắn, 70 giờ một tuần với tuyến đường Bắc Nam. Từ khi Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 và Nghị định 168 có hiệu lực đầu năm 2025, thời gian làm việc của tài xế không được quá 10 giờ mỗi ngày và không quá 48 giờ một tuần, lái xe liên tục không quá 4 giờ.
Các quy định trên, theo ông Hoàng, có tác dụng tích cực là đảm bảo thời gian nghỉ ngơi cho tài xế, góp phần tăng tính an toàn khi điều khiển phương tiện. Tuy nhiên, nó khiến thời gian vận chuyển hàng từ nhà máy đến cảng thường kéo dài thêm 2-3 giờ mỗi chuyến. Nhiều chuyến xe, doanh nghiệp phải bố trí hai người lái thay vì một người như trước, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp, trong khi thu nhập của lái xe bị giảm khoảng 20-30%.
"Ngoài thu nhập giảm, Nghị định 168 với mức phạt tăng cao, nhiều lỗi còn phạt cả lái xe và chủ xe nên áp lực với tài xế rất lớn. Nhiều người bỏ nghề, hoặc tìm cơ hội ở nơi có thu nhập cao hơn", ông Hoàng cho hay.
Đội xe tải, xe khách của Công ty TNHH X.E Việt Nam cũng đang thiếu khoảng 15% số lái xe dự phòng. Ông Lê Ngọc Nam, đại diện doanh nghiệp, đánh giá nghề lái xe thiếu sức hút đối với lao động trẻ. Lái xe container, xe tải đường dài rất vất vả do phải thức chạy xe suốt đêm, xa gia đình nhiều ngày, căng thẳng xử lý tình huống trên đường, lo bị xử phạt với mức phạt tăng cao hơn trước đây.
Hạ tầng giao thông dù đã cải thiện, song vẫn chưa đồng bộ, thiếu trạm dừng nghỉ, thiết bị giám sát hành trình dễ có sai sót trong xử phạt gây ức chế cho lái xe. Phải gánh nhiều trách nhiệm, áp lực, trong khi quyền lợi, thu nhập chưa tương xứng khiến nhiều tài xế chán nản, bỏ nghề.
"Nếu không có giải pháp, ngành logistics sẽ ngày càng thiếu hụt nguồn nhân lực, dẫn tới nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng", ông Lê Ngọc Nam nói.
![]() |
Xe khách hoạt động tại bến xe Mỹ Đình. Ảnh: Phạm Chiểu |
Nhà xe Sao Việt gần đây cũng không tuyển được thêm lái xe mới, nhất là lái xe bằng D (lái xe trên 29 chỗ, xe giường nằm), trong khi có một số người thôi việc. 10 tài xế hạng D đến tuổi 57 bị hạ xuống hạng D2 (lái xe dưới 29 chỗ). Điều này khiến doanh nghiệp thiếu người, nhiều xe phải nằm bãi.
Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty Minh Thành Phát (nhà xe Sao Việt), nói đã huy động mọi kênh tìm kiếm nhân lực. Trước đây Sao Việt tuyển dụng tài xế thường yêu cầu đóng tiền trách nhiệm để tăng trách nhiệm gìn giữ phương tiện, nay đã bỏ mà vẫn không tuyển được người.
Đề xuất nâng tuổi hành nghề của người lái xe trên 29 chỗ
Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho biết hiện nay lực lượng lái xe đầu kéo, xe container ở phía Nam thiếu khoảng 30% so với nhu cầu. Phía Bắc cũng có nhiều doanh nghiệp phản ánh thiếu lái xe vận tải khách và kiến nghị nâng tuổi làm việc của lái xe lên theo tuổi nghỉ hưu.
Hiện Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ quy định tuổi tối đa của tài xế ôtô chở người (kể cả xe buýt) trên 29 chỗ, xe giường nằm là đủ 57 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ. Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội kiến nghị cơ quan chức năng xem xét, trình Quốc hội chỉnh sửa Luật để cho phép người lái ôtô chở người (kể cả xe buýt) trên 29 chỗ (hạng D) được lái xe đến hết tuổi nghỉ hưu theo Bộ luật Lao động năm 2019.
Theo ông Quyền, trước đây khi lấy ý kiến dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Hiệp hội đã kiến nghị nâng độ tuổi người lái xe hạng D lên 60 và điều chỉnh chu kỳ khám sức khỏe một năm một lần, thay vì ba năm để đảm bảo sức khỏe cho tài xế và nguồn nhân lực cho ngành vận tải. Tuy nhiên, Luật vẫn điều chỉnh độ tuổi người lái xe trên 29 chỗ từ 55 lên 57 tuổi.
"Chúng ta có thể tham khảo kinh nghiệm các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, lái xe khách được hành nghề đến hơn 60 tuổi, song chu kỳ khám sức khỏe hàng năm rút ngắn", ông Quyền nói.
Ủng hộ kéo dài tuổi hành nghề của lái xe trên 29 chỗ, ông Lê Đình Dũng, Giám đốc nhà xe Hà Sơn - Hải Vân, cho rằng hiện các doanh nghiệp nâng cấp chất lượng dịch vụ, đầu tư phương tiện, đường sá được cải tạo nên người lái xe đến 60 tuổi vẫn đảm bảo sức khỏe để làm việc trong quãng đường dưới 300 km.
"Công ty Hà Sơn đang thiếu khoảng 30 lái xe khiến hàng chục xe phải thay nhau nằm bãi, giảm doanh thu. Về lâu dài, doanh nghiệp khó mở rộng kinh doanh", ông Dũng nói.
Đoàn Loan