Vie Tiếng Việt
Eng English
China 中国人

Vie Tiếng Việt
Eng English
China 中国人
  • Thời sự
  • Thế giới
  • Kinh doanh
  • Giải trí
  • Thể thao
  • Pháp luật
  • Giáo dục
  • Sức khỏe
  • Đời sống
  • Du lịch
  • Khoa học
  • Số hóa
  • Xe
  • Trở lại Thể thao
  • Thời sự
Thứ ba, 15/7/2025 | 11:07 GMT+7

'Đã đến lúc chuyển đổi hệ sinh thái giáo dục tiếp cận trang bị kiến thức'

Thầy Mai Văn Túc, giáo viên THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, cho rằng đã đến lúc chuyển đổi hệ sinh thái giáo dục lỗi thời hiện nay - nơi người học chỉ học để thi.

'Đã đến lúc chuyển đổi hệ sinh thái giáo dục tiếp cận trang bị kiến thức'

Thầy Mai Văn Túc, giáo viên THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, cho rằng đã đến lúc chuyển đổi hệ sinh thái giáo dục lỗi thời hiện nay - nơi người học chỉ học để thi.

Thầy Mai Văn Túc làm cố vấn chuyên môn cho chương trình Đường lên đỉnh Olympia.

Trả lời chất vấn tại Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn so sánh tình trạng dạy thêm học thêm như hệ quả của "hệ sinh thái" giáo dục tiếp cận trang bị kiến thức. Để làm rõ hơn bản chất của mô hình này, VnExpress phỏng vấn thầy Mai Văn Túc - giáo viên Vật lý Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) - người đã dẫn dắt nhiều thế hệ học sinh giỏi của Việt Nam.

- Thưa thầy, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trong phiên chất vấn tại Quốc hội gần đây đã đề cập tới tình trạng dạy thêm học thêm như một hệ quả của "hệ sinh thái" giáo dục tiếp cận trang bị kiến thức. Là một người giảng dạy lâu năm, thầy nhìn nhận thế nào về mô hình giáo dục này?

- Tôi hoàn toàn đồng tình với nhận định của Bộ trưởng. Tôi cho rằng, nhận định đó rất đúng và trúng vào vấn đề cốt lõi. Trong một thời lượng phát biểu rất ngắn ngủi, chỉ vài ba phút tại nghị trường cho một câu hỏi lớn, Bộ trưởng đã chỉ ra bản chất sâu xa của tình trạng dạy thêm học thêm - đó là hệ quả tất yếu của mô hình giáo dục đã không còn phù hợp với thời đại. Dù chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được triển khai đúng hướng và kịp thời, nhưng theo tôi còn thiếu nhiều yếu tố để cuộc cải cách này đạt được đầy đủ các mục tiêu đề ra.

Nền giáo dục thời gian qua vận hành theo mô hình tiếp cận trang bị kiến thức - coi việc học chủ yếu là để ghi nhớ, tái hiện thông tin. Kiến thức được đóng gói sẵn, được coi như một khối lượng "đúng - đủ - sẵn có", và người học chỉ cần tiếp nhận để có thể làm bài kiểm tra, bài thi. Học sinh chỉ cần học thuộc, làm đúng các dạng bài mẫu để đạt điểm cao. Mô hình này khó nuôi dưỡng tư duy độc lập hay khơi dậy đam mê khoa học thực sự.

Phần lớn bài kiểm tra, bài thi trong quá khứ chỉ đòi hỏi học sinh áp dụng công thức vào các "dạng bài mẫu" quen thuộc. Những câu hỏi "tại sao", những thí nghiệm thực tiễn, những tình huống cần tư duy sáng tạo gần như vắng bóng. Ngay cả trong nhiều trường chuyên - nơi được kỳ vọng là "đầu tàu học thuật" - khi tôi hỏi 10 học sinh ở các lớp khác nhau thì cả 10 đều xác nhận: suốt cả ba năm học, không có bất kỳ một giáo viên nào mang dụng cụ thí nghiệm lên lớp để minh họa bài giảng. Điều đó thực sự rất đáng lo ngại, bởi nó phản ánh thực trạng giáo dục đang bị tách rời khỏi thực tiễn cuộc sống, khỏi bản chất khám phá của khoa học.

- Với góc nhìn của một giáo viên đã chứng kiến sự tồn tại của mô hình giáo dục tiếp cận trang bị kiến thức suốt nhiều năm, theo thầy, hệ lụy của nó là gì?

- Mô hình giáo dục tiếp cận trang bị kiến thức - tức là dạy học chủ yếu để truyền đạt và ghi nhớ thông tin - tưởng như vô hại, nhưng để lại hàng loạt hệ lụy nghiêm trọng, lâu dài và mang tính hệ thống. Đầu tiên và quan trọng nhất, nó thui chột tư duy độc lập và sáng tạo, nói rộng hơn là nó làm mất hầu hết hiền tài đáng ra phải có - nguồn nguyên khí quốc gia.

Phương thức này cũng khiến học sinh quay lưng với các môn khoa học cơ bản như Vật lý, Hóa học, Sinh học. Những môn học từng khơi dậy niềm say mê khám phá - nay trở thành nỗi sợ hãi của nhiều học sinh vì gần như chỉ còn công thức, bài tập, định nghĩa cần thuộc lòng. Các em không được thí nghiệm, không được "thấy" hiện tượng bằng mắt, chỉ biết "giải đề" và "được điểm". Khi kỳ thi qua đi, kiến thức cũng rơi rụng theo, không đọng lại gì cho đời sống hay công việc. Đây chính là căn nguyên sâu xa khiến các ngành công nghệ - kỹ thuật - nghiên cứu ở Việt Nam thiếu nhân lực chất lượng cao, thiếu những người thực sự đam mê và có khả năng đổi mới.

Đội ngũ giáo viên cũng mất động lực làm mới mình. Trong guồng máy dạy để thi, giáo viên trở thành "người luyện thi chuyên nghiệp" hơn là người truyền cảm hứng học tập. Họ không còn thời gian để đầu tư vào đổi mới, xây dựng bài giảng sáng tạo, hay cập nhật phương pháp dạy học hiện đại. Nỗi lo "kết quả lớp thấp sẽ bị đánh giá" khiến thầy cô quay cuồng với đề thi, đáp án, điểm số. Đó là một kiểu mài mòn âm thầm nhưng khốc liệt đối với đội ngũ làm nghề giáo.

Mô hình này cũng gián tiếp làm mất cân bằng giữa thành thị và nông thôn. Nó tạo ra một "cuộc đua học thêm ngầm", nơi những học sinh không có điều kiện kinh tế, không thể học thêm, sẽ tụt lại phía sau. Xã hội cũng dần hình thành tư duy học để đối phó. Nhiều học sinh không còn học vì muốn hiểu, muốn làm chủ tri thức, mà học chỉ để vượt qua kỳ thi, lấy tấm bằng, ghi một con số đẹp vào học bạ. Tư duy "đối phó" dần thay thế động lực "vươn lên" và "trưởng thành".

Hậu quả nghiêm trọng nhất là chất lượng nhân lực suy giảm nghiêm trọng. Các doanh nghiệp than phiền: nhiều sinh viên ra trường thiếu kỹ năng làm việc cơ bản, không thích nghi được môi trường thực tế. Không ít kỹ sư, cử nhân cầm bằng loại giỏi nhưng không hiểu bản chất công việc, thiếu tư duy phản biện, không giải quyết được vấn đề - vì nền tảng của họ chỉ là kỹ năng làm bài thi.

Tình trạng này dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nhân tài khoa học - công nghệ trong tương lai. Một quốc gia không thể phát triển bền vững nếu thế hệ trẻ mất hứng thú với khoa học. "Nguyên khí quốc gia" không thể nảy mầm nếu người học không có không gian để sáng tạo, thử nghiệm và khác biệt.

Xã hội cũng phải trả giá về thời gian, tiền bạc và công sức. Phụ huynh đi làm muộn, về sớm để đưa đón con học thêm; trung tâm tốn điện, người dân tốn xăng, gây kẹt xe và ô nhiễm. Hàng triệu giáo viên, học sinh kiệt sức vì lịch học căng thẳng. Nhưng thiệt hại lớn nhất không phải là vật chất, mà là sự lãng phí tiềm năng: những đứa trẻ từng ham học rồi chán học, từng sáng tạo rồi cam chịu. Đã đến lúc phải nhìn lại thật rõ để có thể bước tiếp thật vững. Đổi mới không thể chỉ là khẩu hiệu, mà phải bắt đầu từ sự thật - và dũng khí đối diện với sự thật ấy.

- Mô hình giáo dục với nhiều bất cập như thầy vừa phân tích, vì sao vẫn tồn tại suốt nhiều thập kỷ qua?

- Đây là một câu hỏi lớn, liên quan đến nhiều tầng lớp nguyên nhân. Trước hết, mô hình giáo dục hiện nay không tồn tại một cách riêng lẻ, mà gắn với nhiều yếu tố trong hệ thống, từ kỳ thi, chương trình học, sách giáo khoa cho đến cách quản lý ở các cấp. Trong bối cảnh đó, thi cử thường được xem là căn cứ quan trọng để định hướng việc dạy và học. Nhiều trường học, giáo viên và phụ huynh vẫn coi kết quả thi là thước đo khách quan cho chất lượng giáo dục.

Ngoài ra, giáo dục theo hướng trang bị kiến thức phần nào giúp việc quản lý trở nên thuận tiện hơn. Việc kiểm tra đánh giá dựa vào điểm số cụ thể giúp dễ theo dõi, tổng hợp, xếp loại. Từ đó, các tiêu chí như tỷ lệ học sinh khá giỏi, số lượng học sinh đạt giải hay điểm thi cao thường được dùng để đánh giá hiệu quả giáo dục của một nhà trường.

Khi các chỉ số thành tích trở thành tiêu chuẩn phổ biến, nhiều nơi có xu hướng chú trọng vào luyện thi và học thuộc. Học sinh học để thi, giáo viên dạy để học sinh đạt điểm, phụ huynh cũng phải đầu tư thêm thời gian và tài chính. Dần dần, điểm số cao được xã hội mặc định là mục tiêu cần hướng tới.

Việc thay đổi một mô hình giáo dục đã tồn tại lâu dài không phải điều dễ dàng. Thói quen vận hành, tâm lý ổn định, cùng với nhiều mối quan hệ gắn bó trong hệ thống khiến đa số không muốn phá vỡ.

- Đề thi tốt nghiệp THPT năm nay đã điều chỉnh theo hướng đánh giá năng lực thay vì kiểm tra ghi nhớ thuần túy. Theo thầy, những thay đổi này sẽ tạo ra chuyển biến như thế nào trong cách dạy và học hiện nay?

- Như tôi đã chia sẻ, trước đây hoạt động dạy và học ở Việt Nam chủ yếu hướng đến mục tiêu thi cử. Giáo viên và học sinh thường "ăn theo" đề thi: dạy và học thật nhiều kiến thức, đồng thời luyện kỹ cách làm các dạng câu hỏi quen thuộc. Hệ quả là học sinh trở nên thụ động, lệ thuộc vào thầy cô, thiếu khả năng sáng tạo và không có cơ hội vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

Khi đề thi chuyển sang đánh giá năng lực, giáo viên và học sinh buộc phải thay đổi. Việc dạy học không còn đặt nặng chuyện "nhồi nhét" kiến thức, mà tập trung vào phát triển năng lực tự học, tư duy sáng tạo và kỹ năng giải quyết vấn đề. Giáo viên phải thiết kế bài học theo hướng giúp học sinh rèn luyện khả năng đọc hiểu, phân tích dữ liệu và suy luận linh hoạt.

Tuy nhiên, do còn mới nên một số ý kiến cho rằng đề năm nay khó hoặc "vượt chương trình". Điều đó cũng dễ hiểu bởi lâu nay thầy cô thường dạy bám sát sách giáo khoa, coi đó như "pháp lệnh". Khi gặp tình huống có số liệu, giả định hoặc thông tin từ nghiên cứu không có trong sách, họ lập tức cho rằng đề dài dòng hoặc vượt quá yêu cầu. Nhưng cần phải khẳng định rằng sự đổi mới trong đề thi chính là cách để đánh giá năng lực đọc hiểu, khả năng nhận biết dữ liệu cần thiết và năng lực vận dụng kiến thức - những kỹ năng rất quan trọng trong học tập và đời sống.

Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo kiên trì tăng dần tỷ lệ câu hỏi đánh giá năng lực qua các năm, cả giáo viên lẫn học sinh sẽ thích nghi với phương pháp mới. Từ đó, quá trình dạy và học ở bậc THCS và THPT sẽ thay đổi theo hướng thực chất hơn: học sinh có thể tư duy độc lập, chủ động tìm hiểu và tự giải quyết vấn đề - một bước tiến quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Album : Các thiết bị thí nghiệm gắn bảng môn Vật lý do thầy Túc sáng chế

- Ngoài thay đổi cách thi, theo thầy, mô hình giáo dục truyền đạt kiến thức cần thay đổi thế nào để phù hợp với thời đại mới?

- Theo tôi, cần thẳng thắn nhìn nhận rằng mô hình giáo dục hiện nay - lấy việc truyền đạt kiến thức và luyện thi làm trung tâm - đã không còn phù hợp. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đổi mới để khắc phục hiện trạng và từng bước chuyển đổi.

Chúng ta cần xây dựng một hệ sinh thái giáo dục mới, trong đó người học được đặt vào vị trí trung tâm với vai trò chủ thể kiến tạo tri thức. Mục tiêu của giáo dục không còn là "học để thi", mà là "học để sống, để làm việc, để làm chủ tương lai". Giáo dục cần trang bị cho học sinh năng lực tư duy, khả năng thích nghi, giải quyết vấn đề và sáng tạo - những phẩm chất cốt lõi của công dân hiện đại.

Một trong những mô hình tiếp cận phù hợp với yêu cầu ấy là giáo dục STEM (Science - Technology - Engineering - Mathematics) - tích hợp Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học. Nhưng STEM không chỉ đơn giản là "gộp bốn môn" lại với nhau. Sâu xa hơn, đây là một triết lý giáo dục hoàn toàn mới, giúp học sinh phát triển tư duy phản biện, năng lực sáng tạo, kỹ năng hợp tác và giải quyết vấn đề trong bối cảnh thực tế.

Giáo dục STEM không truyền đạt kiến thức một chiều mà tạo ra môi trường học tập mở, nơi học sinh được tự học, tự làm, tự thử nghiệm và rút kinh nghiệm. Giáo viên không còn là "người giảng bài" mà là người thiết kế tình huống, dẫn dắt học sinh nhập vai như một kỹ sư, nhà nghiên cứu hay nhà phát minh để giải quyết các vấn đề thực tiễn.

Chẳng hạn, thay vì giảng lý thuyết về độ giãn lò xo và giao bài tập tính toán, giáo viên có thể đưa ra tình huống: "Lớp học là một công ty đang thiết kế thiết bị đo khối lượng gắn vào móc chìa khóa để tham gia đấu thầu quốc tế". Học sinh trong vai kỹ sư sẽ bàn bạc, chế tạo, thử nghiệm sản phẩm, tính toán sai số... Trong quá trình đó, các em sẽ tự tìm hiểu định luật Hooke, công thức vật lý, phương pháp đo lường và kỹ năng làm việc nhóm. Mỗi tiết học là một hành trình khám phá và sáng tạo thực sự.

Điều quan trọng là STEM không phụ thuộc vào thiết bị đắt tiền như robot, cảm biến hay mô-đun hiện đại - thứ mà nhiều nơi đang hiểu chưa đúng. Yếu tố then chốt là giáo viên thay đổi vai trò, bài học thay đổi cấu trúc, và cách đánh giá không chỉ dựa trên điểm số, mà phản ánh cả quá trình học sinh phát triển tư duy và năng lực thực tế.

Hiểu đúng bản chất của STEM là hiểu rằng mục tiêu không phải là tạo ra sản phẩm đẹp mắt để trưng bày, mà là nuôi dưỡng khả năng tư duy, trải nghiệm và khám phá. Khi học sinh biết mình học để làm gì, và biết cách biến kiến thức thành năng lực sống, thì giáo dục mới thực sự hoàn thành vai trò khai phóng - giúp mỗi người trưởng thành toàn diện và góp phần hình thành một thế hệ sáng tạo cho tương lai.

Giáo dục là nền tảng của mọi sự phát triển. Nếu chúng ta không thay đổi nhanh và mạnh mẽ, chúng ta sẽ tiếp tục đào tạo ra những thế hệ chỉ biết học thuộc - thi xong - rồi quên. Một đất nước không thể kỳ vọng vào đổi mới sáng tạo nếu nền giáo dục còn sản sinh ra những "cỗ máy thi cử" thiếu tư duy độc lập và kỹ năng thực tiễn. Khát vọng trở thành quốc gia phát triển không thể thành hiện thực nếu chúng ta không có một nền giáo dục thực sự khai phóng tiềm năng con người.

Huy Minh

Nguồn VnExpress: https://vnexpress.net/da-den-luc-chuyen-doi-he-sinh-thai-giao-duc-tiep-can-trang-bi-kien-thuc-4911099.html
Tags: trường học

Tin cùng chuyên mục

Ngư dân trôi dạt 6 tiếng trên biển được cứu

Ngư dân trôi dạt 6 tiếng trên biển được cứu

Tàu cao tốc Lightning 68-6 đang chở khách từ Hòn Sơn về Rạch Giá thì phát hiện một ngư dân trôi dạt trên biển, đã quay lại cứu và đưa người này vào bờ an toàn, chiều 21/7.

Cảng Vân Đồn và Cát Bi tạm dừng khai thác bay

Cảng Vân Đồn và Cát Bi tạm dừng khai thác bay

Chiều 21/7, Cục Hàng không Việt Nam quyết định tạm dừng tiếp nhận máy bay tại cảng Cát Bi (Hải Phòng) và Vân Đồn (Quảng Ninh) do nằm trong vùng ảnh hưởng bão.

Dừng họp, lên kịch bản sơ tán dân trước khi bão Wipha đổ bộ

Dừng họp, lên kịch bản sơ tán dân trước khi bão Wipha đổ bộ

Kỳ họp HĐND tỉnh Thanh Hóa sẽ cắt giảm một ngày để lãnh đạo các xã phường về phòng chống bão, sẵn sàng phương án sơ tán dân.

Thủ tướng yêu cầu thông xe cao tốc Châu Đốc - Sóc Trăng sớm 6 tháng

Thủ tướng yêu cầu thông xe cao tốc Châu Đốc - Sóc Trăng sớm 6 tháng

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các đẩy nhanh tiến độ để cơ bản thông xe dự án cao tốc trục ngang miền Tây dài 188 km ngày 19/12, sớm hơn kế hoạch 6 tháng.

Bão Wipha ảnh hưởng thế nào đến các tỉnh, thành phía Bắc

Bão Wipha ảnh hưởng thế nào đến các tỉnh, thành phía Bắc

Bão Wipha dự báo đổ bộ đất liền rạng sáng mai với sức gió mạnh nhất cấp 10-11, giật cấp 14, là cơn bão có tốc độ gió mạnh thứ 3 trong 30 năm qua.

Tổng Bí thư: Pháp luật không chỉ trừng trị mà còn mở lối hướng thiện

Tổng Bí thư: Pháp luật không chỉ trừng trị mà còn mở lối hướng thiện

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh pháp luật không chỉ để trừng trị mà còn giáo dục, cảm hóa, bảo vệ và khai mở lối đi cho sự hướng thiện.

Làm gì để đảm bảo an toàn khi bão đổ bộ?

Làm gì để đảm bảo an toàn khi bão đổ bộ?

Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân tuyệt đối không ra ngoài khi bão đổ bộ, đối với nhà cửa cần triển khai các biện pháp bảo vệ theo hướng dẫn.

'Khí thải phương tiện giao thông chiếm 12% ô nhiễm không khí ở Hà Nội'

'Khí thải phương tiện giao thông chiếm 12% ô nhiễm không khí ở Hà Nội'

Cục Môi trường cho rằng khí thải phương tiện giao thông không phải nguồn gây ô nhiễm không khí lớn nhất (chiếm 12%) ở Hà Nội, song giảm phát thải là cần thiết.

An Giang truy điệu, an táng 81 hài cốt liệt sĩ

An Giang truy điệu, an táng 81 hài cốt liệt sĩ

81 hài cốt liệt sĩ, trong đó có 76 quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh vì nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia, được truy điệu và an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Dốc Bà Đắc, sáng 21/7.

Thêm nạn nhân vụ lật tàu Vịnh Xanh được tìm thấy

Thêm nạn nhân vụ lật tàu Vịnh Xanh được tìm thấy

Thi thể bé trai 6 tuổi, nạn nhân vụ lật tàu Vịnh Xanh 58 trên vịnh Hạ Long, được tìm thấy gần khu vực đảo Ti tốp, lúc 9h30 ngày 21/7.

Vie Tiếng Việt
Eng English
China 中国人
  • Thời sự
  • Thế giới
  • Kinh doanh
  • Giải trí
  • Thể thao
  • Pháp luật
  • Giáo dục
  • Sức khỏe
  • Đời sống
  • Du lịch
  • Khoa học
  • Số hóa
  • Xe
FPT Tower, 10 Pham Van Bach Street, Dich Vong Ward,
Cau Giay District, Hanoi, Vietnam
Email: contacts@vnportal.net
Tel: 028 7300 9999 - Ext 8556
Advertise with us: 090 293 9644
Register
© Copyright 2025 vn24h.net. All rights reserved.
Điều khoản sử dụng Chính sách bảo mật Cookies