Truyền thông Đức hôm 14/4 công bố bản ghi chép mật về cuộc gặp giữa tùy viên quốc phòng Đức ở Kiev với 200 quân nhân hồi tháng 1, trong đó tiết lộ đánh giá nội bộ của quân đội Đức về xe tăng chủ lực Leopard 2 tại Ukraine và những khó khăn mà quân nhân Ukraine gặp phải khi vận hành khí tài này.
"Binh sĩ Ukraine cho rằng xe tăng Leopard 2 không có nhiều tác dụng và dễ tổn thương bởi thiết bị bay không người lái (drone) tự sát. Họ đã bổ sung nhiều biện pháp bảo vệ như giáp lồng, lưới và xích sắt để tăng khả năng ứng phó drone, nhưng vẫn khó chống chọi đòn tập kích hiệp đồng bằng nhiều phi cơ", bản ghi có đoạn.
Ukraine đã nhận hơn 100 xe tăng chủ lực Leopard 2 từ phương Tây, trong đó hơn 70 chiếc thuộc phiên bản 2A4.
Theo trang theo dõi chiến sự Oryx có trụ sở tại Hà Lan, tính đến hết năm 2024, quân đội Ukraine đã mất ít nhất 25 xe tăng Leopard 2A4, 13 chiếc Leopard 2A6 và 8 xe Strv 122 được coi là biến thể hiện đại nhất của dòng xe này. Con số thực tế có thể cao hơn do Oryx chỉ tổng hợp dữ liệu từ nguồn mở.
Không chỉ dễ tổn thương, xe tăng Leopard 2 còn rất khó sửa chữa do thiết kế phức tạp. Quân đội Ukraine phải gửi những chiếc hư hỏng đến các xưởng chuyên biệt ở miền tây đất nước, thậm chí chuyển về nhà máy ở Ba Lan để sửa chữa và bảo dưỡng.
"Sự thất thế của Leopard 2 khiến binh sĩ Ukraine chủ yếu sử dụng chúng như bệ pháo di dộng, thay vì làm mũi xung kích trên tiền tuyến như thiết kế", báo cáo của quân đội Đức có đoạn.
Sergej Sumlenny, giám đốc điều hành tại Trung tâm Sáng kiến Phục hồi châu Âu có trụ sở tại Berlin, cho rằng vấn đề là phương Tây chuyển giao quá ít xe tăng Leopard 2 cho Ukraine. "Chỉ một hoặc hai chiếc cần sửa chữa cũng đồng nghĩa Ukraine mất một phần không nhỏ đội xe Leopard 2", ông nói.
![]() |
Binh sĩ Nga bên cạnh xe tăng Leopard 2A6 gần Avdeevka trong ảnh đăng tháng 3/2024. Ảnh: Telegram/SolovievLive |
Sumlenny từng thăm tiền tuyến tại Ukraine gần như hàng tháng kể từ khi xung đột bùng phát. "Leopard 2 không được thiết kế để hoạt động tại chiến trường Ukraine. Nó sẽ làm tốt nhiệm vụ nếu được yểm trợ từ trên không, song Ukraine không có khả năng này", ông nói.
Một lý do khác khiến những chiếc Leopard 2 hiện đại nhất cũng mất uy lực tại chiến trường Ukraine là thay đổi trong tư duy quân sự của Đức sau Thế chiến II.
"Những người thiết kế mẫu xe tăng này chưa từng trải qua chiến tranh, nên thường có xu hướng phức tạp hóa khí tài hơn mức cần thiết. Các vũ khí đời cũ hơn, vốn được thiết kế từ thập niên 1960 bởi những người từng sống trong xung đột, tỏ ra hữu dụng hơn nhiều trên chiến trường nhưng lại có vỏ giáp yếu", Sumlenny nêu quan điểm.
Giới chuyên gia quân sự Đức nhận định nước này có thể rút ra nhiều bài học từ xung đột Ukraine, một trong số đó là phải tăng số lượng vũ khí sẵn có.
"Chúng ta không thể chỉ nghĩ đến số lượng nhỏ khí tài với độ phức tạp cao, mà cần tính đến trường hợp các phương tiện phải ngừng hoạt động trong thời gian dài do bị hư hỏng", Sara Nanni, phát ngôn viên về chính sách quốc phòng của đảng Xanh tại Đức, cho biết.
Đức là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai cho Ukraine từ đầu xung đột, chỉ sau Mỹ. Bên cạnh 18 xe tăng Leopard 2A6 hiện đại, Berlin đã chuyển giao cho Kiev hơn 100 chiếc Leopard 1A5 đời cũ, cùng vũ khí phòng không, thiết giáp, pháo tự hành, đạn dược và nhiều trang thiết bị khác.
Cuộc trao đổi hồi tháng 1 cũng cho thấy lính Ukraine gặp nhiều vấn đề với các khí tài của Đức. Pháo tự hành Pzh 2000 được mô tả là "mạnh nhất thế giới" và có hiệu suất vượt trội, nhưng lại đi kèm những hạn chế lớn về mặt kỹ thuật khiến năng lực tác chiến thực tế "bị nghi ngờ nghiêm trọng".
![]() |
Xe tăng Strv 122 Ukraine tại mặt trận Lugansk hồi cuối năm 2023. Ảnh: Military Land |
Xe tăng Leopard 1A5 được đánh giá là "đáng tin cậy", song cũng chỉ được dùng làm ổ hỏa lực di động như biến thể Leopard 2A6 vì lớp giáp quá mỏng. Hệ thống phòng không IRIS-T có hiệu quả tác chiến cao, nhưng tên lửa quá đắt và số lượng quá ít.
Các tổ hợp Patriot mà Đức chuyển giao cho Ukraine cũng gặp khó khăn trên chiến trường do xe đầu kéo MAN KAT1 đã quá cũ, không còn linh kiện thay thế.
Điểm sáng hiếm hoi là pháo phòng không Gepard. Khí tài này bị quân đội Đức loại biên trước khi xung đột Ukraine bùng phát, Berlin sau đó đưa chúng ra khỏi kho niêm cất và mua thêm từ nước ngoài để chuyển giao cho Kiev. Dù vậy, chúng được binh sĩ Ukraine đánh giá là vũ khí "phổ biến, hiệu quả và đáng tin cậy nhất".
Các nguồn tin giấu tên trong quân đội Đức xác nhận báo cáo đã phản ánh tình hình thực tế trên chiến trường Ukraine. "Vũ khí Đức hiện đại, nhưng điều kiện tác chiến hết sức khắc nghiệt khiến chúng rất nhanh bị hao mòn và xuống cấp", một người thừa nhận.
Phạm Giang (Theo Telegraph, Del Spiegel, Kyiv Independent)