Video đăng trên mạng xã hội X cuối tuần trước cho thấy máy bay vận tải An-124 Ukraine bay thấp trên bầu trời thủ đô Kiev, trước sự ngỡ ngàng của người dân dưới mặt đất. "Gì vậy? Như vậy có bình thường không?", một phụ nữ nói. "Họ mở lại không phận rồi à?", một người đàn ông đặt câu hỏi.
Đây là lần đầu tiên vận tải cơ An-124 xuất hiện trên vùng trời Kiev trong hơn ba năm qua. Sau khi chiến sự bùng phát đầu năm 2022, giới chức Ukraine đã đóng không phận ở thủ đô với toàn bộ máy bay không làm nhiệm vụ chiến đấu.
Dựa vào ảnh vệ tinh, chuyên trang quân sự Mỹ War Zone nhận định chiếc An-124 nhiều khả năng cất cánh từ sân bay Svyatoshino tại Kiev, nơi nó đã nằm đất trong hơn 4 năm qua. Đây cũng là trụ sở của nhà máy thuộc tập đoàn sản xuất máy bay Antonov.
Cơ sở này gần như không bị hư hại dù sân bay Hostomel gần đó, cùng vận tải cơ An-225 và nhiều máy bay khác đậu ở đây, đã bị phá hủy trong những ngày đầu xung đột.
Dữ liệu nguồn mở cho biết chiếc An-124 Ukraine đã đáp xuống cơ sở của tập đoàn Antonov ở thành phố Leipzig tại Đức, nơi hãng tập trung phần lớn hoạt động kể từ khi chiến sự bùng phát.
Một số nhà phân tích quân sự Nga cho rằng vận tải cơ An-124 được Ukraine sơ tán khỏi thành phố Dnipro, nhằm ngăn nó bị đối phương tập kích.
![]() |
Máy bay An-124 tại sân bay Svyatoshino trong ảnh vệ tinh chụp hôm 2/7. Ảnh: Planet Labs |
Dữ liệu từ trang theo dõi hàng không Flightradar24 cho thấy phi cơ bay qua miền tây Ukraine và đến sát biên giới với Ba Lan chiều cùng ngày, song không có thông tin về điểm xuất phát. Nhiều khả năng máy bay đã tắt bộ phát đáp tín hiệu đến khi chuẩn bị rời khỏi không phận Ukraine, nhằm tránh nguy cơ bị phát hiện. Chiếc An-124 sau đó bay qua Ba Lan trước khi hạ cánh xuống Đức.
Chuyến bay của chiếc An-124 Ukraine đã trở thành chủ đề đang gây tranh cãi với giới phân tích quân sự Nga.
"Đây là sự kiện đáng buồn đối với lực lượng tình báo. Điều đáng buồn không phải là chiếc An-124 đã đến nơi, mà vì nó rời đi mà không hề hấn. Còn thời điểm nó hạ cánh thì là vào buổi đêm, khi đặc vụ của chúng ta đang ngủ", một phi công tiêm kích Nga cho hay.
Phi công này cho biết máy bay có kích cỡ lớn như An-124 chỉ có thể cất hạ cánh ở số ít sân bay ở Ukraine. "Giám sát những cơ sở này là nhiệm vụ hàng đầu của trinh sát và tình báo. Hơn nữa, phi cơ đã đậu ở đó từ rất lâu và chúng ta có thừa phương pháp để tập kích bất cứ sân bay nào", người này cho hay.
![]() |
Đường bay của phi cơ An-124. Đồ họa: FlightRadar24 |
Trong khi đó, cây viết Howard Altman của War Zone cho rằng Nga đã cải thiện đáng kể năng lực trinh sát và chỉ điểm mục tiêu so với giai đoạn đầu xung đột, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn khi muốn tấn mục tiêu di động, kể cả khi nó có kích cỡ lớn như An-124.
Thiếu hụt thông tin tình báo và lưới phòng không dày đặc ở Kiev cũng có thể là những nguyên nhân khác giúp chiếc An-124 không bị phá hủy trước khi cất cánh.
"Sơ tán chiếc An-124 ra nước ngoài để duy trì dịch vụ vận chuyển hàng hóa thương mại sẽ là thắng lợi lớn đối với Antonov nói riêng và Ukraine nói chung, do đây là nguồn thu nhập quan trọng và sẽ hỗ trợ trực tiếp cho hoạt động quân sự", Altman cho hay.
Phạm Giang (Theo War Zone, Euromaidan Press)