Khi còn là sinh viên tại Đại học Bắc Kinh, một trong những ngôi trường danh giá bậc nhất Trung Quốc, Crystal luôn tâm niệm mình sẽ phải làm việc tại một trong những tập đoàn công nghệ hoặc tài chính hàng đầu đất nước.
Trong suốt những năm đại học, Crystal đã làm mọi cách để nâng cao cơ hội được tuyển dụng. Cô tham gia các cuộc thi phân tích tình huống của những công ty nước ngoài, mong muốn thể hiện khả năng linh hoạt ngoài tấm bằng cử nhân ngành khoa học xã hội và nhân văn.
![]() |
Sinh viên dự lễ tốt nghiệp tại Đại học Bắc Kinh hôm 2/7. Ảnh: AP |
Cô cũng đã hoàn thành 4 kỳ thực tập tại các công ty công nghệ, trong đó có ByteDance, công ty mẹ của TikTok. Thời điểm tốt nghiệp vào năm 2023, Crystal nằm trong top 10% sinh viên xuất sắc nhất khóa.
Thế nhưng hồ sơ xuất sắc của Crystal vẫn chỉ mang lại cho cô một lựa chọn duy nhất sau tốt nghiệp: Dành thêm hai năm nữa để lấy tấm bằng thạc sĩ kinh tế và quản lý trước khi gia nhập lực lượng lao động.
"Chẳng có gì đảm bảo chúng tôi sẽ có việc làm sau khi tốt nghiệp đại học", Crystal nói. "Khi chúng tôi ra trường, triển vọng kinh tế khá ảm đạm. Sinh viên Đại học Bắc Kinh khóa 2014 có thể kiếm được một công việc tử tế và sống thoải mái sau tốt nghiệp, nhưng chúng tôi thì không".
Tình cảnh của Crystal phản ánh những khó khăn mà sinh viên mới tốt nghiệp đại học, kể cả những người có thành tích xuất sắc từ các trường danh tiếng của Trung Quốc, đang phải đối mặt khi tìm việc.
Nancy Qian, giáo sư kinh tế tại Trường Quản lý Kellogg thuộc Đại học Northwestern, Mỹ, cho biết cử nhân từ các trường ưu tú ở Trung Quốc không chỉ không tìm được việc làm thu nhập cao mà họ còn "phải cạnh tranh rất vất vả để có được một công việc với mức lương khá xoàng xĩnh, tức là số tiền đó sẽ không đủ giúp họ sống tự lập".
Từ khi đại dịch Covid-19 khiến kinh tế Trung Quốc chững lại, những sinh viên mới tốt nghiệp phải đương đầu với một thị trường lao động đầy khó khăn do tình trạng sa thải và cắt giảm nhân sự liên tục.
Theo giới chuyên gia, khi ngày càng nhiều sinh viên tốt nghiệp mà số lượng vị trí tuyển dụng lại ít đi, các công ty trả lương cao đã chuyển sang tuyển dụng chủ yếu những người có bằng thạc sĩ.
Cử nhân tại các trường đại học hàng đầu Trung Quốc từ lâu đã chọn con đường học lên cao. Khoảng 80% sinh viên tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh mỗi năm quyết định học tiếp. Tuy nhiên, thay vì lấy bằng thạc sĩ nhằm đảm bảo mức lương cao hơn, giờ đây, sinh viên theo đuổi bằng cấp sau đại học chỉ đơn giản là để kiếm được việc làm, Qian lưu ý.
Ngay cả bằng thạc sĩ cũng có thể không đủ. Một báo cáo năm 2023 từ Zhaopin, một trong những nền tảng tuyển dụng trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, nhận định nhiều người lầm tưởng rằng tấm bằng thạc sĩ sẽ là "chìa khóa vàng" giúp họ kiếm được việc. Nhưng thực tế, đây chỉ là tấm vé giúp họ lọt vào vòng trong.
"Kiếm được công việc tốt hay không vẫn phụ thuộc vào năng lực của bạn. Bằng cấp học vấn chỉ là yêu cầu tối thiểu cho người tìm việc, chứ không phải lợi thế", báo cáo nhấn mạnh.
Ngoài ra, ngày càng nhiều sinh viên Trung Quốc cũng lựa chọn các chương trình sau đại học tại những cơ sở giáo dục trong nước thay vì ra nước ngoài. Tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, trường luôn được xếp hạng tốt nhất quốc gia, 54% sinh viên tốt nghiệp năm 2013 chọn học cao học trong nước. Đến năm 2022, tỷ lệ này tăng lên 66%.
Tại Đại học Bắc Kinh, 48% sinh viên khóa 2019 đăng ký học thạc sĩ hoặc tiến sĩ tại Trung Quốc. Với khóa 2024, tỷ lệ là 66%.
Dong Jiachen, người vừa tốt nghiệp chương trình thạc sĩ xã hội học tại Đại học Bắc Kinh, cho hay sinh viên hiện nay nghĩ rằng "nếu nhà tuyển dụng ngày càng đặt ra yêu cầu cao, bạn buộc phải đáp ứng những yêu cầu đó. Vì vậy, lấy bằng sau đại học đã trở thành việc cần làm".
Giống như Crystal, Dong muốn làm việc trong khu vực tư nhân và biết rằng lấy bằng thạc sĩ sẽ chỉ là khởi đầu.
"Ngay cả trước khi bắt đầu tìm việc, bạn cần hoàn thành nhiều kỳ thực tập, lấy các chứng chỉ liên quan, luyện tập cho những bài kiểm tra viết mà nhà tuyển dụng đưa ra cùng vô số thứ khác nữa", Dong, người đã trải qua 6 kỳ thực tập trước khi có được công việc toàn thời gian tại Meituan, một trong nền tảng mua sắm trực tuyến và giao đồ phổ biến nhất Trung Quốc, nói.
Theo giáo sư Qian, "điều thực sự đáng ngạc nhiên trong làn sóng khó khăn của thị trường việc làm hiện nay là nó ảnh hưởng đến giới tinh hoa có học vấn, những người vốn được coi là an toàn nhất".
Qian cho biết nhiều cử nhân từng nỗ lực hết mình để vào được các trường danh tiếng đang cảm thấy "mất tinh thần". "Câu hỏi không ít người đặt ra là 'Tất cả những điều đó để làm gì? Tại sao chúng ta lại phải nỗ lực đến vậy? Có lẽ chúng ta nên từ bỏ thôi'".
Lily Liu, cựu giám đốc điều hành (CEO) của một nền tảng tuyển dụng trực tuyến của Trung Quốc với khoảng 100.000 người dùng, cho hay người tìm việc giờ đây cũng đòi hỏi nhiều hơn từ nơi làm việc của họ.
"Kỳ vọng của sinh viên mới tốt nghiệp hiện rất đa dạng, về môi trường công ty, giá trị ngành, mức lương đến khoảng cách từ nhà đến nơi làm việc. Nếu những kỳ vọng này không được đáp ứng, họ sẽ từ bỏ và quay lại trường học", cô nói.
Qi Mingyao, nhà sáng lập kiêm CEO của Ruihua, công ty viễn thông có trụ sở tại Bắc Kinh, gọi đây là vấn đề "lạm phát bằng cấp" tại Trung Quốc.
"Khi tôi vào đại học năm 1992, 100% sinh viên tốt nghiệp đều tìm được việc làm và đó là những công việc tốt. Bây giờ, sinh viên cao học chỉ giống như sinh viên đại học ngày xưa, còn sinh viên đại học thì giống như học viên trường nghề".
Theo Qi, Ruihua đã cắt giảm từ khoảng 60 nhân viên trước đại dịch Covid-19 xuống còn khoảng 20 người hiện tại và không tuyển dụng thêm trong vài năm qua do tình hình kinh tế khó khăn. Nếu công ty bắt đầu tuyển dụng trở lại, Qi cho biết ông cũng sẽ tìm kiếm những người có bằng thạc sĩ.
"Chúng tôi muốn phát triển phần mềm của mình và những người có bằng sau đại học sẽ mang tới kỹ năng chuyên môn cao hơn so với cử nhân", ông nói.
Chuyên gia cảnh báo tình trạng suy thoái của thị trường lao động có thể dẫn đến những hệ quả nhân khẩu học dây chuyền đối với Trung Quốc.
Qian cho hay người trẻ "sẽ không nghĩ rằng họ có đủ tiền để kết hôn và lập gia đình". "Khi có nhiều thanh niên thất nghiệp, tất cả những cách thức thông thường để mọi người gặp gỡ, giao lưu, kết hôn và có con cái đều bị phá vỡ", bà lưu ý.
Triển vọng việc làm dành cho sinh viên mới tốt nghiệp vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện, đặc biệt khi Trung Quốc và Mỹ ngày càng trở nên đối đầu hơn dưới chính quyền Tổng thống Donald Trump.
"Vì thuế quan Mỹ, các công ty nước ngoài đang tuyển dụng ít vị trí hơn tại Trung Quốc", Liu nói.
Sau khi hoàn thành bằng thạc sĩ vào mùa xuân này, Crystal sẽ bắt đầu làm việc tại một công ty công nghệ hàng đầu ở Bắc Kinh.
"Nếu so sánh với người Mỹ hay châu Âu, dĩ nhiên tôi sẽ không vui. Làm sao họ có thể nghỉ 30 ngày mà vẫn kiếm được nhiều tiền đến vậy?", cô nói. "Nhưng nếu so với các thế hệ trước đi trước, tôi thấy mình thực ra không làm việc vất vả đến thế. Thế hệ bố mẹ tôi cũng làm việc nhiều giờ, nhưng họ không được ăn ngon, mặc đẹp. Nghĩ như vậy, tôi chỉ thấy rằng có lẽ đã đến lượt chúng tôi phải gánh vác những khó khăn của thế hệ mình".
Vũ Hoàng (Theo Washington Post, AFP, Reuters)