Lầu Năm Góc đã nỗ lực tăng cường khả năng phòng thủ trước thiết bị bay không người lái (drone) tại các căn cứ ở nước ngoài trong suốt 18 tháng qua, sau vụ 3 lính dự bị lục quân thiệt mạng trong cuộc tập kích của dân quân do Iran hậu thuẫn nhằm vào cơ sở quân sự tại Jordan hồi tháng 1/2024.
Tuy nhiên, quân đội Mỹ đã nhìn thấy lỗ hổng tiềm tàng lớn hơn trong những tháng gần đây, sau những chiến dịch tập kích bằng drone do Israel và Ukraine phát động ở sâu trong lãnh thổ đối phương.
![]() |
Một drone bay gần sân bay quốc tế St. Louis Lambert hồi tháng 3. Ảnh: AP |
Theo giới chuyên gia, vụ tình báo Israel sử dụng drone tập kích phủ đầu loạt hệ thống phòng không Iran trong ngày bùng phát xung đột, cùng chiến dịch "Mạng nhện" của Ukraine nhằm vào loạt căn cứ oanh tạc cơ chiến lược Nga, cho thấy rõ ràng mối đe dọa đối với quân đội Mỹ không chỉ ở nước ngoài mà còn ngay tại quê nhà.
Các tập đoàn quốc phòng Mỹ đang thúc đẩy những công nghệ mới mà họ cho rằng có thể đánh chặn drone hiệu quả hơn. Họ hy vọng hàng tỷ USD mà Lầu Năm Góc dự kiến đầu tư vào hệ thống phòng thủ trong chương trình "Vòm Vàng" cũng sẽ được sử dụng để xây dựng các tổ hợp chống drone mới.
Một số hệ thống không sử dụng đạn dược để bắn rơi mục tiêu, mà phát ra chùm năng lượng định hướng để hạ lượng lớn drone cùng lúc. Quân đội Mỹ đã tiến hành ít nhất hai thử nghiệm hệ thống vi sóng năng lượng cao, một ở Trung Đông và một ở Thái Bình Dương, nhằm tạo tiền đề cho các khoản đầu tư lớn hơn.
Epirus, công ty phát triển hệ thống phòng thủ vi sóng, cảnh báo những mẫu drone mới xuất hiện ngày càng nhiều trên chiến trường sẽ khiến Mỹ phải đối mặt "chiến tranh du kích bằng máy móc", phương thức hoàn toàn xa lạ với lối tư duy truyền thống của Lầu Năm Góc.
Andy Lowery, giám đốc điều hành Epirus, cho biết cuộc chiến drone giữa Nga và Ukraine đã phát triển với tốc độ chóng mặt. "Những gì chúng ta thấy ở Nga hoàn toàn có thể xảy ra ở Mỹ. Chiến dịch 'Mạng nhện' nên là lời cảnh tỉnh thực sự đối với chúng ta và toàn thế giới, rằng điều này rất, rất nghiêm trọng", ông nhấn mạnh.
Ukraine, với hỗ trợ từ Mỹ, đã đầu tư mạnh vào công nghệ drone và phát triển các mẫu mới có thể sử dụng để tấn công tàu chiến, máy bay và xe cơ giới. Giới chức Mỹ ước tính khoảng 70% số thương vong Nga hứng chịu vài tháng gần đây là do drone.
Trong chiến dịch "Mạng nhện" hồi đầu tháng 6, tình báo Ukraine đã đưa drone vào sâu trong đất Nga để tấn công nhiều căn cứ không quân cùng lúc, phá hủy ít nhất 10 oanh tạc cơ chiến lược. Cuộc tập kích cho thấy hiệu quả của những chiếc drone giá rẻ và dễ che giấu khi đối đầu lực lượng quân đội truyền thống.
"Chúng tôi kinh ngạc khi chứng kiến cách Ukraine thích nghi nhanh chóng với các công nghệ mới", Lowery nói.
Ngược lại, quân đội Nga cũng không ngừng cải tiến và tăng tốc độ xuất xưởng máy bay không người lái (UAV) tầm xa kiểu Geran-2 và mồi bẫy, UAV tự sát chiến thuật Lancet và thiết bị bay không người lái góc nhìn thứ nhất (drone FPV).
Drone do Iran phát triển cũng được các lực lượng thân Tehran sử dụng khắp Trung Đông.
Các chuyên gia cho rằng thay đổi chiến lược chống drone thực sự là thách thức với Mỹ.
"Đây là vấn đề không khác gì vụ khủng bố 11/9/2001, trong khi chúng ta vẫn hoạt động với tư duy trước thời điểm đó. Sau một cuộc tấn công thảm khốc, sẽ có hàng loạt bằng chứng cho thấy lẽ ra chúng ta phải thấy điều sắp xảy ra", Christian Brose, giám đốc chiến lược tại Anduril, công ty quốc phòng chuyên sản xuất thiết bị chống drone cho quân đội Mỹ, bình luận.
Giới chức Lầu Năm Góc khẳng định họ đang nghiêm túc xem xét mối đe dọa từ drone và đẩy mạnh đầu tư nhằm cải thiện khả năng phòng thủ.
Các chỉ huy Mỹ, đặc biệt ở Trung Đông, những năm qua đã tập trung xây dựng mạng lưới phòng thủ đa tầng, gồm thiết bị gây nhiễu và các hệ thống phòng không, nhằm ngăn chặn đòn tập kích bằng drone, rocket và tên lửa.
Đô đốc Charles B. Cooper II, người được Tổng thống Donald Trump đề cử làm lãnh đạo Bộ tư lệnh Trung tâm (CENTCOM), đơn vị đặc trách hoạt động của quân đội Mỹ tại Trung Đông, hồi tháng trước khẳng định các lực lượng của Washington đã có "những cải thiện đáng kể trên diện rộng" sau vụ tập kích ở Jordan.
"Chúng ta thực sự đã có những bước tiến vượt bậc so với thời điểm trước cuộc tấn công. Tuy nhiên, tôi sẽ không bao giờ hài lòng nếu chúng ta chưa đạt được khả năng sẵn sàng phản ứng tối đa", ông nói.
Dù vậy, Brose cùng nhiều chuyên gia khác cho rằng mối đe dọa từ drone không chỉ xảy ra với các căn cứ của Mỹ ở nước ngoài.
Washington từng ghi nhận nhiều vụ drone không rõ nguồn gốc tiếp cận cơ sở quân sự, trong đó có sân bay chiến lược Langley và căn cứ hải quân Norfolk lớn nhất thế giới. Những vụ xâm nhập này thường gây thách thức lớn cho quân đội Mỹ, khi họ khó truy vết drone và bị vướng nhiều quy định về cách phản ứng.
Lowery lưu ý việc Lầu Năm Góc không cắt giảm ngân sách đối với các hệ thống chống drone trong nỗ lực tinh gọn bộ máy hồi đầu năm là bằng chứng cho thấy họ nhận thức rõ mức độ nghiêm trọng.
Tại các phiên điều trần trước quốc hội Mỹ vào tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth đã liên tục bị chất vấn về việc Mỹ dễ tổn thương như thế nào trước các cuộc tấn công bằng drone. Ông thừa nhận drone thương mại giá rẻ, dùng một lần mang những khối thuốc nổ nhỏ "thực sự là mối đe dọa mới".
Bộ trưởng Hegseth tiết lộ rằng ông đã gặp Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Dan Caine cùng các trợ lý hàng đầu ngay sau chiến dịch "Mạng nhện" của Ukraine, nhằm đảm bảo lực lượng đóng tại Mỹ và ở nước ngoài luôn được bảo vệ đầy đủ.
Lầu Năm Góc gần đây còn chấp thuận thành lập tổ chức mới do lục quân dẫn đầu để giải quyết vấn đề chiến tranh drone cùng các biện pháp phòng chống. Tổ chức này được phỏng theo cơ quan mà Lầu Năm Góc thành lập cách đây hai thập kỷ, khi đó nhằm chống lại những thiết bị nổ tự chế mà các nhóm vũ trang thường dùng để tập kích lực lượng Mỹ ở Iraq và Afghanistan.
![]() |
Binh sĩ Ukraine triển khai drone tự sát ở tỉnh Donetsk hồi năm 2023. Ảnh: Reuters |
Lục quân Mỹ đến nay vẫn chịu trách nhiệm giám sát phòng thủ drone cho toàn bộ lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng năng lực chống drone của họ được xây dựng dựa trên những công nghệ cũ và không đủ khả năng thích ứng, xét đến tốc độ phát triển nhanh chóng của drone trên chiến trường Ukraine.
Giới chuyên gia cho rằng hệ thống phòng thủ drone mạnh mẽ cần được tích hợp nhiều phương pháp để vô hiệu hóa mục tiêu, điều mà những tổ hợp hiện nay của lục quân Mỹ chưa thể đáp ứng.
Anduril sở hữu hệ thống kết hợp các phương pháp phát hiện với nhiều cách để vô hiệu hóa drone, như bắn hạ và gây nhiễu. Phe ủng hộ công nghệ này nói rằng những đổi mới cho thấy chính phủ Mỹ không cần tự phát minh ra hệ thống chống drone, mà chỉ cần nhanh chóng áp dụng công nghệ mới.
Nhiều tập đoàn sản xuất công nghệ chống drone của Mỹ không ít lần phàn nàn rằng các quy định của chính phủ đang cản trở phát triển.
Lowery so sánh mối đe dọa drone với phân cảnh nổi tiếng trong phim khoa học viễn tưởng Star Wars, khi một phi thuyền nhỏ bé có thể chui vào trong siêu vũ khí hủy diệt có kích thước lớn hơn nhiều, cài một quả bom và khiến mục tiêu phát nổ thành từng mảnh. "Đó là thực tế hiện tại, không còn là phim nữa", ông nói.
Vũ Hoàng (Theo AFP, Reuters, AP)