Tòa án Tối cao Mỹ ngày 8/7 ra phán quyết dỡ bỏ lệnh cấm do tòa án cấp dưới áp đặt đối với kế hoạch của Tổng thống Donald Trump nhằm sa thải hàng chục nghìn viên chức trong chính quyền liên bang.
Tổng thống Trump ngày 11/2 ký sắc lệnh hành pháp kêu gọi "thay đổi cốt lõi bộ máy hành chính liên bang", đồng thời chỉ đạo các cơ quan cắt giảm những nhân viên không được cho là thiết yếu.
Một liên minh gồm các nghiệp đoàn, nhóm phi lợi nhuận và các tổ chức khác đã kiện sắc lệnh này, cho rằng chính quyền Trump vượt quá thẩm quyền khi ra lệnh sa thải hàng loạt và cải tổ cơ quan chính phủ khi chưa được quốc hội chấp thuận.
Thẩm phán tòa án liên bang Mỹ Susan Illston hồi tháng 5 ra phán quyết chặn kế hoạch sa thải hàng loạt của Tổng thống Trump với lý do động thái này cần được quốc hội bật đèn xanh trước khi thực hiện. Chính quyền Trump sau đó đã kháng nghị lên Tòa án Tối cao.
Sau khi xem xét, Tòa án Tối cao cho rằng "chính phủ có khả năng thắng kiện" với lập luận rằng sắc lệnh hành pháp mà Tổng thống Trump đưa ra là hợp pháp.
![]() |
Tổng thống Donald Trump tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng, hồi tháng hai. Ảnh: Reuters |
Tuy nhiên, các thẩm phán cho hay họ không đưa ra lập trường tại thời điểm này về tính hợp pháp của những kế hoạch tái cơ cấu một số cơ quan cụ thể, vốn sẽ tiếp tục là chủ đề của các cuộc chiến pháp lý.
"Bản thân các kế hoạch này không được đưa ra trước Tòa án Tối cao ở giai đoạn hiện nay, do đó chúng tôi không có cơ hội để xem xét liệu chúng có thể và sẽ được thực hiện nhất quán với những ràng buộc của luật pháp hay không", thẩm phán Sonia Sotomayor của Tòa án Tối cao nói.
Thẩm phán Ketanji Brown Jackson, người được bổ nhiệm dưới thời cựu tổng thống Joe Biden, đã đưa ra ý kiến bất đồng duy nhất trong 9 thẩm phán Tòa án Tối cao.
"Theo hiến pháp của chúng ta, quốc hội có quyền thành lập các cơ quan hành chính và quy định chi tiết chức năng của chúng", bà nói. "Do đó, trong thế kỷ qua, các tổng thống muốn tái tổ chức chính phủ liên bang trước tiên phải được quốc hội ủy quyền. Mặc dù các tổng thống có một số quyền hạn trong việc cắt giảm nhân lực liên bang, họ không thể tự mình tái cấu trúc chính phủ liên bang một cách cơ bản".
Sau khi trở lại Nhà Trắng hồi tháng một, ông Trump đã chỉ đạo các cơ quan liên bang chuẩn bị kế hoạch cắt giảm đáng kể lực lượng lao động như một phần trong nỗ lực sâu rộng của Ban Hiệu suất Chính phủ (DOGE) nhằm tinh gọn bộ máy.
DOGE đã sa thải hàng chục nghìn viên chức và cắt giảm những chương trình tập trung vào các sáng kiến đa dạng sắc tộc cũng như loại bỏ cơ quan viện trợ nhân đạo USAID của Mỹ cùng nhiều cơ quan khác.
Vũ Hoàng (Theo AFP)