Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) ngày 9/7 cho biết đã gửi trát đòi hành chính tới Đại học Harvard, sau khi trường không tuân thủ các yêu cầu cung cấp thông tin liên quan tới Chương trình Sinh viên và Trao đổi Du học (SEVP).
Theo luật pháp Mỹ, trát đòi hành chính là văn bản pháp lý do một cơ quan hành pháp hoặc quản lý ban hành, yêu cầu cá nhân, tổ chức cung cấp tài liệu, hồ sơ, hoặc ra trình diện để phục vụ cuộc điều tra. Nếu bên nhận trát đòi không chấp hành, cơ quan ban hành có thể yêu cầu tòa án can thiệp.
"Nếu Harvard không bảo vệ quyền lợi của sinh viên, chúng tôi sẽ làm. Chúng tôi đã cố gắng dễ chịu với Harvard. Nhưng vì họ từ chối, chúng tôi phải làm mọi thứ theo cách khó khăn hơn", Bộ trưởng DHS Kristi Noem đăng trên X.
Bà cáo buộc Harvard đã cho phép sinh viên nước ngoài "lạm dụng đặc quyền thị thực và ủng hộ bạo lực, khủng bố trong khuôn viên trường".
Harvard cho rằng trát đòi hành chính của DHS "không mang tính bắt buộc", nhưng tuyên bố trường sẽ hợp tác với cơ quan này.
![]() |
Một sinh viên đứng cạnh bảng hiệu của Đại học Harvard ở Cambridge, Massachusetts, hồi tháng 6/2018. Ảnh: Reuters |
Đây là động thái pháp lý mới nhất của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong cuộc chiến với Harvard, đại học danh tiếng hàng đầu nước Mỹ. DHS hồi tháng 4 lần đầu gửi thư yêu cầu Harvard cung cấp thông tin về "các hành vi phạm tội hoặc vi phạm" của sinh viên nước ngoài trong khuôn viên trường.
Harvard đã từ chối nhượng bộ trước các hành động "can thiệp quá mức" vào quyền tự do học thuật và quản lý của trường. DHS sau đó tìm cách thu hồi giấy phép SEVP của Harvard, vốn là cơ chế cho phép các đại học tại Mỹ tuyển du học sinh và đào tạo sinh viên nước ngoài có visa du học. Nhưng trường đã đệ đơn kiện và tòa án liên bang ở Massachusetts đã chặn hành động của chính quyền Trump.
Trong một động thái khác của chính quyền Trump, Bộ Giáo dục cùng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh cũng vừa gửi thư tới Ủy ban Giáo dục Đại học New England (NECHE), cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục và đánh giá các tổ chức giáo dục ở Mỹ. NECHE là đơn vị đánh giá và chứng nhận chất lượng giáo dục của Harvard.
Thư nói rằng "có bằng chứng rõ ràng" cho thấy Harvard không còn có thể đáp ứng các tiêu chuẩn để được công nhận chất lượng. Giới chức liên bang cho hay đã phát hiện Harvard vi phạm luật chống phân biệt đối xử, do đó yêu cầu NECHE cần làm việc với trường hoặc tước chứng nhận về chất lượng giáo dục nếu trường không khắc phục sai phạm.
"Khi cho phép tình trạng quấy rối và phân biệt đối xử chống Do Thái tiếp diễn không kiểm soát trong khuôn viên trường, Harvard không thực hiện nghĩa vụ của họ với sinh viên, các nhà giáo dục và người nộp thuế Mỹ", Bộ trưởng Giáo dục Linda McMahon cho biết.
Nếu bị tước chứng nhận chất lượng, Harvard sẽ không thể nhận ngân sách tài trợ liên bang để hỗ trợ sinh viên. Tuy nhiên, chính phủ Mỹ sẽ không thể ép NECHE tước chứng nhận chất lượng của một đại học, bởi hành động này thường được xem là "án tử" với cơ sở giáo dục và hiếm khi được sử dụng.
Thùy Lâm (Theo Newsweek, Fox News, The Hill)