"Ukraine sẵn sàng mua ít nhất 10 hệ thống. Tôi đã trao đổi với Tổng thống Donald Trump về con số tối thiểu này khi chúng tôi điện đàm. Ông ấy đáp lại rằng Mỹ sẽ làm việc về vấn đề này. Hiện tại, tôi chưa có thêm thông tin nào khác", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói với báo giới hôm 17/4.
Giới chức Mỹ chưa bình luận về thông tin.
Đây là lần thứ hai trong tháng này ông Zelensky bày tỏ mong muốn sở hữu thêm hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất. Giới chuyên gia quân sự nhận định đây là dấu hiệu cho thấy tầm quan trọng của Patriot với năng lực phòng không Ukraine trong xung đột.
![]() |
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tại Kiev ngày 17/4. Ảnh: AFP |
Tổng thống Ukraine ngày 9/4 nói Kiev có thể chi 15 tỷ USD để mua 10 tổ hợp Patriot và sẽ tìm kiếm nguồn tiền để thực hiện. Ông cũng đề xuất Mỹ cấp giấy phép để Ukraine có thể tự sản xuất tên lửa và các thành phần trong hệ thống Patriot.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay sau đó đã bác bỏ đề xuất. "Ông ấy luôn tìm cách mua tên lửa. Không thể bắt đầu cuộc chiến chống lại ai đó lớn gấp mình 20 lần, rồi sau đó hy vọng mọi người cung cấp tên lửa cho quý vị", ông chủ Nhà Trắng nói.
Hai ngày sau, Tổng thống Zelensky tiếp tục kêu gọi các đồng minh phương Tây tập trung cải thiện mạng lưới phòng không cho Ukraine và cung cấp thêm ít nhất 10 hệ thống Patriot, sau khi Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine thông qua các cam kết viện trợ quân sự mới có tổng giá trị hơn 21 tỷ euro (23,8 tỷ USD).
Patriot là hệ thống vũ khí đắt nhất mà Mỹ và đồng minh viện trợ cho Ukraine. Mỗi tổ hợp có giá gần 1,1 tỷ USD, trong đó đạn tên lửa có chi phí 690 triệu USD và các thành phần khác tiêu tốn khoảng 400 triệu USD. Đây từng được kỳ vọng là vũ khí có thể thay đổi đáng kể cục diện trên bầu trời Ukraine, nhờ năng lực chiến đấu vượt trội so với các hệ thống phòng không mà phương Tây viện trợ trước đó.
![]() |
Bệ phóng Patriot trưng bày tại một địa điểm không công bố ở Ukraine tháng 8/2024. Ảnh: AFP |
Quân đội Ukraine đã tiếp nhận 6 tổ hợp Patriot được Mỹ và một số nước châu Âu chuyển giao. Các hệ thống Patriot của Ukraine được trang bị tên lửa PAC-3 MSE hiện đại nhất do Mỹ sản xuất, có tầm bắn tối đa 120 km đối với máy bay và 60 km đối với tên lửa đạn đạo.
Tuy nhiên, số lượng này không đủ để lập lưới phòng không bao trùm toàn bộ lãnh thổ Ukraine. Tổng thống Zelensky khẳng định nước này cần ít nhất 27 tổ hợp Patriot để bảo vệ không phận, hoặc tối thiểu 10 hệ thống để phòng thủ các thành phố và trung tâm công nghiệp trọng yếu.
Đại tá Yuri Ignat, thư ký báo chí Bộ tư lệnh không quân Ukraine, tuyên bố Patriot từng giúp nước này đối phó tên lửa siêu vượt âm Kinzhal và tên lửa đạn đạo Iskander-M, nhưng nỗ lực đánh chặn ngày càng trở nên khó khăn hơn khi Nga liên tục nâng cấp vũ khí và điều chỉnh chiến thuật.
Lực lượng Nga cũng tập kích, phá hủy nhiều đài chỉ huy, radar dẫn bắn và bệ phóng Patriot, khiến tình trạng thiếu hụt khí tài của Ukraine càng thêm nghiêm trọng.
Như Tâm (Theo AFP, Kyiv Independent)