Chiến sự Gaza bùng phát từ tháng 10/2023, khi Tel Aviv mở chiến dịch vào dải đất để đáp trả cuộc tập kích của Hamas vào miền nam Israel. Chiến sự ác liệt kéo dài trước khi các bên đạt được lệnh ngừng bắn hồi đầu năm, nhưng giao tranh tái bùng phát sau thời gian ngắn và chưa có dấu hiệu kết thúc.
"Dải Gaza giờ là đống hoang tàn, không còn lại gì. Quân đội đang lên kế hoạch cho các chiến dịch mới, nhưng không có mục tiêu rõ ràng", Yuval Ben-Ari, quân nhân dự bị 40 tuổi, nói với đài phát thanh Israel Radio Haifa.
Như hàng chục nghìn quân nhân dự bị khác, Ben-Ari nhanh chóng hưởng ứng lời kêu gọi tái ngũ khi chiến sự bắt đầu. Ông đóng quân ở miền nam Gaza, trấn giữ Hành lang Netzarim chia đôi dải đất, rồi sau đó tham gia các chiến dịch của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) ở miền nam Lebanon giao tranh với nhóm Hezbollah.
Sau hơn 500 ngày chiến đấu, Ben-Ari giờ đây không muốn tiếp tục. Ông cho rằng quân đội Israel đã chệch hướng khỏi những mục tiêu quan trọng ban đầu, trong đó có giải thoát con tin bị Hamas giữ ở Gaza.
"Tôi cảm thấy IDF đang có những động thái vô nghĩa, không liên quan đến việc đưa con tin trở về. Tôi không muốn là một phần của chuyện này nữa. Và tôi không phải người duy nhất", Ben-Ari nói.
![]() |
Binh sĩ Israel quan sát tình hình tại Nablus, Bờ Tây ngày 14/2. Ảnh: AFP |
Quan điểm của Ben-Ari phản ánh làn sóng chỉ trích công khai ngày càng tăng trong xã hội và cả quân đội Israel nhằm vào chính quyền Thủ tướng Benjamin Netanyahu, sau khi lãnh đạo Israel tháng trước quyết định từ bỏ thỏa thuận ngừng bắn với Hamas.
Hamas và Israel bắt đầu ngừng bắn từ ngày 19/1, theo thỏa thuận do Qatar, Ai Cập, Mỹ làm trung gian và chia thành ba giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất dài 42 ngày, trao đổi các con tin lấy tù nhân Palestine bị Tel Aviv giam giữ. Israel và Hamas lẽ ra phải đàm phán về giai đoạn hai, gồm Israel rút quân khỏi Gaza, Hamas thả toàn bộ con tin còn sống, từ giữa tháng 2 để có thể triển khai từ tháng 3. Nhưng IDF từ cuối tháng 3 nối lại không kích Gaza, sau đó mở chiến dịch mới vào dải đất.
Ben-Ari chọn quyết định chấm dứt cuộc chiến theo cách của riêng mình.
"Với nỗi buồn sâu sắc, cảm giác tội lỗi và trách nhiệm, tôi tìm đến sĩ quan chỉ huy và đề nghị ông ấy loại tôi khỏi lực lượng dự bị. Tôi sẽ không bao giờ mặc quân phục dưới chính phủ này", Ben-Ari nói, thêm rằng ông "không có niềm tin vào giới lãnh đạo Israel".
Những người có quan điểm như Ben-Ari ngày càng nhiều. Các quân nhân dự bị và cựu binh Israel đang phản đối một cuộc chiến mà họ cho rằng chủ yếu xuất phát từ lợi ích chính trị của giới lãnh đạo.
Cựu quân nhân dự bị Israel Yuval Green đã lập nhóm vận động phản chiến "Binh sĩ vì con tin". Tài khoản nhóm trên Instagram chia sẻ nhiều câu chuyện tương tự của Ben-Ari.
Green chọn rời khỏi cuộc chiến hồi tháng 1/2024. "Giọt nước tràn ly" dẫn đến quyết định của sinh viên y khoa 26 tuổi này là những biến cố diễn ra trong một chiến dịch trên bộ ở Khan Younis, đô thị lớn tại miền nam Gaza. Chỉ huy đơn vị nhảy dù của Green ra lệnh cho các binh sĩ châm lửa đốt một ngôi nhà.
"Tôi hỏi ông ấy tại sao lại làm vậy? Tại sao lại đốt nhà của một gia đình sẽ trở lại đây vào một ngày nào đó", Green kể với đài France Info. "Chỉ huy đáp lại rằng ông ấy không thấy có vấn đề gì cả. Tôi nói mình sẽ không thực hiện mệnh lệnh".
Green nằm trong số hơn 100.000 quân nhân dự bị Israel đã không trình diện để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ sau các đợt nghỉ phép, theo trang tin +972 Magazine. Đài Kan của Israel ước tính tỷ lệ quân nhân dự bị tái ngũ chỉ khoảng 60%, giảm sâu so với những tuần ngay sau vụ tấn công ngày 7/10/2023.
Tại Israel, hầu hết thanh niên đủ 18 tuổi phải tham gia nghĩa vụ quân sự trong hai hoặc ba năm. Những người này sau khi xuất ngũ được đưa vào lực lượng dự bị cho đến 40 tuổi, với quân số hiện có khoảng 450.000 người.
Quân nhân dự bị làm các công việc dân sự bình thường, như nhân viên văn phòng, kỹ sư, bác sĩ, luật sư, công nhân, nhưng phải sẵn sàng tái ngũ để tăng cường cho lực lượng thường trực lúc cấp bách.
Họ được tham gia các đợt huấn luyện thường niên để đảm bảo sẵn sàng chiến đấu. Họ bảo quản quân trang tại nhà, nhận vũ khí khi trình diện đơn vị. Những người phớt lờ lệnh triệu tập hoặc chọn rời lực lượng dự bị được gọi là "refusenik". Giới chức Israel coi đây là hành động đào ngũ và có thể trừng phạt.
Làn sóng bất tuân trong IDF gần đây lan rộng, bao gồm trong cả các đơn vị tinh nhuệ của quân đội.
Ngày 10/4, vài trăm cựu binh và quân nhân dự bị của không quân Israel đã gửi kiến nghị kêu gọi chính phủ tìm cách đảm bảo các con tin được trả tự do ngay lập tức, ngay cả khi việc này đồng nghĩa chấm dứt chiến sự Gaza.
"Cuộc chiến giờ đây phục vụ các lợi ích chính trị và lợi ích cá nhân, không phải vì an ninh", nhóm viết. Thủ tướng Netanyahu bác bỏ, nhấn mạnh "những quan điểm làm suy yếu IDF, khiến kẻ địch mạnh lên trong thời chiến là không thể tha thứ". IDF tuyên bố sẽ sa thải những quân nhân dự bị ký vào đơn kiến nghị.
Những kiến nghị tương tự tiếp tục xuất hiện từ các cựu binh và quân nhân dự bị hải quân, đơn vị tình báo tinh nhuệ 8200, cơ quan tình báo quốc gia Mossad và lữ đoàn thiết giáp. Quân nhân dự bị Avner Yarkoni cho hay nỗ lực kiến nghị của họ không nhằm "lên án cuộc chiến" mà hướng đến "giúp các con tin được tự do".
"Kiến nghị không nhắm đến IDF", Yarkoni trả lời France 24. "Nó nhằm vào Thủ tướng Netanyahu và chiến lược kéo dài chiến sự bất tận vì mục đích chính trị của ông ấy".
![]() |
Người dân Palestine dựng lều tạm quanh một tòa nhà bị phá hủy trong chiến sự Israel - Hamas ở Gaza City, Dải Gaza ngày 16/4. Ảnh: AFP |
Theo +972 Magazine, ngoài ý thức hệ về chiến tranh, nhiều quân nhân dự bị Israel chọn bất tuân lệnh triệu tập vì "ngày càng chán nản, mệt mỏi trước chiến sự liên miên". Một phần nhỏ từ chối tái ngũ với lý do đạo đức. Nhóm này từng "không quan tâm nhiều đến số phận người Palestine", nhưng giờ cảm thấy bứt rứt.
Yếu tố kinh tế cũng có thể ảnh hưởng đến quyết định của quân nhân dự bị Israel. Theo khảo sát gần đây của một cơ quan về người lao động ở Israel, 48% quân nhân dự bị mất đáng kể thu nhập từ đầu cuộc chiến, 41% nói họ bị sa thải hoặc buộc phải bỏ việc để nhập ngũ.
Việc các con tin đã được trả tự do và thân nhân của những người vẫn còn trong tay Hamas gia tăng áp lực lên chính phủ Israel cũng đang góp phần lan tỏa quan điểm phản chiến. Khảo sát gần đây do kênh Channel 12 thực hiện cho thấy gần 70% người dân Israel ủng hộ chấm dứt chiến sự để giải cứu con tin.
Như Tâm (Theo AFP, France 24, Times of Israel)