Tập đoàn nghiên cứu Ipsos trụ sở Pháp hồi tháng ba công bố khảo sát được thực hiện với gần 24.000 người ở 30 quốc gia tại châu Âu, châu Á, Bắc Mỹ, trong đó có 2.000 người ở Nhật. Chỉ số hài lòng với chất lượng cuộc sống của người Nhật Bản ở mức thấp nhất trong số 30 quốc gia, ở mức 13%, thấp hơn so với nhiều nước đang phát triển như Colombia, Indonesia, Peru, Ấn Độ.
Khảo sát cũng cho thấy nhiều người Nhật bi quan về tương lai. 15% người Nhật tin rằng chất lượng cuộc sống sẽ được cải thiện. Ngay cả Pháp, quốc gia có tỷ lệ thấp thứ hai, cũng đạt 29% trong hạng mục này, gần gấp đôi Nhật Bản.
![]() |
Dân công sở tản bộ trên đường phố Kasumigaseki, Tokyo, Nhật Bản, năm 2021. Ảnh: Reuters |
Hiromi Murakami, giáo sư khoa học chính trị từ Đại học Temple, Minato, cảnh báo tâm lý khủng hoảng sâu sắc trong xã hội Nhật Bản có thể được cảm nhận rõ rệt.
"Một trong những yếu tố lớn nhất là do người Nhật đã sống quá lâu trong tình trạng giảm phát, nay đột ngột đối mặt với lạm phát tăng vọt", bà Murakami giải thích. "Giá cả hầu như không thay đổi trong hơn 20 năm qua, tình hình đã thay đổi".
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) và chính phủ từ lâu đặt mục tiêu giữ lạm phát ở mức 2%. Nhưng trong báo cáo công bố ngày 8/4, BOJ cảnh báo lạm phát ở Nhật Bản có thể lên tới 12,2% trong năm 2025.
Lạm phát khiến chi phí sinh hoạt tăng mạnh, gây áp lực lớn lên các hộ gia đình khi lương không theo kịp đà tăng giá của các mặt hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm. Tình hình còn khó khăn hơn đối với người cao tuổi, do không thể duy trì mức sống như trước bằng mức lương hưu cố định.
"Người cao tuổi Nhật Bản đang phải vật lộn do lương hưu không còn đủ để chi trả cho các nhu cầu trước đây. Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, nhưng triển vọng trong và ngoài nước khá ảm đạm", giáo sư Murakami nhận định.
![]() |
Dân công sở tản bộ trên đường phố Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Reuters |
Bà Murakami cũng cảm thấy các sinh viên của mình kém lạc quan hơn nhiều, trong thời điểm họ nên hứng khởi nhất về tương lai, sự nghiệp và các cơ hội phía trước.
"Tôi vừa đứng lớp, có nữ sinh viên 19 tuổi chia sẻ cảm thấy cuộc đời đã định sẵn là bế tắc. Cô ấy nói điều duy nhất chờ mình phía trước là tìm việc, làm cật lực để đóng góp vào hệ thống hưu trí cho đến lúc nghỉ hưu, ngoài ra không còn điều gì đáng mong đợi", giáo sư chia sẻ.
"Cô ấy lo lắng về thuế, về kịch bản hệ thống lương hưu sụp đổ do không đủ nhân lực trẻ đang làm việc. Thật đáng buồn, những người trẻ như cô ấy lẽ ra phải tràn đầy hy vọng trong giai đoạn này của cuộc đời", giáo sư nói.
Theo bà, người trẻ cũng có cảm giác chính trị Nhật Bản không thay đổi để phản ánh mong muốn, nhu cầu của thế hệ trẻ, các chính trị gia chưa đưa ra được chính sách giải quyết những vấn đề tồn đọng lâu dài.
Khảo sát của Ipsos cũng cho thấy nhiều người bày tỏ nỗi thất vọng với nền kinh tế, chính trị, đời sống xã hội, sức khỏe, quan hệ tình cảm. Ít người cảm thấy hài lòng với công việc, sức khỏe thể chất hoặc tinh thần.
Khảo sát làm dấy lên làn sóng tranh luận trực tuyến. Nhiều người đồng tình rằng tâm lý khủng hoảng, bi quan đang lan rộng trên toàn quốc.
"Không thể mua nổi nhà ở Tokyo ngay cả khi tiết kiệm tiền, cũng không thể sống chỉ bằng lương hưu khi về già", một người dùng mạng bình luận. "Chưa kể tỷ lệ tự tử cao. Nhật Bản là quốc gia nơi con người khó sống hạnh phúc".
"Tôi độc thân, ngoài 30 tuổi. Tôi không có gia đình và chỉ lo lắng về tương lai, về việc nghỉ hưu. Tôi không tận hưởng cuộc sống, không hề thấy hài lòng, dù có thu nhập và tài sản gấp nhiều lần người cùng tuổi", một người khác cho biết.
Bất chấp tâm lý khủng hoảng lan rộng, bà Murakami khuyến cáo không nên tiêu cực. "Hầu hết những người Nhật bi quan nên hài lòng hơn với những gì đang có. Họ không phải sống ở Ukraine hay Haiti và có nhà để về, có thực phẩm để ăn và nếu muốn, họ hoàn toàn có thể tìm niềm vui. Tôi cho là họ chỉ đang không trân trọng cuộc sống đúng mực", bà nói.
Đức Trung (Theo SCMP, Asahi, Japan Times)