"Ba Lan có thể chấp nhận cả hai giải pháp", Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết trong phỏng vấn được truyền thông Mỹ đăng ngày 18/4, đề cập đến việc nước này nhận được sự bảo trợ hạt nhân của cả Pháp và Mỹ. "Hai giải pháp này không mâu thuẫn hay loại trừ nhau".
Ba Lan hồi đầu tháng 3 tuyên bố muốn sở hữu vũ khí hạt nhân, cho biết đang "trao đổi nghiêm túc" với Pháp về khả năng mở rộng ô hạt nhân bảo vệ của Paris để bảo vệ các đồng minh châu Âu.
Ông Duda cũng bảo vệ nỗ lực vận động để Ba Lan tham gia sáng kiến chia sẻ vũ khí hạt nhân với Mỹ, viện dẫn mối đe dọa an ninh từ Nga. Sáng kiến sẽ cho phép Ba Lan triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ trên lãnh thổ, hoặc triển khai máy bay hộ tống, trinh sát cho các nhiệm vụ hạt nhân.
Mỹ chưa đồng ý với đề xuất này của Ba Lan, trong khi giới quan sát đánh giá nỗ lực thuyết phục Pháp bảo vệ hạt nhân cũng gặp một số trở ngại.
![]() |
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tại Krakow ngày 10/4. Ảnh: AFP |
Pháp là cường quốc hạt nhân lớn thứ 4 thế giới, với khoảng 300 đầu đạn hạt nhân, sau Nga, Mỹ và Trung Quốc. Đây cũng là thành viên EU duy nhất sở hữu kho vũ khí hạt nhân độc lập.
Pháp hiện sở hữu năng lực răn đe hạt nhân ở cả trên biển và trên không, trong đó tiêm kích Rafale và tàu ngầm hạt nhân nước này có thể xuất kích bất cứ lúc nào theo lệnh của Tổng thống.
Ba Lan đang nỗ lực tái vũ trang quân sự kể từ khi chiến sự Nga - Ukraine bùng phát năm 2022. Chi tiêu quốc phòng của Ba Lan hiện đạt 4,7 % GDP, mức cao hàng đầu NATO. Warsaw cũng nhận viện trợ tài chính từ EU để củng cố biên giới với Belarus và lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad của Nga.
Đức Trung (Theo Politico, Reuters)