Tổng Bí thư Tô Lâm chiều 22/4 điện đàm với Chủ tịch đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC), Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, theo TTXVN. Tổng thống Ramaphosa đánh giá cuộc điện đàm có ý nghĩa lịch sử, được thực hiện "nối hai bờ đại dương, vượt qua khoảng cách địa lý" để thắt chặt tình đoàn kết giữa hai Đảng và mở ra cơ hội hợp tác giữa hai nước.
Trên cương vị Chủ tịch G20, ông Ramaphosa mời lãnh đạo cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 và mời đoàn lãnh đạo cấp cao Đảng Cộng sản Việt Nam dự Hội nghị các chính đảng G20, Hội nghị thượng đỉnh G20 và chuỗi các hội nghị liên quan sẽ được tổ chức tại Nam Phi trong năm 2025.
G20 là nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới, chiếm 85% tổng quy mô kinh tế toàn cầu. Hội nghị Thượng đỉnh G20 là nơi các lãnh đạo thảo luận những vấn đề kinh tế quan trọng, thúc đẩy các chính sách liên quan đến việc ổn định tình hình tài chính quốc tế cũng như định hướng phát triển cho nền kinh tế thế giới. Nam Phi là nước chủ tịch G20 năm nay. Hội nghị Thượng đỉnh G20 dự kiến diễn ra ngày 22-23/11 tại Johannesburg.
![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm tại Trụ sở Trung ương Đảng chiều 22/4. Ảnh: TTXVN |
Ông Ramaphosa gửi lời chúc mừng Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tổng Bí thư Tô Lâm bày tỏ tin tưởng rằng chính phủ Nam Phi sẽ tiếp tục xây dựng đất nước đoàn kết, hòa bình, ổn định và phát triển, đóng vai trò ngày càng cao tại khu vực châu Phi và trên thế giới.
Hai bên nhất trí thúc đẩy nhiều hoạt động nhằm tăng cường tin cậy chính trị, phát huy hiệu quả khuôn khổ "Đối tác vì hợp tác và phát triển", trong đó có tích cực trao đổi, sớm ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác giữa hai Đảng, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc triển khai hoạt động hợp tác.
Việt Nam và Nam Phi nhất trí đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, sớm nâng kim ngạch thương mại song phương tương xứng với tiềm năng của hai bên, tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực giáo dục, quốc phòng, an ninh đồng thời nghiên cứu khả năng mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực tiềm năng khác như năng lượng, khai khoáng, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên, phát triển cơ sở hạ tầng, biến đổi khí hậu.
Hai lãnh đạo trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, cam kết thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, hợp tác Nam - Nam và chia sẻ tầm nhìn chung về một thế giới tôn trọng luật pháp quốc tế.
Nguyễn Tiến