BBC hôm 13/4 dẫn lời các nguồn tin giấu tên trong quân đội Ukraine xác nhận tiêm kích F-16 nước này đã trúng tên lửa Nga trước đó một ngày. "Tổng cộng 3 quả đạn đã nhắm mục tiêu vào chiếc F-16. Đó có thể là tên lửa của hệ thống phòng không S-400 hoặc đạn đối không R-37 phóng từ tiêm kích", một nguồn tin nói.
Đây là tiêm kích F-16 thứ hai của Ukraine bị hạ từ khi nước này tiếp nhận những chiếc đầu tiên hồi tháng 8/2024. Trong cả hai sự việc, phi công điều khiển đều thiệt mạng.
Đan Mạch, Hà Lan, Na Uy và Bỉ năm 2023 cam kết viện trợ tổng cộng 85 tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất cho Ukraine, trong đó gần 20 chiếc đã được bàn giao. Chiến đấu cơ F-16 được đánh giá là có năng lực vượt trội so với các dòng chiến đấu cơ thời Liên Xô trong biên chế không quân Ukraine hiện nay.
![]() |
Các loại vũ khí trên tiêm kích F-16 Ukraine trong ảnh đăng ngày 17/2. Đồ họa: Defense Express |
Hình ảnh đăng trên mạng xã hội hồi tháng 2 cho thấy một chiếc F-16 Ukraine mang "lá chắn điện tử" AN/ALQ-131, cụm thiết bị chuyên phát hiện tín hiệu radar của đối phương và thực hiện các biện pháp gây nhiễu, tạo giả mục tiêu để đối phó.
Mẫu tiêm kích này còn mang được Hệ thống Phóng mồi bẫy Tích hợp trên Giá treo (PDIS) chuyên thả mồi bẫy đánh lừa tên lửa mang đầu dò radar hoặc hồng ngoại, cùng Giá treo Tích hợp Hệ thống Chiến đấu Điện tử (ECIPS) chứa các tổ hợp phòng thủ thụ động để bổ trợ cho mồi bẫy.
Một quan chức không quân Mỹ từng khẳng định các tổ hợp trên giúp F-16 Ukraine chiếm ưu thế trên không tại một khu vực nhất định trong thời gian ngắn, từ đó "hoàn thành những nhiệm vụ có tầm quan trọng và tác động chiến lược".
Dù vậy, vụ bắn rơi ngày 12/4, cũng như cuộc phục kích của hệ thống phòng không S-400 cùng tiêm kích Su-35S Nga hồi tháng trước, cho thấy phi đội F-16 Ukraine vẫn rất dễ tổn thương.
"F-16 là thiết kế đời cũ, không được trang bị công nghệ tàng hình, nên dễ bị tổn thương khi phải đối mặt với vũ khí phòng không hiện đại. Ngày càng có lý do để lo ngại về khả năng sống sót của phương tiện không sở hữu năng lực tàng hình, đặc biệt trong môi trường mà tên lửa có thể tấn công mục tiêu ngoài tầm nhìn", nhóm phân tích quân sự Army Recognition có trụ sở ở Bỉ nhận định.
Nòng cốt trong lưới phòng không Nga hiện nay là tổ hợp tên lửa phòng không S-400 Triumf với tầm bắn tối đa 400 km. Nó được trang bị nhiều loại đạn phù hợp cho các mục tiêu khác nhau, bên cạnh radar có khả năng bám bắt nhiều vật thể cùng lúc.
![]() |
Tổ hợp S-400 Nga khai hỏa tên lửa tại thao trường ở vùng Astrakhan hồi năm 2020. Ảnh: RIA Novosti |
Rybar, tài khoản có 1,3 triệu người theo dõi trên Telegram và thường được sử dụng làm nguồn tin thay thế cho các tuyên bố chính thức của Moskva, hồi tháng trước cho biết lực lượng Nga đã tổ chức phục kích sau khi phát hiện tiêm kích F-16 Ukraine hoạt động tại tỉnh Sumy giáp với Kursk.
"Một tổ hợp S-400 đã cơ động tới gần biên giới, sẵn sàng phối hợp với tiêm kích Su-35S khi phát hiện dấu hiệu của F-16", tài khoản này tiết lộ.
Sonyashnik, tài khoản Telegram do các binh sĩ không quân Ukraine vận hành, khi đó thừa nhận một máy bay F-16 đã bị tên lửa Nga khóa mục tiêu nhưng kịp tránh né quả đạn đang lao tới.
"Tiêm kích Ukraine có thể bay sát mặt đất để ẩn mình trước S-400, nhưng sự hiệp đồng của Su-35S hoặc máy bay cảnh báo sớm A-50U sẽ khiến chúng dễ bị phát hiện hơn. Điều này đồng nghĩa F-16 Ukraine chỉ có thể tác chiến ở ngoài bán kính hoạt động của S-400, trừ khi vô hiệu hóa hoặc làm suy yếu được năng lực của tổ hợp này từ trước", Army Recognition cho hay.
Mối đe dọa khác với tiêm kích F-16 Ukraine là sự xuất hiện ngày càng nhiều của tên lửa đối không tầm xa R-37M.
Tên lửa đối không tầm xa R-37M, còn có tên gọi khác là RVV-BD, được Viện thiết kế Vympel phát triển và được đưa vào biên chế không quân Nga từ năm 2014. Mỗi quả đạn dài hơn 4 m, đường kính thân gần 0,4 m, nặng 510 kg. Tên lửa RVV-BD được cho là đạt tầm bắn tới 300 km và từng hạ mục tiêu ở khoảng cách 304 km trong thử nghiệm.
Tên lửa trang bị đầu dò radar chủ động và bán chủ động ứng dụng nguyên lý "bắn và quên", có thể tự tìm tới mục tiêu sau khi được khai hỏa mà không cần phi công điều chỉnh.
![]() |
Tiêm kích Su-35S Nga phóng tên lửa R-37M trong một cuộc thử nghiệm. Ảnh: BQP Nga |
Bộ Quốc phòng Nga từng nhiều lần công bố video tiêm kích đánh chặn máy bay Ukraine bằng tên lửa R-37M, tuyên bố phi đội Su-35S từng bắn hạ chiến đấu cơ đối phương từ khoảng cách 200 km nhờ loại vũ khí này. R-37M cũng có thể trang bị cho tiêm kích đánh chặn MiG-31BM và chiến đấu cơ Su-30SM.
"R-37M cho phép máy bay Nga bắn hạ mục tiêu từ ngoài tầm bắn của tên lửa AIM-120C AMRAAM, vũ khí đối không chủ lực và hiện đại nhất của F-16 Ukraine. Kết quả là phi công Ukraine luôn ở trong vòng nguy hiểm, mất khả năng chiếm ưu thế trên không và khó lòng tập kích sâu vào phòng tuyến đối phương", nhóm phân tích của Bỉ nhận xét.
Các chuyên gia Bỉ cho rằng tiêm kích F-16 Ukraine vẫn còn một số cách để duy trì khả năng làm nhiệm vụ. "Mồi bẫy, khả năng cơ động và gây nhiễu có thể làm giảm khả năng bắn trúng mục tiêu của tên lửa R-37M, đặc biệt là khi phát hiện quả đạn từ sớm", Army Recognition nhận định.
Phương án khác là chủ động phá hủy hệ thống phòng không Nga trước khi chúng kịp khai hỏa. Các lựa chọn bao gồm tên lửa diệt radar AGM-88 HARM, bom lượn GBU-39/B hoặc JDAM, cũng như tận dụng pháo phản lực HIMARS hoặc máy bay không người lái (UAV) tầm xa.
"Các năng lực này rất cần thiết để đảm bảo tiêm kích F-16 có thể sống sót, đặc biệt là trong môi trường mà vũ khí tầm xa của Nga đang thống trị. Tuy nhiên, mức độ hiệu quả phụ thuộc rất nhiều vào khả năng nhận thức tình huống, lên kế hoạch và hỗ trợ từ tác chiến điện tử, những thứ mà Ukraine đang thiếu hụt", nhóm phân tích tại Bỉ nêu quan điểm.
Phạm Giang (Theo Army Recognition, BBC)