Đại tá Yuri Ignat, thư ký báo chí Bộ tư lệnh không quân Ukraine, hôm 25/5 cho biết Nga đang liên tục cải tiến tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M, nhấn mạnh các quả đạn thường phóng ra nhiều loại mồi bẫy trong quá trình lao xuống, nhằm gây nhiễu hoặc đánh lừa radar, ngăn các tổ hợp phòng không khóa mục tiêu.
"Iskander-M không bay theo quỹ đạo cố định như tên lửa đạn đạo thông thường, mà thường xuyên cơ động trong hành trình. Hệ thống Patriot, vốn được thiết kế để tính toán điểm đánh chặn, sẽ gặp khó khăn trong nỗ lực dự đoán đường bay của Iskander-M. Những biện pháp nâng cấp của Nga khiến hệ thống Patriot có thể không đạt hiệu quả như chúng tôi mong muốn", ông nói.
Đây không phải lần đầu tiên giới chức Ukraine đề cập tới mồi bẫy trang bị trên tên lửa Iskander.
![]() |
Thiết bị nghi là mồi bẫy của tên lửa Iskander-M được tìm thấy ở Ukraine tháng 3/2022. Ảnh: CAT-UXO |
Sau khi xung đột bùng phát tháng 2/2022, quân đội Ukraine từng thu được một số vật thể hình phi tiêu, dài khoảng 30 cm, có thân màu trắng và đuôi màu cam. Theo các quan chức Ukraine và Mỹ, vật thể này được tên lửa đạn đạo Nga phóng ra khi tiếp cận mục tiêu.
Theo trang thông tin về vật liệu nổ CAT-UXO, vật thể này dường như là mồi bẫy có tên mã 9B899 của Nga. Mỗi thiết bị được trang bị hệ thống điện tử chuyên phát tín hiệu vô tuyến để gây nhiễu hoặc tạo ra hàng loạt mục tiêu giả trên màn hình radar. Mỗi bẫy cũng đồng thời phát nguồn nhiệt lớn để thu hút tên lửa tầm nhiệt.
Chúng thường phóng ra khi cảm biến trên quả đạn Iskander-M nhận thấy tên lửa đang bị tổ hợp phòng không đối phương ngắm mục tiêu. Ngoài ra, tên lửa cũng có thể được lập trình để thả mồi bẫy ở tọa độ cụ thể, dựa trên thông tin tình báo về các trận địa phòng không xung quanh mục tiêu.
Giới chức tình báo Mỹ cho biết mồi bẫy của Iskander-M có tính năng tương tự "thiết bị hỗ trợ xâm nhập" xuất hiện cùng các đầu đạn hạt nhân của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) từ thập niên 1970. Tuy nhiên, chưa loại vũ khí thông thường nào được tích hợp mồi bẫy đa chức năng như Iskander-M.
Vijainder Thakur, nhà phân tích quân sự và cựu sĩ quan không quân Ấn Độ, cho rằng hệ thống Patriot "vẫn bó tay" trước tên lửa Iskander-M mang mồi bẫy, dù Ukraine đã thu được thiết bị này từ 3 năm trước và nhiều khả năng đã chuyển cho đối tác phương Tây nghiên cứu.
"Những tính năng được quan chức Ukraine đề cập, như quỹ đạo không cố định, khả năng cơ động trong hành trình và mồi bẫy đánh lừa radar, đều nằm trong thiết kế nguyên bản của dòng Iskander-M từ khi đưa vào biên chế năm 2006. Đó không phải những gói nâng cấp mới xuất hiện", chuyên gia Thakur cho hay.
John Ridge, nhà phân tích quân sự tại Mỹ, có chung quan điểm khi cho rằng Nga chưa ứng dụng công nghệ mới nào trên dòng Iskander-M.
Chuyên gia Mỹ nhận định Nga chủ yếu tập trung vào hoàn thiện quy trình lên kế hoạch và điều chỉnh quỹ đạo bay của Iskander-M, nhằm gây khó khăn cho các hệ thống phòng không hiện đại được phương Tây viện trợ cho Ukraine như Patriot và SAMP/T.
"Mồi bẫy 9B899 dường như đã được thay thế bằng các cụm ăng-ten nhận tín hiệu có kiểm soát (CRPA), còn gọi là ăng-ten định hình chùm sóng, nhằm tăng cường khả năng kết nối vệ tinh và kháng nhiễu. Những nâng cấp này phản ánh cải tiến về mặt chiến thuật, thay vì tiến bộ công nghệ mang tính đột phá", Ridge nhận định.
Tờ Washington Post hôm 26/5 khẳng định Iskander-M là "vũ khí đáng sợ và hiệu quả nhất" của Nga trong xung đột Ukraine, thêm rằng chỉ có tổ hợp phòng không Patriot đủ khả năng đối phó chúng. Tuy nhiên, tỷ lệ đánh chặn của Patriot ngày càng suy giảm do tình trạng cạn kiệt tên lửa và bệ phóng, trong khi nhiều khẩu đội cũng bị Nga tập kích và phá hủy.
Theo báo cáo phân tích do Viện Nghiên cứu Kiel có trụ sở tại Đức công bố hồi cuối năm ngoái, tỷ lệ đánh chặn thành công của Ukraine trong năm 2024 là 4% với tên lửa đạn đạo như Iskander-M.
![]() |
Xe chở đạn kiêm bệ phóng Iskander-M diễn tập tại vùng Krasnodar, Nga tháng 2/2018. Ảnh: BQP Nga |
Nga hôm 22/5 công bố video tên lửa Iskander-M tập kích trận địa Patriot ở tỉnh Dnipro, khẳng định đòn tấn công đã phá hủy hoàn toàn radar đa chức năng AN/MPQ-65, đài điều khiển và hai bệ phóng. Không quân Ukraine thừa nhận đã để lọt một tên lửa Iskander-M và 16 UAV tự sát, dẫn đến thiệt hại ở tỉnh Dnipro nhưng không nêu chi tiết.
Quân đội Ukraine hôm 24/5 tuyên bố chặn được 6 tên lửa đạn đạo Iskander-M cùng 245 máy bay không người lái (UAV) tự sát dòng Geran và phi cơ mồi bẫy trong đòn tập kích hiệp đồng của Nga, nhưng để lọt 8 quả đạn Iskander-M và 5 UAV. Bộ Quốc phòng Nga cho biết một trong các mục tiêu khi đó là trận địa phòng không Patriot của đối phương.
Một ngày sau, quân đội Ukraine ngầm thừa nhận không chặn được toàn bộ 9 tên lửa đạn đạo Iskander-M, cùng 13 tên lửa hành trình các loại và 32 UAV tự sát trong cuộc tấn công có quy mô lớn chưa từng thấy kể từ đầu chiến sự.
Nguyễn Tiến (Theo AP, Eurasian Times, AFP)