Dựa trên thống kê từ Bộ tư lệnh không quân Ukraine, tờ Financial Times của Anh ước tính trung bình 15% máy bay không người lái (UAV) tự sát Geran-2 của Nga đã vượt qua lưới phòng không Ukraine trong giai đoạn tháng 4-6, tăng mạnh so với mức 5% của ba tháng trước đó. Số lượng phi cơ Nga sử dụng trong mỗi trận tập kích cũng tăng đáng kể so với trước.
"UAV Nga nhiều lần vượt qua lưới phòng không Ukraine cho thấy lượng lớn phi cơ giá rẻ có thể áp đảo các hệ thống phòng thủ đa tầng, đồng thời chứng minh Nga có khả năng nhanh chóng điều chỉnh chiến thuật để bào mỏng nguồn lực của Ukraine", báo Anh cho hay.
Trong số các cải tiến mà Nga áp dụng với Geran-2 có điều chỉnh quỹ đạo, cho phép chúng bay nhanh và cao hơn so với trước, vượt ra ngoài tầm bắn của các tổ phòng không di động trang bị súng máy của Ukraine.
"Vấn đề không phải là mạng lưới phòng không Ukraine đang trở nên yếu kém. Thay vào đó, chiến thuật tấn công theo bầy và khả năng bay cao khiến UAV Nga trở nên hiệu quả hơn", Yasir Atalan, chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ, cho biết.
Theo một số chuyên gia, Nga đã triển khai biến thể Geran-3 với động cơ tua-bin phản lực, có thể bay với tốc độ hành trình 400 km/h và chạm mức 800 km/h khi bổ nhào.
Oleksandr Matviienko, chuyên gia về UAV tại trang quân sự Counteroffensive Pro của Ukraine, cho biết số lượng phi cơ Nga triển khai không tăng quá nhiều trong vài tháng qua, nhưng giờ đây chúng chỉ tập trung nhắm mục tiêu vào một hoặc hai thành phố cùng lúc, thay vì tấn công dàn trải hàng loạt đô thị như trước.
"UAV bay rất cao, khoảng 3.000-4.000 m, hoặc di chuyển cực thấp và gần mái các tòa nhà chung cư. Các tổ phòng không cơ động với súng máy không thể hạ UAV bay cao, trong khi mục tiêu lại trở nên khó phát hiện hơn khi bay thấp", Matviienko nói.
Tăng đáng kể sản lượng phi cơ Geran-2 cũng cho phép Nga áp dụng chiến thuật bầy đàn UAV nhằm áp đảo lưới phòng thủ Ukraine. "Quy mô các trận tập kích khiến phòng không Ukraine quá tải, tăng tỷ lệ máy bay đánh trúng mục tiêu", Atalan nói.
Trong trận tập kích ngày 9/7, Nga sử dụng lượng UAV Geran-2 và phi cơ mồi bẫy nhiều kỷ lục là 728 chiếc, hiệp đồng với tên lửa hành trình và tên lửa siêu vượt âm nhằm vào các mục tiêu tại Ukraine.
Nga thường dùng UAV mở đường trước đòn tập kích tên lửa, nhằm gây thêm khó khăn cho phòng không của đối phương. Theo thống kê từ Bộ tư lệnh không quân Ukraine, tỷ lệ đánh trúng mục tiêu của tên lửa Nga dường như không đổi, song điều này diễn ra trong lúc nguồn cung đạn của tổ hợp Patriot ngày càng cạn kiệt.
![]() |
Xác UAV Geran-2 tại triển lãm ở Kiev, Ukraine ngày 27/6. Ảnh: AP |
Để giải quyết vấn đề thiếu đạn phòng không, Ukraine phải chế tạo thiết bị bay không người lái (drone) chuyên đánh chặn UAV tầm xa của Nga. Tổng thống Volodymyr Zelensky ngày 10/7 tuyên bố Ukraine đã hạ được hàng chục UAV Geran-2 bằng drone đánh chặn, khẳng định vũ khí này hoạt động hiệu quả.
Theo Matviienko, để đánh chặn hiệu quả UAV đối phương, drone Ukraine phải có trần bay 6.000 m và đạt tốc độ tới 200 km/h, nhanh hơn so với tốc độ của phi cơ Geran đời đầu là 185 km/h. Loại drone này cũng cần hệ thống dẫn đường tự động trong pha cuối, khi áp sát mục tiêu, để tránh lệ thuộc vào người điều khiển.
Andrew Turner, cựu đại tướng Anh đang làm giám đốc điều hành công ty tư vấn Saibre Capital, cho biết sự phát triển của mạng lưới phòng không Ukraine là điển hình cho cuộc cạnh tranh liên tục giữa các cải tiến trong tác chiến đường không.
"Đây là cuộc chạy đua dai dẳng giữa phát triển vũ khí và hệ thống phòng thủ. Trong chiến sự Nga - Ukraine, cuộc chạy đua diễn ra với tốc độ rất nhanh và cứ hai tuần lại lên một mốc mới", ông nêu quan điểm.
Nguyễn Tiến (Theo AFP, Financial Times, War Zone)