Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Washington đã tiến "rất gần" tới một thỏa thuận với Iran về việc không sản xuất "bụi hạt nhân".
Nhưng tại thủ đô Tehran, lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei bày tỏ nghi ngờ về điều này. "Các cuộc đàm phán có thể sẽ không dẫn đến bất kỳ kết quả nào. Chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra", ông Khamenei nói trong bài phát biểu hôm 20/5.
Việc làm giàu uranium của Iran, loại nhiên liệu hạt nhân có thể dùng để chế tạo vũ khí nếu được tinh chế ở mức độ cao, đã trở thành điểm bế tắc lớn nhất trong các cuộc đàm phán. Iran khẳng định sẽ không bao giờ từ bỏ quyền làm giàu uranium.
![]() |
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei. Ảnh: AP |
Trên đường phố Tajreesh, khu dân cư khá giả ở phía bắc Tehran, người dân cho biết viễn cảnh Iran được dỡ bỏ trừng phạt là điều đáng mừng. Dù vậy, họ vẫn chưa thể đặt niềm tin vào Tổng thống Mỹ hiện tại, người từng hủy bỏ một thỏa thuận tương tự với họ trong nhiệm kỳ một.
"Tất nhiên, việc dỡ bỏ trừng phạt là điều tốt cho Iran", Tehran Houman Gharoonzadeh, cư dân ở Tehran, nói. "Nhưng nếu Mỹ yêu cầu chúng tôi phải từ bỏ khả năng tự vệ mới xóa trừng phạt, tôi cho rằng đó không phải điều tốt".
Các lệnh trừng phạt đã bóp nghẹt kinh tế Iran, cô lập quốc gia này khỏi hầu hết các mạng lưới ngân hàng và thương mại với phương Tây, khiến họ phải dựa vào các đồng minh địa chính trị như Nga và Trung Quốc.
Trên đường phố Iran, các thương hiệu phương Tây ngày càng vắng bóng, nhưng những logo sao chép lại các hãng nước ngoài khá phổ biến, gợi nhớ về một thời kỳ Tehran có quan hệ tốt đẹp với thế giới bên ngoài.
Ôtô ở Iran thường là do nội địa sản xuất hoặc hàng Trung Quốc. Đặc biệt, ngành hàng không Iran đã phải chịu thiệt hại nặng nề do giấy phép mua máy bay bị hủy bỏ và họ không thể mua những phụ tùng cần thiết do lệnh cấm nhập khẩu.
Trong một bài bình luận đăng trên tờ Washington Post hồi tháng 3, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi nhấn mạnh chính những trở ngại từ phía chính quyền và quốc hội Mỹ đã ngăn các doanh nghiệp nước này tiếp cận nền kinh tế Iran.
Bàn về triển vọng đạt được thỏa thuận hạt nhân với Mỹ, Maryam, cư dân ở Tehran, cho hay đó sẽ là "yếu tố thay đổi cuộc chơi".
"Hiện tại, chúng tôi không thể bán bất cứ thứ gì, chúng tôi không thể giao dịch với các nước khác", bà nói.
"Họ sẽ dồn Iran vào thế khó và đưa ra quá nhiều yêu cầu mà chúng tôi không thể đáp ứng. Rồi mọi thứ sẽ thất bại", Eskander, một cư dân bi quan ở Tehran, nói về các cuộc đàm phán.
Về việc Mỹ yêu cầu Iran ngừng hoàn toàn làm giàu uranium, ông cho hay "sau 30 năm đầu tư, giới lãnh đạo Iran không thể đơn giản rút lui và nói 'tất cả là của các bạn'".
Trong khi Israel leo thang chiến dịch ở Gaza, họ cũng vẫn quan tâm đặc biệt tới các cuộc đàm phán giữa Iran và Mỹ. CNN hôm 20/5 đưa tin tình báo Mỹ cho rằng Israel đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công vào các cơ sở hạt nhân Iran, và nó có xảy ra hay không phụ thuộc vào số phận của các cuộc đàm phán giữa Tehran với Washington.
Trong bình luận hôm 22/5, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết nước này đang "phối hợp toàn diện" với Mỹ khi chính quyền Tổng thống Trump theo đuổi một thỏa thuận hạt nhân mới với Tehran. Ông Netanyahu cho hay bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân và ngừng làm giàu uranium.
Người Iran tỏ ra lo lắng trước nguy cơ leo thang từ Israel.
Nếu Israel ném bom Iran, "Thế chiến III sẽ nổ ra và điều này không hề tốt đẹp", Amir-Reza, cư dân ở Tehran, nói.
Vũ Hoàng (Theo CNN, AFP, Reuters)