"Đấy là một quả bom lượn", Bogdan Masliy, 15 tuổi, nói mà không thèm quay ra nhìn.
Ba năm từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ, Masliy bây giờ dễ dàng phân biệt được nhiều loại vũ khí đang trút xuống quê hương Sloviansk, thành phố ở miền đông Ukraine.
![]() |
Từ trái sang phải: Masliy, Yegor và Vladik sau buổi tập nhạc rock trong căn hộ gần Sloviansk, Donetsk, ngày 9/3. Ảnh: AFP |
Ngồi thành vòng tròn trên sàn nhà trung tâm Giấc mơ Sloviansk một ngày tháng 3, nơi nhóm thiếu niên đang giao lưu và hướng dẫn các em nhỏ, Masliy và bạn bè kể về những năm tháng xung đột đã tác động tới trẻ em ở Sloviansk như thế nào.
"Bây giờ chúng cháu không còn là thiếu niên nữa", Masliy nói, tỏ vẻ buồn bã.
"Cháu muốn cảm nhận mình là trẻ con trong một giây, nhưng không thể", Anna, 14 tuổi, quê ở tỉnh Donetsk mà Nga sáp nhập năm 2022, cho hay.
Giao tranh đã nổ ra tại thành phố khoảng 100.000 dân này từ năm 2014, khi phe ly khai được Nga hậu thuẫn nổi dậy ở các thành phố miền đông Ukraine. Masliy cho hay vẫn nhớ những tay súng ly khai và "những người đội mũ trùm đầu màu đen" đã kiểm soát thành phố trong ba tháng trước khi bị quân đội Ukraine đẩy lùi.
Xung đột giữa phe ly khai và quân đội chính phủ tiếp diễn ở miền đông cho tới tháng 2/2022, khi Nga đưa quân sang Ukraine. Sloviansk kể từ đó thường xuyên bị tập kích. 11 người, trong đó có một em bé hai tuổi, đã thiệt mạng trong một vụ không kích hồi tháng 4/2023.
Xung đột triền miên làm đảo lộn cuộc sống, buộc hàng triệu người Ukraine phải sơ tán và không ai có thể lên kế hoạch cho cuộc sống tương lai.
"Sáng mai cháu vẫn có thể tỉnh dậy", là câu trả lời của Anna khi được hỏi về hy vọng vào tương lai. "Bởi vì ở đất nước chúng cháu, không ai có thể biết được sáng mai mình còn thức dậy được hay không".
Quân đội Nga hiện chỉ còn cách Sloviansk khoảng 10 km và đang duy trì đà tiến lên khắp tiền tuyến.
Yevgeniia Alfimova, 53 tuổi, người sáng lập kiêm giám đốc Giấc mơ Sloviansk, lấy làm tiếc về tuổi thơ bị đánh cắp của trẻ em trong thành phố, nhưng cũng ngưỡng mộ sự trưởng thành và tự do của những người trẻ ngày nay so với thế hệ trước.
"Các cháu khác với chúng tôi. Chúng ta không thể nhốt thế hệ trẻ trong lồng", bà nói.
Nhiều năm xung đột khiến Sloviansk hoang tàn, dân số chỉ còn một nửa so với thời điểm trước xung đột. Chính quyền thành phố cho biết khoảng 5.500 trẻ em ở đây đang phải học trực tuyến.
Ngoài giờ học, Masliy còn tham dự các khóa sơ cứu và tập đánh dao. "Mặt trận không còn xa xôi nữa, phải luôn trong tư thế sẵn sàng", cậu nói. Khi có thời gian, cậu tập luyện cùng ban nhạc rock để có thể "phiêu theo âm nhạc".
![]() |
Anna (giữa, đeo kính), ngồi trò chuyện với các thiếu niên trong trung tâm Giấc mơ Sloviansk ngày 14/3. Ảnh: AFP |
Masliy cho hay âm nhạc giúp bản thân ngừng suy nghĩ về chiến tranh và những ngày đi sơ tán ở Vinnytsia, miền trung đất nước, nơi cậu bị gọi là "kẻ ly khai" và bị đánh giữa phố.
Những ký ức này khiến cậu quyết tâm trở thành một người theo chủ nghĩa nhân đạo, người sẽ giảng giải cho người dân cả nước biết về tình hình xung đột ở miền đông Ukraine. Mẹ của Masliy muốn rời khỏi Sloviansk nhưng với cậu, "mọi thứ của cháu đều ở đây, cuộc sống, bạn bè".
Hồng Hạnh (Theo AFP)