Phát ngôn viên hải quân Mỹ Ron Flanders cuối tuần trước cho biết quân chủng này đã hủy mời thầu dự án Vũ khí Diệt hạm Siêu vượt âm Phóng từ máy bay (HALO), thừa nhận không thể hoàn thành chương trình đúng tiến độ do hạn chế về ngân sách.
"Hải quân ra quyết định hồi giữa năm ngoái, sau khi phân tích kỹ lưỡng toàn bộ ngành công nghiệp sản xuất vũ khí, so sánh xu hướng chi phí, hiệu quả chương trình với các ưu tiên và cam kết tài chính hiện nay", ông Flanders nói.
Hợp đồng chế tạo tên lửa thuộc dự án HALO ban đầu được trao cho tập đoàn quốc phòng Lockheed Martin và Raytheon vào năm 2023. Chưa có nhiều thông tin kỹ thuật được tiết lộ, song thiết kế của hai hãng dường như đều sử dụng các công nghệ tiên tiến, trong đó có động cơ phản lực dòng thẳng (ramjet) và biến thể scramjet, để đạt vận tốc siêu vượt âm.
Tên lửa HALO dự kiến được trang bị cho tiêm kích hạm F/A-18E/F Super Hornet trong giai đoạn đầu, trước khi tích hợp cho cả bệ phóng đặt trên tàu chiến và tàu ngầm.
![]() |
Hình ảnh mô phỏng của tên lửa HALO. Đồ họa: Lockheed Martin |
Raytheon và Lockheed Martin đều tham gia dự án Vũ khí siêu vượt âm sử dụng động cơ hút khí tự nhiên (HAWC) của Cơ quan Nghiên cứu Dự án Phòng thủ Tiên tiến thuộc Lầu Năm Góc. Đây là chương trình đặt nền móng cho sáng kiến Tên lửa Hành trình Tấn công Siêu vượt âm của không quân Mỹ.
Giới chuyên gia quân sự cho rằng hủy bỏ dự án HALO là bước lùi mới nhất của Washington trong nỗ lực phát triển vũ khí siêu vượt âm, sau khi không quân Mỹ đình chỉ chương trình Vũ khí Phản ứng nhanh Phóng từ Máy bay (ARRW) vì gặp phải loạt sự cố kỹ thuật và phát hiện các hạn chế trong thiết kế.
Tên lửa siêu vượt âm là vũ khí có tốc độ tối thiểu gấp 5 lần âm thanh (Mach 5), tương đương hơn 6.200 km/h. Những vũ khí bay nhanh hơn vận tốc âm thanh nhưng không đạt ngưỡng Mach 5 thường chỉ được gọi là tên lửa siêu thanh.
Tốc độ lớn, khả năng cơ động và đường bay thấp trong khí quyển khiến vũ khí siêu vượt âm rất khó bám bắt và đánh chặn so với tên lửa đạn đạo truyền thống, đặt ra thách thức lớn với mọi lưới phòng không hiện đại. Đối phương cũng có ít thời gian phản ứng trước vũ khí siêu vượt âm, không kịp triển khai lực lượng đánh chặn hoặc sơ tán.
Nhiều quốc gia đã đầu tư mạnh cho chương trình vũ khí siêu vượt âm. Quân đội Nga đang biên chế hàng loạt tên lửa siêu vượt âm và nhiều lần sử dụng dòng Kinzhal, Zircon ở chiến trường Ukraine. Các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Triều Tiên và Iran cũng đã sở hữu hoặc thử thành công tên lửa siêu vượt âm.
Trong khi đó, Mỹ đang chật vật phát triển loại khí tài này. Hồi năm 2021, Phó chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ John Hyten thừa nhận nước này tụt hậu so với Nga và Trung Quốc về vũ khí siêu vượt âm, cho rằng Washington sẽ mất nhiều năm và phải bỏ nguồn lực rất lớn để giành lại vị trí hàng đầu trong lĩnh vực.
Phạm Giang (Theo Eurasian Times, War Zone)