![]() |
Tòa thánh Vatican hôm 23/4 đưa linh cữu Giáo hoàng Francis từ Nhà thánh Marta, nơi ông qua đời, tới Vương cung Thánh đường Thánh Peter.
Trong ảnh, các thành viên Đội Cận vệ Thụy Sĩ và tu sĩ đứng cạnh linh cữu Giáo hoàng trong Vương cung Thánh đường. Cận vệ Thụy Sĩ chịu trách nhiệm bảo vệ linh cữu Giáo hoàng trong suốt thời gian tang lễ.
![]() |
Đội Cận vệ Thụy Sĩ của Giáo hoàng, còn gọi là Đội Cận vệ Thụy Sĩ, có nhiệm vụ chính là đảm bảo an ninh cho Giáo hoàng, tháp tùng Giáo hoàng tới mọi nơi, canh gác và bảo vệ an ninh trong Thành Vatican, bảo vệ Hồng y Đoàn trong các hội nghị mật bầu chọn tân Giáo hoàng.
Toàn bộ thành viên lực lượng đều là công dân Thụy Sĩ và từng phục vụ trong quân đội Thụy Sĩ, nhưng bản thân đội cận vệ không nằm trong lực lượng vũ trang Thụy Sĩ. Đội Cận vệ Thụy Sĩ hoạt động dưới sự chỉ huy trực tiếp của Giáo hoàng và là một trong những lực lượng vũ trang hoạt động liên tục lâu nhất thế giới, từ năm 1506 đến nay.
![]() |
Thành viên Đội Cận vệ Thụy Sĩ chào một hồng y tới dự cuộc họp tại Vatican ngày 22/4.
Ứng viên muốn gia nhập Đội Cận vệ Thụy Sĩ cần trải qua kỳ tuyển chọn rất gắt gao. Tất cả phải là nam giới theo Công giáo Roma trong độ tuổi 19-30, chưa lập gia đình và cao tối thiểu 1,74 m. Họ cùng cần có học vấn cao, ít nhất là tốt nghiệp trung học
![]() |
Sau khi gia nhập Đội Cận vệ Thụy Sĩ, tân binh sẽ được học cách sử dụng kiếm và kích cho nghi lễ. Vũ khí tiêu chuẩn của lực lượng này gồm các loại súng ngắn và súng trường tương tự quân đội Thụy Sĩ, giúp các thành viên không phải làm quen khí tài.
Giáo hoàng Francis năm 2018 quyết định tăng quân số của Đội Cận vệ Thụy Sĩ từ 110 lên 135 nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
![]() |
Đội Cận vệ Thụy Sĩ đảm bảo an ninh trước khai mạc lễ Phục sinh tại Quảng trường Thánh Peter ở Vatican ngày 20/4. |
![]() |
Lính cận vệ đứng canh gác gần các giám mục và hồng y trong thánh lễ mừng Năm Thánh Tình nguyện Thế giới tại Quảng trường Thánh Peter ngày 9/3.
Đội Cận vệ Thụy Sĩ nổi bật với bộ lễ phục kiểu Phục Hưng, gồm áo dài qua hông và quần sọc màu xanh đậm, vàng và đỏ, đội mũ sắt gắn lông vũ, tay cầm vũ khí cận chiến như giáo và kích.
Hồi năm 2019, Đội Cận vệ Thụy Sĩ bắt đầu dùng mũ bảo hiểm làm từ nhựa PVC và có nhiều ống thông khí ẩn. Loại mũ này chỉ mất một ngày để chế tạo, thay vì nhiều ngày như mũ sắt.
![]() |
Khi làm nhiệm vụ hộ tống hoặc tác chiến thông thường, các thành viên đội cận vệ đều mặc âu phục hoặc quân phục dã chiến, sử dụng vũ khí hiện đại.
Sau vụ Giáo hoàng John Paul II bị ám sát hụt hồi năm 1981, lực lượng này chú trọng hơn tới những nhiệm vụ ngoài nghi lễ, được huấn luyện nâng cao trong nhiệm vụ như chống du kích, phản gián, chống bắn tỉa, chống khủng bố, cận chiến, tháo gỡ bom mìn, bảo vệ yếu nhân, giải cứu con tin, tình báo, cứu thương, lái xe và xung kích với vũ khí bộ binh.
![]() |
Tân binh Đội Cận vệ Thụy Sĩ chỉnh lại lễ phục trước khi tham gia lễ tuyên thệ tại Vatican ngày 6/5/2024.
Thành viên Đội Cận vệ Thụy Sĩ được phép giữ lại lễ phục sau khi hoàn tất 5 năm phục vụ, nhưng không được bán nó cho bất kỳ ai. Bộ lễ phục sẽ được chôn cất cùng thành viên đội cận vệ khi qua đời, hoặc bàn giao lại cho Đội Cận vệ theo quy định.
![]() |
Các tân binh tuyên thệ trung thành với Giáo hoàng trong buổi lễ tại sân của Thánh đường Damasco. |
![]() |
Giáo hoàng Francis đi qua một thành viên Đội Cận vệ Thụy Sĩ trong buổi tiếp kiến hàng tuần tại hội trường Paul-VI, Vatican, hôm 18/12/2024.
![]() |
Giáo hoàng Francis chào hỏi các tân binh. |
![]() |
Một thành viên Đội Cận vệ Thụy Sĩ canh gác trước buổi giảng đạo hàng tuần của Giáo hoàng Francis tại Quảng trường Thánh Peter ngày 28/6/2023. |
Hồng Hạnh (Ảnh: AP, AFP)