Sau khi nhậm chức hồi tháng 1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nêu một số mục tiêu của chính quyền mới như chấm dứt xung đột Ukraine trong 24 giờ, tái lập hòa bình ở Trung Đông và đạt hàng chục thỏa thuận thương mại trong thời gian kỷ lục.
"Mọi người đều muốn đến gặp tôi và chốt thỏa thuận", Tổng thống Trump nói tháng này.
Trong nhiều năm, ông Trump đã xây dựng hình ảnh như nhà đàm phán bậc thầy, dựa trên kinh nghiệm của một nhà phát triển bất động sản và ngôi sao truyền hình thực tế.
Ông từng chia sẻ những kinh nghiệm chốt thỏa thuận trong cuốn hồi ký kiêm sổ tay kinh doanh xuất bản năm 1987. Ông Trump cho hay "phong cách đàm phán của tôi khá đơn giản và dễ hiểu. Tôi đặt mục tiêu rất cao và sau đó không ngừng thúc đẩy để đạt được nó", hay "chúng tôi không bao giờ bỏ cuộc, trong khi đối thủ dần đuối sức".
![]() |
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại sân bay quốc tế Miami, bang Florida ngày 3/4. Ảnh: AP |
Phong cách đàm phán của ông Trump thường là tăng sức ép với đối thủ để đạt thỏa thuận, hơn là dựa trên nền tảng đôi bên cùng có lợi, theo giới quan sát. Ông thường yêu cầu cả đồng minh và đối thủ phải đề xuất thỏa thuận và sau đó sẽ quyết định liệu có thích nó hay không.
Như trong căng thẳng thuế quan với Bắc Kinh, ông Trump đã liên tục tăng mức thuế đối với hàng hóa Trung Quốc trước khi kêu gọi nước này hướng tới thỏa thuận. "Nếu họ không đưa ra thỏa thuận, chúng tôi sẽ làm điều đó. Bởi vì chúng tôi là những người đặt ra thỏa thuận", ông Trump nói.
Tuần trước, nhóm nhà lập pháp đảng Dân chủ gửi thư cho chính quyền ông Trump, bày tỏ lo ngại về chính sách thương mại của Tổng thống. Nhiều thành viên đảng Dân chủ cho rằng ông Trump đang tạo ra hệ thống không công bằng, khi mang lợi ích cho một số đối tác và gây khó khăn với những bên khác.
Các nhà quan sát nhận định Tổng thống Trump rất muốn đạt thỏa thuận trong những vấn đề cốt lõi, nhưng cũng đang mất dần kiên nhẫn khi mong muốn đó vướng trở ngại. Xung đột Ukraine là một ví dụ.
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tuần trước cho hay Washington sẽ từ bỏ nỗ lực chấm dứt xung đột ở Ukraine nếu không có tiến bộ đáng kể về thỏa thuận hòa bình trong những ngày tới. Ông Trump sau đó đồng tình với bình luận của cấp dưới.
"Nếu vì lý do nào đó mà hai bên khiến vấn đề trở nên khó khăn, chúng tôi chỉ muốn nói rằng các bạn thật ngu ngốc, đáng thất vọng và chúng tôi sẽ chấp nhận từ bỏ", ông Trump nói tại Phòng Bầu dục ngày 18/4.
Ông Trump trong chiến dịch tranh cử từng nhiều lần tuyên bố chấm dứt xung đột Ukraine "trong 24 giờ" sau khi nhậm chức. Nhưng cuộc chiến vẫn tiếp diễn ác liệt và nỗ lực thúc đẩy thỏa thuận hòa bình chưa có nhiều tiến triển. Ông tháng trước cho hay mình "chỉ nói đùa" về mục tiêu 24 giờ, thêm rằng "ý tôi là tôi thực sự muốn giải quyết nhanh gọn và tôi nghĩ mình sẽ thành công".
Ngoại trưởng Rubio đã quyết định không tham gia cuộc đàm phán ngày 23/4 cùng quan chức Ukraine và châu Âu tại London. Phó tổng thống Mỹ JD Vance cho hay Mỹ sẽ rút khỏi tiến trình đàm phán nếu Nga - Ukraine không chấp nhận những đề xuất mà Washington đã đưa ra. Cả Nga và Ukraine đến nay chưa có dấu hiệu nào cho thấy sẽ chấp nhận đề xuất đó.
Tại Trung Đông, Hamas vẫn chưa trao trả toàn bộ con tin đã bắt trong cuộc đột kích vào miền nam Israel hồi tháng 10/2023, bất chấp lời đe dọa "xóa sổ" nhóm vũ trang này của ông Trump. Mỹ hồi tháng 1 làm trung gian cho lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas, giúp một số con tin được thả và làm dấy hy vọng về chấm dứt giao tranh. Tuy nhiên, Tel Aviv đã nối lại chiến dịch bắn phá ở Gaza và các cuộc đàm phán rơi vào bế tắc.
Giới chức Iran nói họ sẽ tiếp tục đàm phán với chính quyền ông Trump về thỏa thuận hạt nhân mới, dù Ngoại trưởng nước này cho hay các lập trường liên tục thay đổi của Washington sẽ "không giúp ích" cho nỗ lực.
Iran và các cường quốc năm 2015 ký thỏa thuận mang tên Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA), trong đó Tehran đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân để được nới lỏng các lệnh trừng phạt. Trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump rút Mỹ khỏi JCPOA và tiếp tục áp trừng phạt lên Iran. Đáp lại, Tehran sau đó dần từ bỏ tuân thủ nhiều cam kết về kiểm soát hạt nhân.
Ông Trump ngày 14/4 phàn nàn về tiến độ đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Iran, cho rằng Tehran đang muốn "câu giờ".
Ở trong nước, ông Trump gần đây cũng phát động cuộc chiến với các đại học hàng đầu Mỹ, đe dọa cắt tài trợ liên bang nếu các trường không đáp ứng các yêu cầu của chính phủ về ngăn biểu tình bài Do Thái, điều chỉnh cơ cấu quản trị và lãnh đạo, đổi mới tuyển sinh và chấm dứt các chương trình về đa dạng, công bằng, hòa nhập (DEI).
Đại học Columbia đã chấp nhận các yêu cầu của chính phủ để không bị cắt khoản tài trợ 400 triệu USD. Tuy nhiên, Đại học Harvard không nhượng bộ và quyết định khởi kiện chính phủ.
![]() |
Sinh viên, giảng viên Đại học Harvard biểu tình tại thành phố Cambridge, bang Massachusetts, Mỹ ngày 17/1. Ảnh: AP |
"Bạn sẽ làm suy yếu vị thế đàm phán khi cùng lúc gây chiến với tất cả theo đúng nghĩa đen, dù là đối tác lớn nhỏ, đối thủ hay đồng minh cả trên lĩnh vực an ninh quốc gia và kinh tế", Ian Bremmer, chủ tịch của công ty tư vấn Eurasia Group, nói và thêm rằng ông Trump sẽ gặp khó khăn khi cố làm tất cả mọi thứ cùng lúc.
Wendy R. Sherman, cựu thứ trưởng ngoại giao Mỹ dưới thời chính quyền Joe Biden, cũng bày tỏ lo lắng về cách thức đàm phán để đạt thỏa thuận của ông Trump.
"Phong cách đàm phán của ông Trump xuất phát từ kinh nghiệm của một nhà phát triển bất động sản. Nếu thỏa thuận bất động sản không hiệu quả, bạn chỉ cần chuyển sang thỏa thuận khác hoặc kiện ra tòa. Nhưng với các vấn đề ngoại giao, dù đó là với một đại học hay một chính phủ, bạn đang làm điều đó vì lợi ích chung. Tầm mức của chúng khác nhau", Sherman nói.
Tuy nhiên, đối với các trợ lý và đồng minh của ông Trump, niềm tin vào Tổng thống không suy giảm. Bất kỳ khi nào cách tiếp cận của Tổng thống bị hoài nghi, họ sẽ đoàn kết lại để bảo vệ.
"Bất kể nhiệm vụ là gì, Tổng thống sẽ luôn đạt thỏa thuận tốt nhất cho người dân Mỹ. Trong vòng chưa đầy 100 ngày, Tổng thống đã tạo ra sân chơi bình đẳng cho các nhà sản xuất của chúng ta, đưa chúng ta đến gần hơn với hòa bình ở Gaza và Ukraine, mang về nhiều cam kết đầu tư lịch sử cho Mỹ, giải thoát con tin người Mỹ và buộc các đại học phải chịu trách nhiệm về làn sóng bài Do Thái. Không có cuộc đàm phán nào quá khó khăn với Tổng thống Trump và ông ấy tiếp tục chứng minh những người chỉ trích đã sai", Taylor Rogers, phát ngôn viên Nhà Trắng, nói.
Karoline Leavitt, thư ký báo chí Nhà Trắng, ngày 22/4 nói với báo giới rằng các cố vấn của ông Trump đã gặp đại diện 34 quốc gia trong tuần trước để thảo luận về thỏa thuận thương mại và đã có 18 đề xuất thỏa thuận bằng văn bản.
"100% sẽ có thỏa thuận thương mại", ông Trump nói trong cuộc gặp Thủ tướng Italy Giorgia Meloni tại Nhà Trắng tuần trước.
Thùy Lâm (Theo Conversation, Axios, AFP)