Cuộc diễn tập được tổ chức ngày 15-16/4, nhưng thông tin chỉ được Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) tiết lộ ngày 23/4.
Sự kiện đánh dấu lần đầu Cơ quan Hạt nhân và Chống vũ khí hủy diệt hàng loạt (USANCA) thuộc lục quân Mỹ thực hành khoa mục này ở Hàn Quốc, tập trung vào xây dựng kiến thức và kỹ năng cần thiết để binh sĩ hai nước hoạt động trong khu vực đã hứng đòn tấn công hạt nhân hoặc có nguy cơ bị tập kích bằng vũ khí nguyên tử.
Những người tham gia gồm hai giảng viên từ Nhóm Cố vấn Tác chiến Hạt nhân của USACNA, 6 nhân sự thuộc Bộ tư lệnh Chiến lược Hàn Quốc, hai người từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc và 5 người thuộc Bộ tư lệnh Lực lượng hỗn hợp Mỹ - Hàn.
![]() |
Xe tăng K1 Hàn Quốc lên cầu phao do binh sĩ Mỹ dựng trong diễn tập ngày 20/3. Ảnh: US Army |
Quân nhân hai bên cũng thảo luận về vai trò của quân đội Hàn Quốc trong các chiến dịch "Tích hợp Hạt nhân - Thông thường" (CNI), khái niệm chỉ việc hiệp đồng giữa các đơn vị sở hữu vũ khí hạt nhân Mỹ với lực lượng phi hạt nhân tiên tiến Hàn Quốc.
"Kiến thức từ đợt huấn luyện có thể áp dụng trực tiếp cho các cuộc diễn tập sa bàn và thực địa tập trung vào khái niệm CNI", USFK cho hay.
Mỹ và Hàn Quốc dự kiến tiếp tục diễn tập trên sa bàn để tinh chỉnh và phát triển CNI thành kế hoạch hoạt động chính thức.
Cuộc diễn tập được tổ chức trong lúc căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên gia tăng khi Bình Nhưỡng đẩy mạnh thử vũ khí và đưa ra các thông điệp răn đe, còn Seoul cũng tăng cường tập trận chung với đồng minh Washington.
Mỹ tháng 7/2020 cho biết Triều Tiên có khoảng 20-60 đầu đạn hạt nhân và có thể sản xuất thêm 6 đầu đạn mỗi năm. Tướng Mark Milley, khi đó là Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, nói rằng Bình Nhưỡng sở hữu năng lực hạt nhân "đủ sức gây ra mối đe dọa thực sự cho lục địa Mỹ cũng như đồng minh và đối tác của Washington trên khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".
Lee Sang-kyu, chuyên gia công nghệ hạt nhân ở Viện Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc, ước tính Triều Tiên đang sở hữu 80-90 đầu đạn sử dụng uranium và plutonium, nhận định con số này có thể tăng lên 166 vào năm 2030.
Trong chuyến thăm một cơ sở sản xuất vật liệu hạt nhân hôm 29/1, lãnh đạo Kim Jong-un nhấn mạnh Triều Tiên đang đối mặt "tình hình an ninh bất ổn nhất thế giới" bởi cuộc đối đầu kéo dài với "những quốc gia thù địch hung hăng nhất", cho rằng Bình Nhưỡng phải tăng cường năng lực hạt nhân.
Nguyễn Tiến (Theo Korea Joongang, AFP, AP)