![]() |
Xung đột biên giới với Thái Lan bùng phát từ ngày 24/7 đã khiến hơn 80.000 người Campuchia phải rời bỏ nhà cửa.
Trong ảnh là trung tâm sơ tán tại chùa Wat Bat Thkao, huyện Chongkal, tỉnh Oddar Meanchey, Campuchia.
![]() |
Ông Met Measphaekdey, Phó tỉnh trưởng kiêm phát ngôn viên tỉnh Oddar Meanchey, cho biết 30.000 người phải di dời ở riêng vùng này.
Tỉnh đã mở 6 địa điểm an toàn để tập kết người dân, chùa Wat Bat Thkao là một trong số này.
![]() |
Một gia đình Campuchia trú ẩn trong lán tại chùa Wat Bat Thkao.
Giao tranh đến nay đã khiến ít nhất 33 người thiệt mạng ở hai bên. Đây là cuộc giao tranh nghiêm trọng nhất giữa hai nước láng giềng trong hơn 10 năm qua.
![]() |
Người Campuchia ru con ngủ trên võng tại chùa Wat Bat Thkao.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 26/7 đã điện đàm với lãnh đạo Campuchia và Thái Lan. Hai nước sau đó cho biết sẵn sàng ngừng bắn và đàm phán nhằm chấm dứt xung đột. Tuy nhiên, quân đội hai bên cáo buộc nhau vẫn tiếp tục tấn công vào sáng nay.
![]() |
Một cậu bé ăn mì gói tại trung tâm sơ tán ở chùa Wat Bat Thkao. |
![]() |
Trong khi đó, Thái Lan sơ tán hơn 170.000 ở 4 tỉnh biên giới gồm Ubon Ratchathani, Si Sa Ket, Surin và Buri Ram.
Trong ảnh là trung tâm sơ tán tại tỉnh Surin.
![]() |
Bộ Nội vụ Thái Lan thông báo người sơ tán được đưa đến 295 địa điểm an toàn, cách xa vùng giao tranh.
Riêng tại tỉnh Si Sa Ket, chính quyền địa phương đã thiết lập 149 điểm lánh nạn với sức chứa tổng cộng 93.500 người.
![]() |
Nhà sư Thái Lan trú bom tại tỉnh Surin ngày 26/7.
Kế hoạch sơ tán được thực hiện bởi các trưởng làng và tình nguyện viên an ninh, sử dụng phương tiện do chính phủ cung cấp.
Quân đội Thái Lan cấm toàn bộ người sơ tán quay về nhà cho đến khi có thông báo mới. Lực lượng an ninh và cảnh sát đã được triển khai để bảo vệ tài sản mà người dân bỏ lại.
![]() |
Người dân sơ tán xếp hàng chờ phát thức ăn tại Surin.
"Chúng tôi đã quen với khó khăn, nhưng thật sự chưa bao giờ phải trải qua tình cảnh thế này", In Chanthathep, 72 tuổi, lánh nạn ở trung tâm Si Sa Ket, chia sẻ.
![]() |
Người dân dựng lều, màn ngủ tại Surin.
"Ở đây còn tốt hơn ở nhà. Tôi đi đâu cũng được, miễn không phải nghe tiếng bom rơi đạn nổ. Ở đây tôi thấy yên tâm hơn", bà In Chanthathep nói.
![]() |
Người dân phải sơ tán ở cả Thái Lan và Campuchia đều mô tả những người hàng xóm bên kia biên giới là "anh em", "bạn bè", kêu gọi lập lại hòa bình.
"Quan hệ trước đây rất tốt, chúng tôi như anh em", Sai Boonrod, 56 tuổi, trú ẩn tại chùa ở thị trấn Kanthararom của Thái Lan, nói. "Tôi chỉ mong giao tranh kết thúc để trở lại như anh em".
Bên kia biên giới, cách bà Sai 150 km, một người dân 50 tuổi đang trú ẩn ở chùa Phumi Bak Thkav bày tỏ: "Chúng tôi là hàng xóm, chúng tôi muốn làm bạn".
Đức Trung (Theo AP, Fresh News)