Bé được đưa đến Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám trong tình trạng mệt lả, sốt cao liên tục ba ngày, đau nhức hai tai dữ dội, chảy mũi, đau họng.
ThS.BS.CKI Trương Trí Tường nội soi ghi nhận màng nhĩ căng phồng, tụ mủ hòm nhĩ, mũi xuất tiết dịch nhầy đục, họng sung huyết. Bác sĩ chẩn đoán bé Thảo viêm họng, viêm tai giữa cấp mủ, cần dùng kháng sinh đường tĩnh mạch liều cao. Nếu bệnh nhi không đáp ứng kháng sinh ban đầu, bác sĩ sẽ xét nghiệm nuôi cấy mủ tai, kháng sinh đồ để tìm phác đồ phù hợp, tránh nguy cơ kháng thuốc. Sau hai ngày điều trị, bé Thảo đáp ứng tốt, hết sốt, dịch tai khô, sức khỏe ổn định, xuất viện.
Theo bác sĩ Tường, viêm tai giữa cấp mủ không điều trị kịp thời có thể gây thủng màng nhĩ, suy giảm thính lực, viêm tai xương chũm, viêm màng não. Nhiều phụ huynh khi thấy con ho, sổ mũi thường nghĩ bệnh vặt mùa hè, không điều trị sớm mà tự dùng thuốc khiến bệnh dễ tái phát, kéo dài, biến chứng.
Tương tự, tại Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, ThS.BS.CKI Trương Tấn Phát, Trưởng Đơn vị Tai Mũi Họng, cho biết một tháng qua phòng khám tiếp nhận nhiều trẻ viêm mũi họng, viêm amidan tái phát, viêm tai giữa, tăng 30% so với tháng trước. Thời tiết nắng nóng và mưa bất chợt trong ngày làm nhiệt độ thay đổi đột ngột, hệ miễn dịch trẻ chưa kịp thích nghi, đồng thời niêm mạc mũi họng của trẻ vốn nhạy cảm dễ bị kích thích, tổn thương, tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn tấn công. Nghỉ hè, trẻ thường ở phòng máy lạnh, niêm mạc mũi họng khô, dễ kích ứng hơn. Trẻ viêm mũi họng chưa điều trị dứt điểm, dịch viêm từ mũi họng lan ngược lên tai giữa khiến trẻ viêm tai giữa, nguyên do là vòi nhĩ nối giữa tai giữa và mũi họng ở trẻ ngắn và nằm ngang so với người lớn.
![]() |
Bác sĩ Phát nội soi họng cho một bệnh nhi. Ảnh minh họa: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7 |
Trẻ chào đời được nhận một lượng kháng thể từ mẹ nhưng lượng kháng thể này giảm dần sau 6 tháng tuổi. Từ 6 tháng đến 5 tuổi là "khoảng trống miễn dịch", tức cơ thể trẻ chưa kịp sản sinh đủ kháng thể riêng để tự chống lại vi khuẩn, virus xung quanh. Niêm mạc mũi họng của trẻ mỏng, hệ thống lông chuyển hoạt động chưa hiệu quả, phản xạ ho, hắt hơi yếu nên vi khuẩn, virus dễ xâm nhập.
Để phòng viêm mũi họng biến chứng, bác sĩ Phát khuyến cáo cha mẹ cần hạn chế cho trẻ ở phòng máy lạnh nhiệt độ quá thấp, không để chênh lệch nhiệt độ ngoài trời và trong phòng quá lớn. Trẻ có dấu hiệu sổ mũi kéo dài, sốt cao, đau tai cần được khám sớm để điều trị triệt để. Người lớn không tự ý dùng kháng sinh hay nhỏ tai cho trẻ tại nhà vì dễ khiến bệnh nặng hơn, nguy cơ kháng thuốc.
Uyên Trinh
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |