Vie Tiếng Việt
Eng English
China 中国人

Vie Tiếng Việt
Eng English
China 中国人
  • Thời sự
  • Thế giới
  • Kinh doanh
  • Giải trí
  • Thể thao
  • Pháp luật
  • Giáo dục
  • Sức khỏe
  • Đời sống
  • Du lịch
  • Khoa học
  • Số hóa
  • Xe
  • Trở lại Thể thao
  • Sức khỏe
Thứ tư, 4/6/2025 | 05:01 GMT+7

Nỗi lo mua phải thuốc giả

Long, 42 tuổi, vào cửa hàng mua loại thuốc quen thuộc chữa đau đầu, huyết áp thấp, phát hiện tem niêm phong trên vỉ thuốc bị mờ nên sợ hàng giả.

Người đàn ông sống ở Hoài Đức, Hà Nội, chất vấn người bán thuốc về nguồn gốc sản phẩm, nhận được câu trả lời: "Anh yên tâm, bên em nhập từ công ty phân phối uy tín". Khi yêu cầu được xem giấy tờ chứng minh xuất xứ của vỉ thuốc, dược sĩ từ chối, nói "không được phép", Long kể lại hôm 2/6.

Anh Long, giảng viên đại học, kỹ lưỡng hơn sau biến cố mẹ bị biến chứng nặng do dùng thuốc giả. Anh tìm hiểu kỹ về thuốc thông qua báo đài, website nhà sản xuất, tìm mọi cách để xác minh nguồn gốc đơn thuốc. Đã kiểm tra mã số, mã QR và các đặc điểm của thuốc, anh vẫn quyết định không sử dụng vì "chưa thực sự yên tâm", nhất là trong bối cảnh tin tức về thuốc giả được đăng dồn dập trong 4 tuần gần đây.

Tương tự, chị Thủy, 38 tuổi, ở Tây Hồ, đưa con đi khám tại một cơ sở y tế tư nhân, được bác sĩ kê đơn trị cúm, viêm dạ dày. Quầy dược đông khách, chị chờ đến lượt trong khi đọc lại đơn thuốc của bác sĩ. Lúc đến lượt, chị đưa đơn, nhân viên chọn cho chị hai loại thuốc, một viên nén và một loại siro. Nhận thuốc, chị Thủy phát hiện trên nhãn chai siro dán chồng lên nhau hai lớp tem khác nhau.

Nhiều người dân có tâm lý hoang mang khi mua thuốc, dù sản phẩm được bán ở các chuỗi cửa hàng uy tín. Ảnh: Quỳnh Trần

Các câu chuyện trên báo về thuốc giả lướt qua tâm trí chị, nhất là vụ việc gần đây về một ca ngộ độc phải cấp cứu. Sự lo lắng khiến chị hỏi thêm về nguồn gốc, yêu cầu xem giấy tờ nhập thuốc, nhưng nhân viên chỉ cho xem hóa đơn bán lẻ, không có chứng từ từ nhà phân phối.

Đắn đo, chị đặt lại lọ siro lên quầy, lấy điện thoại chụp hình nhãn thuốc và gửi cho bác sĩ để xin xác nhận. Tối hôm đó, chị tra cứu thêm thông tin về cách nhận biết thuốc giả, một thao tác chưa từng xuất hiện trong những lần mua thuốc trước đây. Đêm ấy, chị lưỡng lự chưa cho con uống, để sẵn đơn trên bàn và nghĩ về chuyến quay lại quầy thuốc vào hôm sau.

Nỗi lo thuốc giả đang đè nặng lên nhiều người Việt, trước tình trạng sản xuất, kinh doanh thuốc và thực phẩm chức năng giả tràn lan, với các vụ vi phạm quy mô lớn được phát hiện ở nhiều địa phương. Trong cuộc họp mới đây, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nhìn nhận: "Nếu không kịp chấn chỉnh, người dân rất hoang mang, ra đường không biết mặt hàng nào được phép lưu hành, mặt hàng nào là hàng giả, hàng nhái".

Đại diện hệ thống nhà thuốc FPT Long Châu - một trong những đơn vị hàng đầu kinh doanh thuốc kê đơn, cho biết gần đây, khách hàng quan tâm hơn về cách tra cứu thông tin, nguồn gốc sản phẩm, giấy phép lưu hành, tiêu chuẩn chất lượng và xuất xứ hàng hóa... "Điều này cho thấy người tiêu dùng ngày càng cẩn trọng và khắt khe hơn khi mua thuốc, thực phẩm chức năng", đại diện nhận định.

Chung quan điểm, bác sĩ Ngô Quang Hải, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Kỹ thuật cao Châm cứu Việt, Bệnh viện Châm cứu Trung ương, người từng điều trị cho nhiều bệnh nhân mắc biến chứng do dùng thuốc giả, chia sẻ: "Nhiều người quá ám ảnh nên không dám uống thuốc, dẫn đến trì hoãn điều trị".

Vì vậy, bác sĩ Hải thường phải tư vấn cho bệnh nhân cách kiểm tra mã QR, tem chống giả hoặc hướng dẫn mua thuốc ở các cơ sở uy tín, dù đây không phải chuyên môn chính của mình.

Hàng chục nhãn hiệu thuốc bị làm giả tinh vi. Ảnh: Lam Sơn

Thuốc giả là vấn nạn của cả thế giới. Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy khoảng 11% thuốc tại các quốc gia đang phát triển là giả hoặc kém chất lượng. Hãng Pfizer nhấn mạnh không quốc gia hay sản phẩm nào miễn nhiễm với mối đe dọa từ thuốc giả. Tổ chức Hải quan Thế giới ước tính giá trị của thuốc giả lên đến 200 tỷ USD mỗi năm. Tuy vậy, tỷ lệ thuốc giả ở Việt Nam, theo công bố, là rất thấp, luôn dưới 0,1% kể từ năm 2012. Song, TS Phạm Khánh Phong Lan, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội Dược học TP HCM cho rằng điều này chưa phản ánh thực chất thị trường.

Việc lấy mẫu để kiểm nghiệm còn quá nhỏ so với quy mô thị trường dược phẩm (chỉ khoảng 38.000-40.000 mẫu/năm trên tổng trị giá hơn 7 tỷ USD), đối tượng lấy mẫu thiếu tính đại diện, năng lực hệ thống kiểm nghiệm còn yếu, đầu tư dàn trải và thiếu hiệu quả. Do đó, tỷ lệ thuốc giả phát hiện được rất thấp không đồng nghĩa với việc kiểm soát tốt, mà có thể việc phát hiện, giám sát còn hạn chế.

Mặt khác, hệ thống phân phối, bán buôn và bán lẻ thuốc ở Việt Nam quá lớn, gây khó khăn cho kiểm soát: trên 5.000 công ty bán buôn và 67.000 nhà thuốc, khiến việc hậu kiểm, thanh tra thiếu hiệu quả. Quy định phân phối còn nhiều kẽ hở, thanh tra thiếu nhân lực và quyền hạn, nhiều nhà thuốc vì lợi nhuận sẵn sàng bán không cần đơn, thậm chí bán online làm tăng nguy cơ trà trộn thuốc giả.

Tương tự, ông Nguyễn Quang Huy, Phó chi cục trưởng Quản lý thị trường TP HCM, nhìn nhận trong việc tuồn thuốc, thực phẩm chức năng giả ra thị trường, "thủ đoạn mới và đặc biệt nguy hiểm là trộn thuốc thật với thuốc giả". Cách làm này nhằm xây dựng lòng tin ban đầu nơi người tiêu dùng, đánh lừa cơ quan chức năng trong quá trình kiểm tra ngẫu nhiên, khiến việc phát hiện vi phạm trở nên khó khăn hơn.

Ngoài ra, ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, đánh giá khung pháp lý đã có nhưng chế tài xử phạt còn quá nhẹ so với hậu quả gây ra. Theo quy định, chỉ những vụ buôn bán hàng giả trị giá từ 30 triệu đồng trở lên mới bị xử lý hình sự. Các vụ nhỏ lẻ thường chỉ bị xử phạt hành chính với mức tiền không lớn do giá trị hàng hóa thấp.

Ông lấy ví dụ, cơ sở kinh doanh thuốc Clorocid TW 3 giả, giá trị lọ thuốc chỉ khoảng 30.000 đồng. Nếu cơ sở chỉ có 2-3 lọ thuốc bày bán, khi bị phát hiện, chỉ nhận xử phạt với mức từ 2 đến 6 triệu đồng, hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu hàng hóa vi phạm. Trường hợp hàng hóa không rõ nguồn gốc dưới 1 triệu đồng, mức phạt thậm chí chỉ từ 600.000 đến 1 triệu đồng, chủ yếu là cảnh cáo hoặc buộc tiêu hủy. Điều này chưa tương xứng, khi thuốc chữa bệnh là loại hàng hóa đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng.

Số thực phẩm chức năng giả bị thu giữ. Ảnh: Ngọc Bích

Chuyên gia cảnh báo thuốc giả ngày càng tinh vi, đôi khi bác sĩ cũng khó phát hiện bằng mắt thường. Tình trạng này khiến người bệnh mất niềm tin, ngại dùng thuốc, trì hoãn điều trị, dẫn đến biến chứng, tăng chi phí, tạo gánh nặng cho y tế, thậm chí tử vong.

Đơn cử, bác sĩ Đoàn Dư Mạnh cảnh báo thuốc giả có thể che giấu triệu chứng thực, khiến bệnh nặng thêm mà không được phát hiện. Nhiều loại sản xuất thủ công, pha trộn từ thảo mộc không rõ nguồn gốc, bột màu, kim loại nặng, nếu tích tụ sẽ gây độc gan, suy thận, tổn thương thần kinh.

Nhóm thuốc xương khớp giả thường bị trộn corticoid liều cao để tạo tác dụng giảm đau tức thời, nhưng lại gây biến chứng nguy hiểm như suy tuyến thượng thận, tăng huyết áp, tiểu đường, suy tim.

Clorocid và tetracyclin – hai kháng sinh phổ biến – nếu dùng phải loại giả sẽ khiến nhiễm khuẩn không được kiểm soát, có thể dẫn đến nhiễm khuẩn huyết, nguy cơ tử vong.

Trước bối cảnh trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo lập tổ công tác đặc biệt và mở đợt cao điểm truy quét buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, không rõ xuất xứ, từ 15/5 đến 15/6.

Bộ Y tế cho biết sẽ tiếp tục siết chặt các khâu từ nhập khẩu, sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng; yêu cầu các địa phương tăng cường hậu kiểm, kiểm tra đột xuất thay cho kiểm tra định kỳ; nâng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thực phẩm chức năng và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm để tăng tính răn đe. Bộ Y tế cũng sẽ phân cấp tối đa quyền cho địa phương để ngăn hàng giả, kém chất lượng.

Trong khi đó, hệ thống Long Châu chủ động trong việc minh bạch nguồn gốc sản phẩm thuốc, tích hợp tính năng tra cứu giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm của thực phẩm chức năng trên toàn hệ thống. Khách hàng có thể dễ dàng tìm thấy các thông tin này trên tờ hóa đơn mua hàng, trên website và ứng dụng nhà thuốc.

Về góc độ người dân, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng, gợi ý 5 cách để tránh mua phải thuốc giả, như sau:

- Tìm hiểu tên sản phẩm, đảm bảo không nhầm lẫn giữa thực phẩm chức năng (tác dụng hỗ trợ sức khỏe) và thuốc (tác dụng điều trị bệnh).

- Đọc kỹ nhãn hay bao bì, tìm hiểu thông tin về thành phần, hoạt chất chính, hàm lượng có đủ khuyến nghị hằng ngày cho cơ thể. Tìm hiểu các thành phần phụ bao gồm chất bảo quản, hương liệu, màu thực phẩm, thành phần gây dị ứng hoặc chất độc hại.

- Tìm hiểu liều lượng và hướng dẫn sử dụng theo khuyến cáo, không tự ý tăng liều uống để tránh ngộ độc. Trẻ em, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh nền cần tham vấn bác sĩ nếu muốn dùng thuốc.

- Kiểm tra thông tin về nhà sản xuất, giấy chứng nhận đạt các tiêu chuẩn như GMP, ISO, HACCP, hoặc Bộ Y tế cấp phép. Có thể kiểm tra mã vạch, QR code để xác minh thông tin sản phẩm.

- Kiểm tra hạn sử dụng thuốc.

Thúy Quỳnh

Nguồn VnExpress: https://vnexpress.net/noi-lo-mua-phai-thuoc-gia-4891633.html
Tags: nỗi lo thuốc giả thuốc giả lo mua nhầm thuốc giả

Tin cùng chuyên mục

U dị dạng tĩnh mạch giống nốt ruồi son

U dị dạng tĩnh mạch giống nốt ruồi son

Nốt ruồi son 3 mm xuất hiện ở lưng bé gái 12 tuổi bằng hạt tiêu, một tháng nay đột ngột to lên khoảng 3 cm, bác sĩ chẩn đoán u dị dạng tĩnh mạch.

4 người Mỹ tử vong vì 'vi khuẩn ăn thịt người'

4 người Mỹ tử vong vì 'vi khuẩn ăn thịt người'

4 người ở Florida đã tử vong trong thời gian gần đây do nhiễm vi khuẩn "ăn thịt người", theo giới chức y tế bang.

'Phụ huynh nên giáo dục sức khỏe tình dục cho con từ sớm'

'Phụ huynh nên giáo dục sức khỏe tình dục cho con từ sớm'

Bác sĩ Nguyễn Hiền Minh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho rằng cha mẹ nên chủ động giáo dục sức khỏe tình dục cho trẻ, đặc biệt trong giai đoạn vị thành niên.

Chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức về HPV

Chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức về HPV

Chiến dịch truyền thông toàn quốc "Vì một Việt Nam không gánh nặng bởi HPV" hướng đến cung cấp thông tin khoa học chính xác qua các chương trình giáo dục sức khỏe cộng đồng trên cả nước.

Biến chứng nhiễm trùng phá hỏng van tim nhân tạo của người phụ nữ

Biến chứng nhiễm trùng phá hỏng van tim nhân tạo của người phụ nữ

Bà Liễu, 72 tuổi, bị nhiễm trùng phá hỏng van tim nhân tạo đặt 24 năm trước dẫn đến suy tim giai đoạn cuối, được bác sĩ thay van tim lần hai.

Loại bỏ 'hormone đói' giúp người phụ nữ giảm cân

Loại bỏ 'hormone đói' giúp người phụ nữ giảm cân

Chị Ngân, 28 tuổi, nặng 130 kg, được phẫu thuật thu hẹp dạ dày, loại bỏ phần phình vị - nơi tiết ra hormone gây đói - để giảm cân.

Cách cải thiện triệu chứng chóng mặt, ù tai

Cách cải thiện triệu chứng chóng mặt, ù tai

Theo BS.CK1 Lý Thị Kim Ngân, can thiệp đúng cách, kịp thời kết hợp lối sống lành mạnh, tập luyện hợp lý giúp cải thiện hiệu quả các triệu chứng chóng mặt, ù tai.

Robot phẫu thuật cắt u ung thư bàng quang

Robot phẫu thuật cắt u ung thư bàng quang

Ông Đạt, 76 tuổi, ung thư bàng quang gây tiểu máu ồ ạt, được các bác sĩ dùng robot mổ cấp cứu.

Những thay đổi ở bàn chân cảnh báo bệnh gan

Những thay đổi ở bàn chân cảnh báo bệnh gan

Gan tổn thương, suy giảm chức năng có thể khiến gót chân nứt nẻ, nấm móng hay xuất hiện các chấm đỏ, nâu.

Biến chứng đái tháo đường có thể ập đến rất sớm

Biến chứng đái tháo đường có thể ập đến rất sớm

Anh Duy, 48 tuổi, giảm sút thị lực, tê hai bàn chân sau ba năm bệnh đái tháo đường, bác sĩ chẩn đoán biến chứng võng mạc và tổn thương thần kinh.

Vie Tiếng Việt
Eng English
China 中国人
  • Thời sự
  • Thế giới
  • Kinh doanh
  • Giải trí
  • Thể thao
  • Pháp luật
  • Giáo dục
  • Sức khỏe
  • Đời sống
  • Du lịch
  • Khoa học
  • Số hóa
  • Xe
FPT Tower, 10 Pham Van Bach Street, Dich Vong Ward,
Cau Giay District, Hanoi, Vietnam
Email: contacts@vnportal.net
Tel: 028 7300 9999 - Ext 8556
Advertise with us: 090 293 9644
Register
© Copyright 2025 vn24h.net. All rights reserved.
Điều khoản sử dụng Chính sách bảo mật Cookies