Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng, khuyến cáo như trên, sau khi đường dây sản xuất thuốc giả "hàng xách tay" bị công an Thanh Hóa triệt phá.
"Mang theo bao bì thuốc đến bệnh viện, thông báo cho bác sĩ cụ thể loại thuốc đã uống, liều lượng và thời gian sử dụng sẽ giúp bác sĩ theo dõi điều trị bệnh chính xác", bác sĩ Hoàng nói. Bao bì thuốc cũng giúp bác sĩ xác định nguồn gốc và thành phần thuốc để có hướng xử trí phù hợp.
Người bệnh cũng cần theo dõi sát các biểu hiện bất thường sau uống phải thuốc giả, như đau đầu, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, dị ứng. Ghi lại diễn biến triệu chứng để cung cấp cho bác sĩ. Nên báo với cơ quan chức năng như Sở Y tế, Cục Quản lý Dược hoặc công an địa phương về thuốc giả để kịp thời ngăn chặn mối nguy hiểm cho cộng đồng.
Thuốc chữa bệnh là loại hàng hóa đặc biệt được quản lý nghiêm ngặt do ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người bệnh. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán, sử dụng thuốc phải tuân thủ nguyên tắc, tiêu chuẩn được quy định tại Luật Dược và các văn bản pháp luật liên quan. Hành vi sản xuất, kinh doanh thuốc giả bị nghiêm cấm, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự thấp nhất từ hai năm tù, cao nhất là tử hình.
![]() |
Đọc kỹ nhãn thuốc và thực phẩm chức năng khi dùng để tránh hàng giả. Ảnh: Health |
Bác sĩ hướng dẫn 5 cách để tránh mua phải thuốc giả, như sau:
- Tìm hiểu tên sản phẩm, đảm bảo không nhầm lẫn giữa thực phẩm chức năng (tác dụng hỗ trợ sức khỏe) và thuốc (tác dụng điều trị bệnh).
- Đọc kỹ nhãn hay bao bì sản phẩm, tìm hiểu thông tin về thành phần, hoạt chất chính, hàm lượng có đủ khuyến nghị hằng ngày cho cơ thể. Tìm hiểu các thành phần phụ bao gồm chất bảo quản, hương liệu, màu thực phẩm, thành phần gây dị ứng hoặc chất độc hại.
- Tìm hiểu liều lượng và hướng dẫn sử dụng theo khuyến cáo của nhà sản xuất, ghi trên nhãn hoặc phiếu công bố chất lượng thường kèm trong hộp sản phẩm. Không tự ý tăng liều uống để tránh ngộ độc. Trẻ em, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh nền cần tham vấn bác sĩ nếu muốn dùng thuốc.
- Kiểm tra thông tin về nhà sản xuất, giấy chứng nhận đạt các tiêu chuẩn như GMP, ISO, HACCP, hoặc Bộ Y tế cấp phép. Có thể kiểm tra mã vạch, QR code để xác minh thông tin sản phẩm.
- Kiểm tra hạn sử dụng thuốc, tránh mua sản phẩm gần hết hạn hoặc bao bì bị hỏng.
Thùy An