Hành lý mỗi chuyến đi của nữ nhân viên marketing 24 tuổi luôn có túi sơ cứu gồm băng cá nhân, bông, gạc, dung dịch sát trùng, thuốc giảm đau, chống côn trùng và một số thuốc kháng sinh cơ bản. Lý do là Lương thường tự lái xe máy, phượt tự túc để thoải mái trải nghiệm. Nhiều lần cô bị say nắng, cảm cúm, muỗi và côn trùng đốt để lại sẹo.
"Bạn bè tôi đầu tư trang phục, giày dép, dụng cụ cắm trại. Riêng tôi nghĩ mình sẽ tự tin hơn nhiều khi đã chuẩn bị cho những tình huống bị thương hoặc bị ốm", Lương nói.
Hai tuần trước, Lương tiêm ngừa vaccine sốt xuất huyết trước khi bắt đầu chuyến tham quan Vườn Quốc gia Nam Cát Tiên. Cô dự đoán nơi này sẽ có nhiều muỗi do không gian rừng rậm, cây cối nhiều. Không muốn đam mê của mình ảnh hưởng đến sức khỏe, công việc, vì vậy Lương chọn chủ động phòng bệnh trước.
![]() |
Mỹ Lương trong một chuyến "phượt" Vườn quốc gia Nam Cát Tiên, cách TP HCM gần 200 km. Ảnh: NVCC |
Cùng sở thích với Lương, Thanh Đạt, 25 tuổi ở Cần Thơ, "dành cả thanh xuân" cho những chuyến đi xa trên chiếc motor. Chàng trai thích đến vùng núi, cao nguyên hoặc khu vực có thời tiết lạnh để trải nghiệm văn hóa.
Tuy nhiên, hành trình đi phượt với quãng đường dài với nhiệt độ, độ ẩm thay đổi đột ngột khiến Đạt thường xuyên mỏi mệt, viêm họng, viêm mũi dị ứng. Đạt vài lần mắc cúm, ho, mệt cả tuần, ảnh hưởng chuyến đi.
"Đi phượt một mình nên bệnh tật gì mình cũng phải tự lo, sợ nhất là nửa đêm nửa hôm không có ai kịp thời đưa đi cấp cứu. Tiêm vaccine tôi đỡ lo hơn để yên tâm trải nghiệm chuyến đi", Đạt nói và cho biết vừa tiêm vaccine cúm và não mô cầu.
Đạt và Lương là hai trong số nhiều người trẻ tạo nên xu hướng du lịch tự túc hiện nay. Theo báo cáo của Booking.com và Milieu Insight, xu hướng du lịch hiện nay là tìm kiếm các trải nghiệm phù hợp với nhu cầu cá nhân thay cho các gói tham quan theo tour hoặc nghỉ dưỡng truyền thống. Số liệu từ Google ghi nhận lượng tìm kiếm từ khóa "du lịch tự túc" đã tăng 131% trong giai đoạn 2016-2019.
Bác sĩ Phạm Đình Đông, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết việc nhiều bạn trẻ chủ động chuẩn bị trước các tình huống có thể mắc bệnh khi đi du lịch là một tín hiệu tích cực. Điều này cho thấy nhận thức về sức khỏe đang được nâng cao.
Khi du lịch bụi, đặc biệt đến những vùng hẻo lánh hoặc khí hậu khác biệt với nơi thường sống, cơ thể phải thích ứng nhanh với môi trường mới. Điều này có thể gây ra các vấn đề sức khỏe như cảm lạnh, sốt, say nắng, mất nước hoặc tiêu chảy do thay đổi nguồn nước và thực phẩm.
Người đi du lịch bụi cũng có nguy cơ tiếp xúc với các tác nhân truyền nhiễm từ vi khuẩn, virus, đặc biệt là những bệnh lây qua đường hô hấp như cúm, phế cầu, não mô cầu, sởi... Những bệnh này thường lây lan nhanh qua tiếp xúc gần, ở nơi đông người như bến xe, sân bay, homestay tập thể hoặc trong những chuyến đi ghép nhóm. Một số yếu tố khác có thể ảnh hưởng sức khỏe của du khách như côn trùng, khác biệt về văn hóa và chỉ định thuốc...
![]() |
Người trẻ tiêm vaccine sốt xuất huyết tại Trung tâm tiêm chủng VNVC. Ảnh: Mộc Thảo |
Do đó, để chuyến du lịch diễn ra an toàn và trọn vẹn, bác sĩ Đông lưu ý du khách nên chuẩn bị kỹ lưỡng cho sức khỏe trước khi lên đường. Mọi người cần đảm bảo thể lực tốt bằng cách nghỉ ngơi hợp lý, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, hạn chế thức khuya và tập luyện nhẹ nhàng để tăng sức đề kháng.
Khi đến nơi lạ, mọi người nên chọn thực phẩm sạch, nấu chín, hạn chế ăn đồ sống ở những nơi chưa rõ vệ sinh. Chú ý giữ vệ sinh tay, tránh tiếp xúc quá gần với người đang ho, sốt và nên đeo khẩu trang khi ở nơi đông người. Du khách cũng nên mang theo một túi thuốc cá nhân gồm thuốc hạ sốt, tiêu chảy, sát trùng, băng gạc cùng các vật dụng sơ cứu cơ bản.
Bác sĩ Đông khuyến cáo du khách nên chủ động tiêm các loại vaccine phòng bệnh cần thiết trước chuyến đi như sốt xuất huyết, cúm mùa, não mô cầu, sởi - quai bị - rubella, thủy đậu. Việc tiêm phòng nên thực hiện sớm ít nhất 2-4 tuần trước ngày khởi hành để cơ thể có thời gian tạo miễn dịch, đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu.
Bình Nguyên