Tăng huyết áp
Tiền sản giật là tình trạng tăng huyết áp thai kỳ từ sau tuần thai 20. Thai phụ có huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên và/hoặc huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên, có thể kèm protein trong nước tiểu do thận bị tổn thương có thể được chẩn đoán tiền sản giật.
BS.CKII Lê Thanh Hùng, Phó khoa Sản, Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết tiền sản giật có thể có dấu hiệu nặng và không/chưa có dấu hiệu nặng, thường xảy ra trước khi lên cơn sản giật. Tùy vào mức độ nặng của bệnh và thời điểm xuất hiện sẽ có tiên lượng bệnh khác nhau.
Cơn sản giật xảy ra trước sinh, trong khi sinh, sau sinh gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Trong đó, nguy hiểm nhất là xuất huyết não khiến thai phụ hoặc sản phụ hôn mê sâu, đột quỵ. Tiền sản giật dẫn tới rối loạn đông máu, sinh non, thai chậm tăng trưởng trong tử cung, thậm chí tử vong.
Tiểu đường thai kỳ
Khi mang thai, phụ nữ dễ bị rối loạn đường huyết, bác sĩ thường chỉ định xét nghiệm đường huyết để sàng lọc nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ. Lượng đường trong máu cao xung quanh thời điểm mang thai làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh, thai chết lưu, sinh non. Trẻ thường phải sinh mổ do nặng cân hơn mức bình thường, tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường ở trẻ nhỏ, khi sinh hay mổ lấy thai bị sang chấn do thai quá to.
Thai phụ cần tuân thủ chế độ ăn uống, kiểm soát cân nặng tốt, giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ. Nếu được chẩn đoán tiểu đường thai kỳ, thai phụ cần đến bác sĩ khám để theo dõi sức khỏe của bản thân và thai nhi.
![]() |
Bác sĩ Hùng khám cho một thai phụ. Ảnh minh họa: Tuệ Diễm |
Nhiễm trùng tiết niệu
Khi mang thai, sức đề kháng của phụ nữ yếu hơn, bên cạnh đó sức ép của tử cung lên bàng quang làm cho lượng nước tiểu trong bàng quang khó xuất hết. Lượng nước tiểu còn sót lại chính là nguồn lây nhiễm khi trào ngược từ bàng quang lên niệu đạo, tạo môi trường để vi khuẩn phát triển. Hormone thai kỳ làm giãn trương lực cơ niệu quản khiến dòng chảy của nước tiểu chậm hơn so với bình thường, thời gian đi qua đường tiết niệu nhiều hơn. Điều này tạo điều kiện cho vi khuẩn có thời gian để sinh sôi, gây ra bệnh về đường tiết niệu như nhiễm khuẩn tiết niệu, viêm bàng quang, viêm thận, bể thận...
Thiếu máu
Phụ nữ mang thai cần cung cấp sắt nhiều hơn cho thai nhi, vì thế dễ thiếu máu, thiếu sắt. Thiếu máu thường xảy ra ở ba tháng giữa thai kỳ. Theo bác sĩ Thanh Hùng, giai đoạn đầu thiếu máu mẹ bầu thường khó nhận biết hoặc có các dấu hiệu không rõ rệt như mệt mỏi, yếu, nhức đầu dễ nhầm lẫn với ốm nghén. Một số thai phụ bị niêm mạc nhợt, nếu thiếu máu trầm trọng khiến nhịp tim nhanh hoặc tụt huyết áp. Nếu không khám thai không phát hiện bệnh kịp thời gây nguy cơ sinh non, cân nặng thai nhi thấp, dễ nhiễm trùng sau sinh.
Tăng cân, béo phì
Phụ nữ thừa cân, béo phì trước mang thai có nguy cơ mắc phải các biến chứng như tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật, lưu và sảy thai, sinh mổ. Nhóm thai phụ này phải khám thai thường xuyên, hồi phục lâu, dễ nhiễm trùng sau sinh. Trung bình mỗi thai phụ tăng khoảng 8-12 kg trong thai kỳ, nhóm thừa cân, béo phì có thể tăng tới 20-25 kg. Điều này khiến chị em gặp khó khăn khi vận động, tăng nguy cơ ngã.
Để phòng các bệnh hay gặp trong thai kỳ, bác sĩ Hùng lưu ý thai phụ nên tuân thủ khám thai đầy đủ, quản lý thai kỳ tốt. Trước mang thai nên điều trị bệnh nền ổn định, giữ cân nặng phù hợp. Phụ nữ mang thai cần sàng lọc bệnh như thiếu máu di truyền, thiếu máu thai kỳ, tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ.
Tuệ Diễm
Độc giả gửi câu hỏi về mang thai sinh con tại đây để bác sĩ giải đáp |