![]() |
Thành lập năm 1862, Nhi đồng 2 một trong số ít bệnh viện lâu đời ở Việt Nam (sau Chợ Quán, nay là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, xây dựng trước đó một năm).
Công trình do Pháp xây dựng khi mới chiếm Nam Kỳ, ban đầu mang tên Bệnh viện Quân sự (Hôpital Militaire), nằm ở ngã tư đường Nationale (nay là Hai Bà Trưng) và đại lộ Norodom (Lê Duẩn). Cơ sở này vào cuối thập niên 1870 chuyển về số 14 rue Lagrandière, nay là đường Lý Tự Trọng.
Năm 1876, nơi này được xây dựng lại theo mô hình kiến trúc như bệnh viện quân y ở các nước thuộc địa của Pháp với các tòa nhà cổ kính giữa khu vườn rộng lớn, nhiều cây xanh, nhằm hỗ trợ lưu thông không khí và kiểm soát dịch bệnh - đặc trưng của kiến trúc y tế châu Âu thế kỷ 19. Ảnh: Thư viện quốc gia Pháp
![]() |
![]() |
Cổng chính bệnh viện ngày nay trên đường Lý Tự Trọng, vẫn giữ nguyên kiến trúc thời Pháp so với ảnh chụp cuối thế kỷ 19.
Chức năng chính của bệnh viện khi ấy là phục vụ lực lượng thủy quân lục chiến. Tuy nhiên, ngay từ đầu nơi này điều trị luôn cho công chức thuộc địa cũng như binh sĩ Pháp và Việt. Bệnh viện được điều hành bởi các bác sĩ quân đội Pháp, với sự hỗ trợ điều dưỡng của các nữ tu dòng Saint - Paul de Chartres.
![]() |
![]() |
So với ảnh chụp thập niên 1920, dãy nhà chính của bệnh viện cao hơn một tầng nhưng không thay đổi nhiều về kiến trúc.
Tại bệnh viện, nhà bác học Albert Calmette lập phòng xét nghiệm, nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm, sản xuất vaccine, đặt nền móng xây dựng Viện Pasteur đầu tiên ngoài nước Pháp vào năm 1891.
Từ năm 1905, nơi này dưới sự điều hành của bác sĩ Charles Grall đã mở cửa chữa trị cho mọi thành phần, quân sự cũng như dân sự kể cả dân bản xứ. Năm 1925, nơi này mang tên Bệnh viện Grall để vinh danh vị bác sĩ có đóng góp lớn trong phát triển y học Đông Dương.
Năm 1978, công trình đổi tên thành Bệnh viện Nhi đồng 2, là một trong những cơ sở tuyến cuối về nhi khoa của TP HCM và khu vực phía Nam
![]() |
![]() |
Hành lang rộng, không khác nhiều so với ảnh năm 1947. Lan can cùng các vòm bằng sắt được thiết kế để tận dụng ánh sáng và thông khí tự nhiên, rất phù hợp với khí hậu nhiệt đới.
Theo lãnh đạo bệnh viện, công trình đã trải qua nhiều lần sửa chữa, cải tạo bên trong nhưng vẫn giữ được đường nét kiến trúc ban đầu mang đậm dấu ấn Pháp.
![]() |
![]() |
Cấu trúc các tòa nhà trong khuôn viên với mái ngói đỏ, hành lang rộng chạy quanh. Các khung kết cấu đều là sườn sắt tiền chế đem ráp lại trên nền bằng đá đặc trưng của phong cách Đông Dương cuối thế kỷ 19. Vật liệu xây dựng được mang từ Pháp. |
![]() |
Sảnh của dãy nhà chính trông bệnh viện rộng rãi, thoáng mát với tường dày, trần cao giúp thông gió tốt. |
![]() |
Cầu thang lên các tầng trên vẫn giữ nét kiến trúc Pháp đặc trưng. |
![]() |
![]() |
Từ hành lang nhìn ra bên ngoài là khuôn viên rợp bóng cây sao, me, xà cừ… cổ thụ. Những hàng cây này vẫn phát triển xanh tốt đến ngày nay. |
![]() |
![]() |
Nổi bật là hàng me cổ thụ với gần 100 cây trong khuôn viên bệnh viên. Mỗi cây cách nhau 3 mét, cành lá xum xuê rợp bóng mát, nhiều gốc to tới mức phải vài người ôm mới xuể. Cây xanh quanh năm được cắt tỉa gọn gàng để tránh ngã đổ. |
![]() |
![]() |
Nhà nguyện được xây dựng trong giai đoạn bệnh viện còn mang tên Hôpital Grall, phục vụ nhu cầu tâm linh của nhân viên y tế và bệnh nhân thời Pháp thuộc. Công trình lợp ngói đỏ, tường xây gạch dày, phần mái có thập tự điển hình.
Trước cổng nhà nguyện hiện có đặt tượng Lòng thương xót Chúa, tượng Đức Mẹ để người nhà bệnh nhi có nơi cầu nguyện hoặc tìm sự bình an.
![]() |
![]() |
Cạnh nhà nguyện có một tấm bia dựng năm 1963 để tưởng nhớ hai nhà khoa học Calmette và Yersin. Họ là những người sáng lập Viện Pasteur ở Việt Nam, nơi khởi nguồn hoạt động tại Bệnh viện Quân y. |
![]() |
Đội ngũ y bác sĩ bệnh viện đã đạt nhiều thành tựu trong ghép tạng trẻ em, phẫu thuật các bệnh lý thần kinh, chấn thương sọ não... Hiện nay, đây là trung tâm ghép tạng nhi khoa đầu tiên và duy nhất phía Nam. Nơi này còn là trung tâm đào tạo thực hành cho các trường đại học y khoa, tiếp nhận sinh viên quốc tế đến học tập, có nhiều chương trình hợp tác quốc tế.
Năm 2016, bệnh viện trở thành cơ sở y tế đầu tiên được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố. Khuôn viên từ vị trí nhà nguyện, phòng ban giám đốc, dãy nhà B 12-13-14 ra đến khu vực đường Lý Tự Trọng được khoanh vùng bảo tồn về cảnh quan, đường đi, cây xanh.
![]() |
Toàn cảnh bệnh viện Nhi đồng 2 tọa lạc trên khu đất cao với diện tích 8,6 ha, giáp 4 mặt tiền đường Lý Tự Trọng, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Du và Hai Bà Trưng. Đây là một trong số ít bệnh viện còn nguyên vẹn kiến trúc Pháp giữa trung tâm TP HCM. |
Quỳnh Trần - Lê Phương