Nhịp sinh học
Một số yếu tố chính trong chu kỳ ngủ - thức 24 giờ (nhịp sinh học) có thể gây ra những thay đổi cho làn da vào ban đêm. Tình trạng này thường xảy ra ở người mắc bệnh ngoài da như vảy nến, mề đay, dẫn đến ngứa da có phát ban hoặc không.
Nhiệt độ cơ thể: Vào ban đêm, cơ thể mát hơn để do sự điều chỉnh của vùng não kiểm soát thân nhiệt. Sự thay đổi này xảy ra trong giai đoạn chuyển động mắt không nhanh (NREM) của giấc ngủ, ngay khi bạn bắt đầu lim dim. Khi da giải phóng nhiệt có thể làm tăng cảm giác ngứa.
Mức hormone: Hormone gây căng thẳng cortisol tuân theo nhịp sinh học của cơ thể. Khi nồng độ cortisol thấp nhất vào buổi tối và nửa đêm, cơ thể ít có khả năng giảm viêm và ngăn cản cảm giác ngứa hơn.
Cytokine: Cytokine là protein đóng vai trò trong hệ thống miễn dịch. Người bị viêm da dị ứng (bệnh chàm) có thể tăng một số cytokine nhất định vào ban đêm dẫn đến ngứa da.
Thiếu vitamin D
Vitamin D được cho là có vai trò hạn chế tình trạng viêm và phản ứng cytokine. Một số nghiên cứu cho thấy điều trị bằng vitamin D có thể giúp kiểm soát tình trạng ngứa. Chất lượng giấc ngủ được cải thiện và tình trạng ngứa giảm ở trẻ mắc bệnh chàm khi cung cấp axit béo omega-3 với vitamin D.
Căng thẳng
Một nghiên cứu năm 2024 xem xét 3.390 người ở 17 quốc gia châu Âu cho thấy những người mắc các tình trạng sức khỏe tâm thần bị ngứa dữ dội hơn người không mắc bệnh. Hơn nữa vào ban đêm, mọi người ít bị phân tâm bởi những vấn đề khác nên có thể cảm nhận ngứa rõ hơn ban ngày.
Dị ứng
Phản ứng dị ứng với thực phẩm, thuốc hoặc tiếp xúc với môi trường có thể dẫn đến các triệu chứng như phồng rộp, phát ban hoặc nổi mề đay.
![]() |
Da mất nước, cơ thể mát hơn vào ban đêm có thể gây ngứa. Ảnh: Ngọc Phạm |
Côn trùng
Rệp giường và ghẻ hoạt động vào ban đêm, gây ngứa da. Giun kim là loại giun tròn nhỏ, không gây ngứa toàn thân, nhưng có thể gây ngứa dữ dội quanh hậu môn thường là vào ban đêm.
Thay đổi nội tiết tố
Thời kỳ mãn kinh, tuyến bã nhờn sản xuất ít dầu hơn có thể làm tăng tình trạng mất nước của da và gây khô ngứa. Những thay đổi đối với hệ vi sinh vật trên da trong thời kỳ này cũng có thể dẫn đến ngứa da. Ngứa quá mức còn xảy ra mang thai, được cho là do hormone gây ra hoặc do thai lớn hơn khiến da quanh bụng căng hơn.
Viêm da
Ngứa khắp người vào ban đêm có thể là triệu chứng của các loại rối loạn da liễu phổ biến như viêm da dị ứng, vảy nến. Lichen phẳng là một bệnh thường xảy ra bên trong miệng nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến móng tay và gây phát ban, ngứa trên da.
Các bệnh lý khác
Nhiều bệnh lý liên quan đến ngứa toàn thân, trong đó có những bệnh nghiêm trọng cần điều trị như tiểu đường, bệnh gan, bệnh thận mạn, các rối loạn máu, u lympho Hodgkin, các rối loạn tự miễn như lupus, bệnh cường giáp, HIV... Ung thư như ung thư gan, tuyến tụy và phương pháp xạ trị cũng có thể là nguyên nhân gây ngứa da vào buổi tối.
Thuốc
Các phương pháp điều trị ung thư khác như hóa trị và liệu pháp miễn dịch thường dẫn đến ngứa da. Thuốc kháng sinh cũng có khả năng gây tác dụng phụ tương tự.
Để làm dịu tình trạng ngứa về đêm và ngủ ngon hơn, người bệnh có thể chườm lạnh vào vùng da bị ngứa, thoa kem dưỡng ẩm giúp giữ cho da đủ nước. Tắm nước ấm trước khi đi ngủ để thư giãn cơ thể và tâm trí. Thêm yến mạch vào nước tắm làm dịu da bị chàm. Thuốc kháng histamine hoặc thuốc thoa không kê đơn có thể giảm ngứa.
Tránh các loại vải quần áo gây kích ứng hoặc bó sát. Tránh xa nhiệt độ và độ ẩm cao. Tập yoga hoặc thiền có thể giảm căng thẳng, giúp buồn ngủ. Người bệnh khám ngay nếu ngứa da kèm đau ngực, khó thở hoặc sưng quanh đường thở vì đây có thể là phản ứng dị ứng nguy hiểm.
Anh Ngọc (Theo Verywell Health)
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh da liễu tại đây để bác sĩ giải đáp |