Chuyên viên dinh dưỡng Trần Phạm Thúy Hòa, khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết nhiều người không hút thuốc, không có bệnh nền, nhưng vẫn thường xuyên bị cảm cúm, ho kéo dài, viêm họng tái lại. Nguyên nhân chính thường do hệ miễn dịch hoạt động kém hiệu quả. Phần lớn khả năng miễn dịch được xây dựng từ những yếu tố như giấc ngủ đủ, vận động hợp lý, chế độ dinh dưỡng đầy đủ.
Đường hô hấp là nơi đầu tiên tiếp xúc với không khí ô nhiễm, virus, vi khuẩn mỗi ngày. Thiếu chất dinh dưỡng khiến cơ thể không đủ khả năng miễn dịch trước các tác nhân gây bệnh, dễ gây bệnh tại đường hô hấp với biểu hiện ho, tiết đờm, sổ mũi...
Vitamin C
Vitamin C là chất chống oxy hóa mạnh mẽ, bảo vệ cơ thể khỏi tổn thương do các gốc tự do và chất ô nhiễm gây hại cho hệ hô hấp. Bổ sung vitamin C giúp tăng cường hoạt động của bạch cầu từ đó nâng cao khả năng cơ thể chống lại virus, vi khuẩn gây bệnh hô hấp. Vitamin C cũng có tác dụng giảm viêm, duy trì tính toàn vẹn của biểu mô niêm mạc đường hô hấp, thúc đẩy quá trình phục hồi, ngăn ngừa và điều trị cả nhiễm trùng đường hô hấp.
Cơ thể không thể tự tổng hợp vitamin C, do đó cần bổ sung vitamin này thông qua chế độ dinh dưỡng. Nguồn vitamin C tự nhiên dồi dào gồm cam, chanh, ổi, dứa, bưởi, súp lơ xanh, ớt chuông... Mỗi người nên ăn tươi sống hoặc chế biến nhanh (luộc, hấp), tránh đun nấu lâu vì nhiệt dễ phá hủy vitamin.
Vitamin D
Vitamin D hỗ trợ hấp thu canxi, bảo vệ xương, tăng miễn dịch, giảm nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp cấp tính như viêm phế quản, viêm phổi, hen suyễn... Loại vitamin này còn điều hòa phản ứng viêm trong phổi, bảo vệ mô phổi trước các tác nhân gây hại từ môi trường. Vitamin D cũng làm giảm nguy cơ mắc các bệnh lý hô hấp mạn tính như COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính), hen phế quản...
Vitamin D chủ yếu được tổng hợp khi da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Làm việc trong nhà, dùng kem chống nắng liên tục, ít ra ngoài trời gây thiếu hụt loại vitamin này. Bổ sung cá béo (cá hồi, cá thu...), trứng, gan, nấm, sữa... nhằm tăng cường vitamin D. Dành khoảng 15-20 phút mỗi ngày để phơi nắng vào buổi sáng, giúp da tự tổng hợp vitamin D tự nhiên, hiệu quả.
Vitamin A
Vitamin A duy trì sức khỏe hệ hô hấp thông qua việc bảo vệ và tái tạo biểu mô niêm mạc đường hô hấp. Khi cơ thể đủ vitamin A, lớp niêm mạc này hoạt động hiệu quả, ngăn ngừa sự xâm nhập của vi khuẩn, virus và bụi bẩn. Thiếu vitamin A có thể làm khô và tổn thương biểu mô, khiến đường hô hấp dễ bị viêm nhiễm như viêm phế quản hay viêm phổi. Vitamin A còn hỗ trợ chức năng miễn dịch, hỗ trợ cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh từ môi trường. Người bệnh có những vấn đề về phổi thì nên bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin A.
Vitamin E
Vitamin E bảo vệ phổi khỏi các gốc tự do và tác nhân gây hại từ môi trường bằng cách vô hiệu hóa tác động của nó khi hít vào cơ thể. Bổ sung đầy đủ vitamin E có thể giúp giảm viêm, phục hồi mô phổi, xây dựng lại dung tích phổi, cải thiện chức năng hô hấp, nhất là ở người mắc bệnh phổi mạn tính. Thực phẩm giàu vitamin E bao gồm đậu nành, lúa mì, rau mầm, rau chân vịt...
Vitamin B12
Vitamin B12 tăng cường chức năng hô hấp thông qua hỗ trợ quá trình tạo hồng cầu, bảo vệ hệ thần kinh. Khi thiếu B12, cơ thể dễ bị thiếu máu hồng cầu to, làm giảm khả năng vận chuyển oxy, dẫn đến khó thở, mệt mỏi nhất là khi hoạt động hay vận động mạnh. Vitamin B12 còn duy trì hoạt động của dây thần kinh điều khiển cơ hô hấp như cơ hoành.Thiếu hụt vitamin B12 kéo dài có thể gây tổn thương thần kinh, ảnh hưởng đến nhịp thở, tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp.
Kẽm
Kẽm chỉ chiếm một lượng nhỏ trong cơ thể, nhưng quan trọng với hệ miễn dịch. Chúng giúp sản sinh, kích hoạt các tế bào miễn dịch, thúc đẩy làm lành mô, giảm viêm. Trong phổi, kẽm có tác dụng chống viêm, chống oxy hóa và kháng virus, ức chế sự di chuyển của tế bào ung thư, điều hòa quá trình chuyển hóa lipid và tế bào miễn dịch. Bổ sung kẽm có tác dụng cải thiện hệ miễn dịch, giảm nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp.
Thiếu kẽm khiến cơ thể dễ nhiễm trùng, cảm cúm lâu khỏi, vết thương lâu lành. Trẻ em thiếu kẽm hay mắc bệnh đường hô hấp, người lớn dễ mắc bệnh phổi và biến chứng do cảm cúm. Nguồn bổ sung kẽm gồm hàu, hải sản có vỏ, thịt bò, hạt bí, đậu xanh, ngũ cốc nguyên cám...
Khuê Lâm
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |