Bác sĩ Phạm Văn Phú, Quản lý Y khoa, Hệ thống Tiêm chủng VNVC, cho biết các bệnh nhân chạy thận nhân tạo có chức năng miễn dịch suy giảm, nguy cơ mắc nhiều bệnh truyền nhiễm và biến chứng nặng, tử vong. Bác sĩ Phú nêu các bệnh người chạy thận nhân tạo cần ưu tiên phòng ngừa như sau:
Viêm gan B
Theo nghiên cứu đăng tải trên Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ năm 2017, tỷ lệ nhiễm ở bệnh nhân lọc máu dao động từ 0-7% ở các quốc gia có tỷ lệ mắc viêm gan B thấp, khoảng 10-20% ở vùng lưu hành dịch viêm gan B. Một khảo sát tại Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM) giai đoạn từ tháng 6/2006 đến tháng 1/2018 cho thấy, mỗi năm có 3-10 bệnh nhân chạy thận định kỳ mắc viêm gan B, bao gồm cả bệnh nhân cũ và mắc mới.
Người bệnh lọc máu định kỳ nhiễm viêm gan B có nguy cơ cao bị bệnh gan tiến triển, làm tăng men gan, xơ gan. Bệnh nếu không được điều trị có thể dẫn đến suy gan, ung thư gan và tử vong
Hiện Việt Nam có nhiều loại vaccine giúp phòng ngừa viêm gan B hoặc phối hợp phòng viêm gan A và B trong một mũi tiêm, phù hợp với người lớn. Trước khi tiêm, người lớn cần xét nghiệm máu, không chủng ngừa nếu đã nhiễm viêm gan.
![]() |
Bệnh nhân chạy thận định kỳ tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh: BVCC |
Cúm và phế cầu
Hệ miễn dịch suy yếu khiến người bệnh suy thận mạn dễ bị virus, vi khuẩn tấn công như cúm, phế cầu khuẩn. Nguy cơ tử vong do viêm phổi ở bệnh nhân chạy thận cao gấp 14-16 lần người bình thường.
Phế cầu khuẩn là nguyên nhân gây viêm phổi phổ biến nhất, còn cúm làm tăng viêm phổi cao gấp 3-4 lần ở bệnh nhân chạy thận so với người khỏe mạnh. Hai tác nhân cúm và phế cầu có thể gây ra biến chứng như nhiễm trùng máu, viêm cơ tim, viêm màng não... Vì vậy, người bệnh chạy thận nên tiêm cả hai loại vaccine này để phòng ngừa.
Có 4 loại vaccine cúm đang lưu hành tại Việt Nam, trong đó, loại của Pháp, Hà Lan và Hàn Quốc tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn, loại của Việt Nam tiêm cho người 18-60 tuổi. Trẻ dưới 9 tuổi nếu chưa chủng ngừa cần tiêm hai mũi cơ bản, cách nhau tối thiểu một tháng, sau đó tiêm nhắc một mũi hằng năm. Người lớn tiêm một mũi và tiêm nhắc một mũi hằng năm.
Vaccine phế cầu gồm 5 loại: phế cầu 10 tiêm cho trẻ từ 6 tuần tuổi đến dưới 6 tuổi, phế cầu 13 và phế cầu 15 tiêm cho trẻ từ 6 tuần và người lớn, phế cầu 20 tiêm cho người từ 18 tuổi và phế cầu 23 tiêm cho trẻ từ 2 tuổi và người lớn. Tùy vào độ tuổi, tình trạng sức khỏe và lịch sử tiêm chủng, bác sĩ sẽ tư vấn lịch tiêm phù hợp.
Uốn ván
Bào tử uốn ván có ở mọi nơi trong tự nhiên, xâm nhập vào cơ thể thông qua vết thương dù rất nhỏ, sau đó tiết ra độc tố tấn công hệ thần kinh trung ương. Người mắc uốn ván có triệu chứng là cứng cơ, co thắt cơ dẫn đến suy hô hấp, rối loạn thần kinh thực vật... Người bệnh chạy thận thường xuyên cần cắm kim truyền dịch nên có thể tạo điều kiện cho mầm bệnh uốn ván xâm nhập.
Vaccine uốn ván sau khi tiêm đủ số mũi cơ bản cần tiêm nhắc sau mỗi 10 năm hoặc khi có vết thương lớn, nhiễm bẩn. Người chưa rõ lịch sử tiêm chủng cần tiêm ba mũi có thành phần uốn ván trong vòng 7 tháng.
![]() |
Khách tiêm vaccine cúm tại Trung tâm tiêm chủng VNVC. Ảnh: Khánh Hòa |
Zona thần kinh
Sau khi một người mắc thủy đậu, virus Varicella Zoster sẽ nằm yên trong rễ hạch thần kinh và tái kích hoạt gây ra bệnh zona thần kinh khi gặp điều kiện thuận lợi. Người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối với hệ miễn dịch suy giảm nên có nguy cơ mắc zona thần kinh cao hơn.
Nghiên cứu tại Đài Loan năm 2012, dựa trên dữ liệu của 843 bệnh nhân chạy thận nhân tạo và hơn 3.372 bệnh nhân không chạy thận cho thấy, tỷ lệ mắc zona thần kinh ở nhóm chạy thận là 73,34/1.000 người mỗi năm trong khi người không chạy thận là 31,03/1000 người.
Hiện Việt Nam đang có vaccine zona thần kinh, chỉ định cho người từ 50 tuổi trở lên và người từ 18 tuổi có nguy cơ cao mắc bệnh do suy giảm hệ miễn dịch hoặc dùng thuốc ức chế miễn dịch. Liều tiêm gồm hai mũi, cách nhau một hoặc hai tháng.
Khi đi tiêm ngừa, người bệnh chạy thận nên chuẩn bị hồ sơ sức khỏe để bác sĩ căn cứ chỉ định tiêm phù hợp. Một số vaccine có thể tiêm gộp cùng lúc giúp tiết kiệm công sức, thời gian đi lại, người bệnh thận nên sắp xếp thời gian tiêm ngừa sớm.
Hoàng Dương