Bác sĩ Trần Huỳnh Tấn, Quản lý Y khoa vùng 1 - Hồ Chí Minh, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết quai bị lây qua đường hô hấp, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, phổ biến nhất ở trẻ em 5-15 tuổi chưa tiêm ngừa vaccine. Người bệnh có triệu chứng điển hình sưng đau tuyến nước bọt ở một hoặc hai bên mặt, mệt mỏi, sốt cao. Bệnh hiếm khi gây tử vong nhưng nếu không được điều trị đúng cách, có thể diễn tiến nặng, gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như sau:
![]() |
Cậu bé bị sưng đau một bên mặt do quai bị. Ảnh minh họa: Vecteezy |
Viêm tinh hoàn, vô sinh ở nam giới
Đối với nhiều bệnh nhân nam, quai bị là một nỗi sợ do có thể biến chứng gây viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn. Biến chứng này chiếm tỷ lệ 25-30% ở nam giới mắc bệnh, thường xuất hiện sau khi sưng mang tai 5-10 ngày. Lúc này, tinh hoàn sưng to gấp đôi bình thường, mào tinh dày. Khoảng một nửa trường hợp tinh hoàn teo dần dẫn đến giảm số lượng tinh trùng, giảm sinh tinh. Tình trạng viêm cả hai bên tinh hoàn có thể dẫn đến vô sinh.
Viêm buồng trứng, dị dạng thai nhi
Viêm buồng trứng ở nữ do quai bị chiếm tỷ lệ khoảng 7%. Tình trạng viêm sưng khiến người bệnh đau bụng âm ỉ hoặc đau từng cơn, ra nhiều khí hư màu bất thường và có mùi hôi. Nếu không được điều trị đúng cách, viêm buồng trứng do quai bị có thể tiến triển thành viêm buồng trứng mãn tính, dính buồng trứng, u nang ống dẫn trứng, tắc vòi trứng... ảnh hưởng khả năng sinh sản.
Đối với phụ nữ đang mang thai, biến chứng bệnh quai bị có thể gây sảy thai hoặc dị dạng thai nhi ở ba tháng đầu thai kỳ, gây sinh non hoặc thai lưu ở ba tháng cuối thai kỳ.
Viêm tụy
Đây là biến chứng có thể gặp ở cả bệnh nhân nam và nữ, tỷ lệ khoảng 3-7%. Viêm tụy thường xảy ra vào khoảng ngày thứ 4 đến ngày thứ 10 khi viêm tuyến mang tai đã đỡ. Các biểu hiện thường gặp như đau bụng vùng thượng vị kèm buồn nôn, tiêu chảy và biếng ăn.
Viêm não, viêm màng não
Viêm màng não chiếm khoảng 10-35% ca mắc, thường gặp ở trẻ em. Biến chứng này có thể xảy ra đơn độc hoặc sau khi có viêm tuyến mang tai 3-10 ngày. Biểu hiện của bệnh là sốt cao, đau đầu, nôn, co giật, rối loạn thị giác.
Viêm não do quai bị hiếm gặp hơn. Tình trạng này có thể xuất hiện đơn độc hoặc xảy ra đồng thời khi viêm tuyến mang tai 2 - 3 tuần. Bệnh nhân có những triệu chứng bứt rứt, khó chịu, nhức đầu, co giật, rối loạn tri giác, rối loạn thị giác, đầu to do não úng thủy. Theo CDC Mỹ, viêm não do quai bị có thể dẫn đến tử vong.
Mất thính lực
Người mắc quai bị có nguy cơ mất thính lực tạm thời. Bên cạnh đó, dù rất hiếm gặp nhưng vẫn có những bệnh nhân bị điếc vĩnh viễn ở một hoặc cả hai bên tai.
![]() |
Tiêm vaccine là biện pháp phòng ngừa quai bị hiệu quả. Ảnh: An Hoa |
Cách phòng bệnh
Bệnh quai bị chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, hiện tập trung chăm sóc và cải thiện triệu chứng, hỗ trợ chăm sóc, nâng đỡ người bệnh, đề phòng các biến chứng.
Bệnh nhân bị quai bị nên nghỉ ngơi, uống nhiều nước, giữ vệ sinh vòm họng, ăn thức ăn mềm hoặc lỏng, tránh trái cây có vị chua, vệ sinh môi trường sống...
Để phòng tránh bệnh quai bị hiệu quả, người dân nên chủ động tiêm ngừa vaccine. Việt Nam hiện có nhiều loại vaccine phối hợp ngừa quai bị, sởi và rubella cho trẻ em và người lớn như Priorix (Bỉ) và MMR II (Mỹ). Trong đó, MMR II tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi còn Priorix có thể tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi. Với phụ nữ đang có ý định mang thai nên hoàn tất lịch tiêm trước khi có thai ít nhất 3 tháng.
Ngọc Lan