Chiều 25/7, câu chuyện của gia đình liệt sĩ Lâm được kể lại tại hội nghị sơ kết một năm thu nhận mẫu ADN thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính, do Bộ Công an tổ chức.
Sau một năm triển khai, C06 Bộ Công an cùng các đơn vị đã xác định được danh tính của 16 anh hùng liệt sĩ, đều ở nghĩa trang Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. Chiều nay, đại diện các gia đình đến từ 7 địa phương đã có mặt để nhận "thông báo kết quả giám định ADN hài cốt liệt sĩ" của Cục Người có công, Bộ Nội vụ.
![]() |
Đại diện gia đình các liệt sĩ xác định được danh tính tại buổi giao lưu. Ảnh: Phạm Dự |
Thanh Hóa có 2 hài cốt liệt sĩ xác định được danh tính, tại xã Nga An và Đông Thành. Chiều nay tại hội nghị, ông Trịnh Văn Tuấn, em trai liệt sĩ Trịnh Quang Lâm (sinh năm 1952, trú xã Nga An) lần đầu tiên được nhìn lại các tư liệu hồi sinh thời của anh trai.
Ông Tuấn kể gia đình có một người anh hy sinh năm 1968 nhưng ông Lâm vẫn xung phong đi bộ đội dù không có lệnh "điều động". Sau thời gian huấn luyện, ông Lâm được chuyển vào chiến trường miền Nam, đầu những năm 1970.
Ngày 20/1/1971, gia đình nhận được giấy báo tử của ông Lâm song vẫn nuôi hy vọng. Sau ngày đất nước thống nhất vẫn không thấy con trở về, gia đình "mới dám đối diện sự thật" và bắt đầu công cuộc đi tìm hài cốt.
Nhiều năm trôi qua, gia đình tìm thấy phần mộ mang tên liệt sĩ Trịnh Quang Lâm ở nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Đồng Nai với nhiều phần thông tin cá nhân trùng khớp. Suốt 25 năm qua, gia đình ông Tuấn đều vào Đồng Nai thắp hương cho anh trai.
Nhiều tháng trước, người nhà ông Tuấn được lấy mẫu ADN để đối sánh với ADN của hài cốt liệt sĩ chưa xác định được danh tính ở nghĩa trang Đức Cơ. Cuối cùng cho ra kết quả trùng khớp.
"Vậy là cả gia đình đã nhầm lẫn nhiều năm cho đến khi có kết quả giám định ADN liệt sĩ. Tôi cảm ơn các đơn vị đã giúp đưa hài cốt anh trai trở về với quê nhà Thanh Hóa. Tôi cũng hy vọng hài cốt liệt sĩ tên Lâm ở Đồng Nai sớm tìm về được với gia đình", ông Tuấn chia sẻ.
![]() |
Thông báo kết quả giám định ADN hài cốt liệt sĩ. Ảnh: Phạm Dự |
Cũng tại buổi giao lưu, em gái liệt sĩ Nguyễn Quốc Hội (tỉnh Quảng Bình) kể, trước khi lên đường nhập ngũ vào tháng 1/1971, ông Hội là thầy giáo. Sau thời gian chiến đấu ở chiến trường miền Nam, ông được về thăm nhà một ngày một đêm.
"Ngày lên đường trở lại đơn vị, anh còn dặn cất chiếc xe đạp cẩn thận để khi về có phương tiện đi dạy. Còn mẹ tôi ra vườn hái chuối cho anh ăn trong bữa liên hoan. Đó là bữa cuối cả gia đình được đoàn viên", em gái liệt sĩ Hội kể và cho hay đến tháng 5/1972 nhận được giấy báo tử của anh.
Sau ngày thống nhất 30/4/1975, gia đình vào các tỉnh phía nam để tìm hài cốt ông Hội. Nhiều cách đều được triển khai như đến hàng loạt nghĩa trang liệt sĩ, phát tin trên báo chí song đều "bặt vô âm tín".
"Cả nhà chúng tôi tổ chức nhiều cuộc vào nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang Bà Rịa - Vũng Tàu và hai lần vào nghĩa trang Đức Cơ - nơi có nhiều mộ không xác định danh tính. Nhưng cơ duyên chưa tới. Phải đến khi đề án tìm kiếm bằng ADN được triển khai, gia đình mới vỡ òa khi hài cốt liệt sĩ chú tôi được xác định chính xác đang ở nghĩa trang Đức Cơ", cháu ruột liệt sĩ Hội xúc động nói.
Cùng chung cảm xúc, ông Nguyễn Văn Hải, xã Duyên Hà, tỉnh Hưng Yên, cho hay anh trai là liệt sĩ Nguyễn Văn Yên đã hy sinh ngày 31/8/1971 tại chiến trường miền Nam. Gia đình đã "tìm đủ mọi cách" song vẫn không thành. Nhưng sau 54 năm chờ đợi, bằng các giám định ADN của công an, cuối cùng gia đình ông mới biết được phần mộ để "đón về gia đình hương khói".
Thủ tướng: 'Không để một liệt sĩ nào bị lãng quên'
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói đây là chương trình đầy tính nhân văn, không chỉ thể hiện trách nhiệm với những người đã hy sinh vì Tổ quốc, nhân dân, mà còn cả với người ở lại. "Chúng ta có làm bao nhiêu cũng không đủ so với sự hy sinh của các Anh hùng liệt sĩ".
Trước đại diện 16 gia đình, Thủ tướng kể lại câu chuyện vừa gặp gia đình thân nhân một liệt sĩ ở Nghệ An vào tận An Giang để đón hài cốt người thân. "Các anh ra đi bằng xương bằng thịt, mang theo tuổi trẻ, niềm tin, khát vọng tương lai. Nhưng giờ đây người thân chỉ biết trông mong tìm lại những phần xương cốt còn sót lại của người thân mình", người đứng đầu Chính phủ nói.
Ông cho rằng việc thu thập mẫu ADN để xác định danh tính liệt sĩ nếu không làm nhanh sẽ không kịp nữa bởi "không ai sống mãi để chờ kết quả". Bởi thế phải đạt mục tiêu đưa được thật nhiều liệt sĩ trở về với tên tuổi, quê hương, gia đình. "Không để một liệt sĩ nào bị lãng quên. Không để một gia đình liệt sĩ nào phải mong ngóng trong vô vọng", Thủ tướng chỉ đạo.
![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thứ trưởng Công an Nguyễn Văn Long trao chứng nhận, quà cho các gia đình liệt sĩ. Ảnh: Phạm Dự |
Hiện cơ sở dữ liệu về liệt sĩ và thân nhân vẫn còn thiếu hụt, phân tán, chồng chéo. Việc rà soát thân nhân liệt sĩ còn gặp khó khăn do nhiều thân nhân già yếu hoặc đã mất; việc thu thập hồ sơ, cơ sở dữ liệu thì thâm hụt. Công tác thanh toán chi phí xét nghiệm ADN còn bất cập và năng lực của một số cơ quan còn hạn chế.
Do đó, Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan phải thực hiện theo quy định nhưng không quá cứng nhắc, miễn là làm tiết kiệm, không có động cơ cá nhân để trục lợi. Bộ Tài chính cần hướng dẫn cụ thể để quá trình thanh quyết toán xét nghiệm ADN sớm hoàn thiện, qua đó giám định được nhiều kết quả.
Hiện, cả nước có hơn 330.000 thông tin các liệt sĩ chưa xác định được danh tính. Để xác định danh tính liệt sĩ bằng phương pháp ADN cần thu thập tối thiểu 2 mẫu của thân nhân. Như vậy số mẫu ADN cần thu thập là hơn 660.000. Sau một năm triển khai, các đơn vị đã lấy được hơn 284.000 mẫu của thân nhân liệt sĩ. Tính đến hết ngày 20/7, C06 đã hoàn thành phân tích 11.138 mẫu ADN thân nhân liệt sĩ.
Tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, 128 hài cốt liệt sĩ được quy tập về đây. Sau khi rà soát thông tin và thu nhận mẫu ADN của nhân thân, C06 đã xác định được danh tính của 16 người.