Bà Choi Mal-ja mới 19 tuổi khi bị một người đàn ông tấn công ở thị trấn Gimhae, miền Nam Hàn Quốc vào năm 1964. Hồ sơ tòa án cho thấy đè xuống đất và cưỡng hôn, bà Choi đã thoát ra được bằng cách cắn đứt khoảng 1,5 cm lưỡi của hắn.
Là một trong những phán quyết gây tranh cãi nhất của Hàn Quốc về bạo lực tình dục, kẻ khống chế bà được hủy bỏ cáo buộc cố gắng hiếp dâm và chỉ phải chịu án sáu tháng tù vì hành vi xâm phạm và đe dọa.
Nhưng bà Choi đã bị kết tội Gây thương tích nghiêm trọng và bị tuyên án 10 tháng tù giam.
Tòa án khi đó tuyên bố hành động của bà đã "vượt quá giới hạn hợp lý của quyền tự vệ được pháp luật cho phép".
![]() |
Bà Choi (áo trắng) vui mừng rời tòa hôm 23/7 sau khi được cơ quan công tố xin lỗi và đề nghị tòa tuyên hủy bỏ cáo buộc sai trái với bà 62 năm trước. Ảnh: KBS |
Vụ án của bà Choi lại một lần nữa được chú ý nhiều thập kỷ sau phong trào #MeToo, lan rộng toàn cầu vào năm 2017 và truyền cảm hứng cho bà đi tìm công lý.
Tại Hàn Quốc, các cuộc biểu tình rầm rộ đòi quyền phụ nữ đã dẫn đến những việc đạt được kết quả trong nhiều vấn đề, từ quyền phá thai đến hình phạt nghiêm khắc hơn với tội quay lén, và một bài học cho ngành công nghiệp âm nhạc K-pop quốc tế khi nhiều gương mặt sừng sỏ trong ngành giải trí cũng phải hầu tòa và nhận án tù.
Bà Choi đã nộp đơn xin xét xử lại vào tháng 5/2020 - 56 năm sau vụ việc. Nhưng Tòa án quận Busan và Tòa án cấp cao Busan đều bác đơn với lý do không có bằng chứng nào chứng minh cho lời khai của bà về việc các công tố viên đã giam giữ bất hợp pháp và buộc bà phải nhận tội trong quá trình điều tra.
Tuy nhiên, sau hơn 3 năm cân nhắc, Tòa án Tối cao đã nhận thấy có đủ căn cứ chứng minh những khiếu nại của Choi là đúng và tuyên bố cần phải có một cuộc điều tra xác minh sự thật của tòa án đối với bản án tái thẩm, các bài báo, danh sách tù nhân, bộ phận vụ án hình sự và bộ phận thi hành án.
Sau nhiều năm vận động và kháng cáo, cuối cùng, năm 2024, Tòa án tối cao Hàn Quốc đã ra lệnh tái thẩm.
Hôm 23/7, vụ án được Tòa án quận Busan xét xử lại, và do đích thân Viện trưởng Viện kiểm sát cấp cao Busan giữ quyền công tố. Tại tòa, công tố viên đã gọi bà bằng tên thay vì gọi là "bị cáo".
"Đây là một hành động phòng vệ chính đáng. Nó không quá đáng, cũng không trái pháp luật. Nhiệm vụ của chúng tôi là bảo vệ nạn nhân của tội phạm không chỉ khỏi chính hành vi phạm tội mà còn khỏi sự kỳ thị xã hội và những tổn hại thứ cấp. Trong trường hợp này, bên công tố đã không làm tròn vai trò đó. Chúng tôi chân thành xin lỗi bà Choi", công tố viên xin lỗi và đề nghị tòa án hủy bỏ phán quyết có tội của bà 62 năm trước.
Nhóm luật sư của bà lập luận rằng vụ án này không bao giờ nên dẫn đến kết án, coi đó là một hành vi sai trái về mặt tư pháp ngay cả theo tiêu chuẩn của thời bấy giờ.
"Vấn đề không phải là sự phát triển các giá trị xã hội. Ngay từ đầu, đây đã là một phán quyết sai trái, và giờ là lúc tòa án phải sửa sai", các luật sư nêu.
Trong lời nói sau cùng, bà Choi nói với tòa án: "Không nền tư pháp nào có thể chịu trách nhiệm cho cái ngày đen tối năm 1964 đã đẩy tôi đến bờ vực của sự sống và cái chết. Tôi cầu xin các vị đừng bao giờ quên nỗi đau và sự tan nát mà các nạn nhân và gia đình họ phải chịu đựng. Nó giống như việc ho ra máu vậy."
Sau phiên điều trần, bà Choi bước ra khỏi tòa án quận Busan với nắm đấm giơ cao và hét lớn ba lần: "Chúng ta đã thắng!".
"Trong 61 năm, nhà nước đã bắt tôi sống như một tên tội phạm", bà Choi nói với các phóng viên bên ngoài Tòa án quận Busan. Bà cho biết bà hy vọng các thế hệ tương lai có thể "sống trong một thế giới không có bạo lực tình dục, nơi họ có thể tận hưởng quyền con người và cuộc sống hạnh phúc".
Vụ án sau đó được ghi nhận là "vụ án tiêu biểu mà quyền tự vệ không được công nhận" trong sách giáo khoa luật hình sự, và cũng được trình lên tòa án với tư cách là "vụ án cưỡng hôn cắt lưỡi" vào năm 1995. Năm 2003, vụ án này cũng được chuyển thể thành bộ phim "Just Because You're a Woman".
Tòa sẽ tuyên án vào chiều 10/9.
Hải Thư (Theo Guardian, KBS, CBS, Maeil Business)