6h, trong một góc nhỏ chợ Đồng Xuân, chị Diệu Linh - chủ sạp quần áo, tất bật sắp xếp hàng lên kệ. Gắn bó với khu chợ hơn 15 năm, chị từng nghĩ chỉ cần buôn bán đủ sống là được. Nhưng vài năm gần đây, thói quen mua sắm thay đổi, buộc chị phải xoay xở: bán hàng online, đóng gói theo combo, chạy quảng cáo trên mạng xã hội.
"Muốn làm mới cách bán, thử cái mới phải có tiền nhưng tiểu thương như chúng tôi không dễ gì vay được ngân hàng vì thủ tục rườm rà và không có gì để thế chấp", chị nói, tay vẫn thoăn thoắt treo hàng lên giá.
![]() |
Cửa hàng quần áo của chị Diệu Linh ở chợ Đồng Xuân, phường Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Nga Thanh |
Không chỉ chị Linh, nhiều hộ kinh doanh nhỏ cũng gặp khó khi tiếp cận tín dụng chính thức do thiếu tài sản đảm bảo, hóa đơn hoặc chứng từ kế toán. Trong khi đó, nhu cầu vốn lại thường xuyên phát sinh để nhập hàng, sửa sạp, mở rộng kinh doanh hoặc xoay vòng mùa cao điểm.
Theo báo cáo năm 2024 của Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO), chỉ khoảng 30% doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), bao gồm tiểu thương và hộ kinh doanh, tiếp cận được tín dụng ngân hàng tại Việt Nam. Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng cho biết, chỉ 30-35% doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn có tài sản đảm bảo, số còn lại gần như không tiếp cận được tín dụng dựa trên dòng tiền tương lai.
Chuyên gia tài chính TS. Hoàng Văn Ninh nhận định: "Khoảng 70% tiểu thương gặp vướng mắc do yêu cầu thế chấp và quy trình xét duyệt phức tạp. Nhiều người đành tìm đến nguồn vay không chính thức với lãi suất cao, dễ dẫn đến mất khả năng trả nợ và ảnh hưởng đến sinh kế".
Trước những rào cản về tài sản đảm bảo và thủ tục ngân hàng, nhiều tiểu thương chuyển sang lựa chọn các khoản vay nhỏ từ công ty tài chính tiêu dùng. Với hạn mức 10-100 triệu đồng, kỳ hạn linh hoạt từ vài tháng đến ba năm và không cần thế chấp, hình thức vay này phù hợp với nhu cầu vốn luân chuyển như nhập hàng, sửa sạp hay mở rộng kinh doanh.
Đại diện SHBFinance - một trong các đơn vị tài chính tiêu dùng được cấp phép cho biết, những lợi thế về thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh và phục vụ tận nơi giúp hình thức vay này ngày càng được nhóm tiểu thương ưu tiên lựa chọn, đặc biệt tại khu vực chợ truyền thống và vùng nông thôn.
"Với nhóm tiểu thương, khoản vay tiền mặt hoặc thẻ tiền mặt dưới 100 triệu là giải pháp phù hợp. Đặc biệt, thẻ tiền mặt giúp khách hàng linh hoạt rút vốn trong những thời điểm cần thiết mà không phải làm lại thủ tục", đại diện phát triển sản phẩm của công ty cho biết.
Để tiếp cận hiệu quả nhóm khách hàng tiểu thương, SHBFinance mở rộng dịch vụ tới các khu vực chợ truyền thống, vùng nông thôn - nơi hệ thống tài chính chính thức còn hạn chế. Doanh nghiệp triển khai mô hình phục vụ tận nơi thông qua đội ngũ tư vấn viên, đồng thời áp dụng nền tảng số hóa toàn trình nhằm rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ. Nhờ đó, tỷ lệ khách hàng là hộ kinh doanh cá thể tại SHBFinance trong năm 2024 tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.
![]() |
Nhân viên của SHBFinance đến tận nơi tư vấn cho các tiểu thương. Ảnh: SHBFinance |
Anh Doãn Như Vỹ (Quảng Nam), khách hàng lựa chọn khoản vay 50 triệu tại SHBFinance cho biết thường xuyên cần vốn để nhập hàng, đặc biệt vào mùa cao điểm khi các thương hiệu tung chương trình khuyến mãi sâu.
"Buôn bán thường theo mùa vụ, nếu không xoay được vốn kịp thời thì dễ lỡ cơ hội nhập hàng giá tốt. Việc được xét duyệt và giải ngân trong ngày giúp tôi bắt kịp nhu cầu kinh doanh thay đổi liên tục", anh Vỹ chia sẻ. Theo anh, việc được hỗ trợ thủ tục nhanh, linh hoạt cũng giúp giảm bớt áp lực trong bối cảnh nhân lực hạn chế và khối lượng công việc lớn.
![]() |
Bà Olena Khlon - Tổng Giám đốc SHBFinance trao giải cho khách hàng Doãn Như Vỹ (Quảng Nam). Ảnh: SHBFinance |
Theo đại diện SHBFinance, giới tiểu thương thường có đặc thù cần vốn xoay vòng nhanh nhưng lại khó tiếp cận tín dụng ngân hàng. Việc sử dụng các công cụ tài chính phù hợp, như khoản vay nhỏ hoặc thẻ tiền mặt, giúp họ chủ động nguồn vốn trong những thời điểm cần thiết mà không phải phụ thuộc vào kênh vay phi chính thống.
"Khi có giải pháp tài chính hợp pháp và phù hợp, tiểu thương có thể quản lý dòng tiền tốt hơn, duy trì hoạt động kinh doanh ổn định và từng bước phát triển theo hướng chuyên nghiệp hơn", vị này cho biết.
Tuy vậy, theo một số chuyên gia tài chính, các đơn vị cung cấp cần tăng cường giám sát và minh bạch hóa quy trình, đảm bảo người vay hiểu rõ điều kiện vay, lãi suất và nghĩa vụ trả nợ. Việc vay vốn chỉ thật sự hiệu quả khi người sử dụng có kế hoạch rõ ràng và khả năng trả nợ ổn định. Điều này không chỉ giúp bảo vệ người vay mà còn góp phần duy trì ổn định tài chính và tiêu dùng bền vững trong nền kinh tế.
Minh Ngọc