Tesla dự kiến công bố kết quả kinh doanh vào 23/7 (giờ Mỹ). Trong đó, khoản thu từ tín chỉ carbon là mối bận tâm lớn với các nhà đầu tư, bởi đây là nguồn thu chính giúp hãng xe điện của tỷ phú Elon Musk có lời trong 3 tháng đầu năm.
Trước đó, cuộc khẩu chiến giữa CEO Tesla Elon Musk với Tổng thống Donald Trump hay việc loại bỏ khoản tín dụng thuế 7.500 USD cho người mua xe điện đã làm lu mờ mối bận tâm của nhà đầu tư tới quy định khoản phạt trong mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình của hãng xe (CAFE). Đây là quyết sách mang tính "sống còn" với hãng xe điện này trong Đạo luật Chi tiêu công và giảm thuế, còn gọi là "Đạo luật to đẹp" (OBBBA).
Thực tế, nguồn thu từ tín chỉ của Tesla được dự báo giảm dần khi ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư vào xe điện. Câu hỏi "Tesla bán được tín chỉ đến bao giờ" nay càng nóng, bởi trong quý 1, họ thu về 595 triệu USD từ hoạt động bán tín chỉ, cao gấp rưỡi thu nhập từ hoạt động chính là bán xe (operating income).
Giới phân tích tại công ty dịch vụ tài chính William Blair tính toán rằng khoảng ba phần tư doanh thu tín chỉ của Tesla đến từ các tiêu chuẩn CAFE. Chỉ vài ngày sau khi luật mới có hiệu lực, họ ước tính doanh thu tín dụng năm 2025 của Tesla giảm gần 40% so với năm ngoái, xuống còn 1,5 tỷ USD. Số này dự kiến giảm mạnh xuống còn 595 triệu USD vào năm tới, trước khi biến mất khỏi báo cáo tài chính vào năm 2027.
"Việc xóa bỏ các khoản phạt CAFE đòi hỏi giới phân tích phải thiết lập lại kỳ vọng", các nhà phân tích nói trong báo cáo tháng này của William Blair.
![]() |
Tỷ phú Elon Musk tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng ngày 30/5. Ảnh: AP |
Tesla không bình luận về sự thay đổi trong hoạt động bán tín chỉ. Nhà phân tích Gordon Johnson, một trong những người chỉ trích Tesla gay gắt nhất Phố Wall, nói khoản thu nhập từ tín chỉ này là lý do Tesla tồn tại đến ngày nay.
Mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình của hãng xe (Corporate Average Fuel Economy - CAFE) được ban hành lần đầu vào năm 1975. Bộ Giao thông Vận tải được giao thiết lập tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu trung bình cho nhà sản xuất, nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng khí đốt thời điểm đó. Theo đó, các hãng xe có mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình vượt ngưỡng sẽ phải nộp phạt.
Trong giai đoạn 2011-2020, các nhà sản xuất ôtô đã phải trả hơn 1,1 tỷ USD do không tuân thủ CAFE. Để tránh khoản phạt này, nhiều hãng xe đã mua tín chỉ carbon từ những doanh nghiệp tiết kiệm nhiên liệu hơn, tạo một khoản thu lớn cho nhà sản xuất xe điện.
Tín chỉ carbon (carbon credit) là một loại giấy phép hoặc chứng chỉ có thể giao dịch, có giá trị mua bán và cung cấp cho người nắm giữ tín chỉ quyền phát thải một tấn CO2 hoặc loại khí thải khác nằm trong danh sách khí thải nhà kính.
Tuy nhiên, "Đạo luật to đẹp" được thông qua đầu tháng này đã đưa mức phạt này về 0, đồng thời xóa bỏ ưu đãi tín dụng thuế lên tới 7.500 USD cho người mua xe điện. Đây là đòn giáng "kép" lên những doanh nghiệp như Tesla, hãng đã thu 10,6 tỷ USD nhờ hoạt động bán tín chỉ từ năm 2019, theo CNN.
Ông Batt Odgerel, Giám đốc tổ chức Nghiên cứu Chính sách năng lượng, nói Quốc hội và chính phủ Mỹ đang giúp xe xăng trở nên cạnh tranh hơn, đồng thời giảm vị thế của ôtô điện. Ông thêm rằng có nguy cơ Tesla mất thị phần cũng như doanh thu từ tín chỉ carbon. Trong khi đó, nguồn tín chỉ carbon khác từ chương trình xe không phát thải của bang California đang đối mặt với nhiều thách thức chính trị và pháp lý.
4 năm qua, khoản tín chỉ này đã mang lại hàng tỷ USD cho hãng xe điện Mỹ. Tuy nhiên, biên lợi nhuận Tesla giảm dần sau khi đạt đỉnh vào đầu năm 2022, khiến nguồn thu bán tín chỉ trở nên quan trọng hơn trong bảng cân đối tài chính. Việc loại bỏ các khoản tín chỉ có thể gây thảm họa cho tương lai tài chính của Tesla, thậm chí dẫn đến thua lỗ kéo dài.
Việc mất nguồn thu tín chỉ là một trong nhiều vấn đề tại Tesla. Công ty đã đối mặt với tính cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường xe điện cùng phản ứng dữ dội từ một số người mua với hoạt động chính trường của CEO Elon Musk.
Bảo Bảo (Reuters, CNN)