Phản ánh sáng ngày 23/7, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM (FFA) cho biết các doanh nghiệp trong ngành đang gặp khó về bao bì sản phẩm. Cụ thể, kể từ 1/7, địa chỉ thực tế của các cơ sở sản xuất đã thay đổi khi TP HCM mới hình thành và thực hiện chính quyền địa phương hai cấp.
Trong khi đó, bao bì dùng cho sản phẩm sản xuất từ ngày này vốn đã in từ trước, sử dụng địa chỉ cũ. Doanh nghiệp rơi vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan", một mặt dùng bao bì cũ là sai địa chỉ thực tế, mặt khác muốn chủ động thay bao bì mới cũng không được vì chưa điều chỉnh giấy phép kinh doanh.
"Từ 2/7 đến nay, cơ quan chức năng chưa cập nhật được giấy phép kinh doanh cho chúng tôi. Dùng bao bì địa chỉ mới thì không trùng với giấy phép, dẫn đến sai về chứng nhận xuất xứ. Đây là điểm nghẽn vô cùng lớn", bà Chi chỉ ra thế khó tại "Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025" của Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (Huba) sáng 23/7.
![]() |
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Huba tại hội nghị sáng 23/7. Ảnh: Huba |
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Huba xác nhận có thành viên bối rối với vấn đề địa chỉ và làm xuất xứ sản phẩm. Vì vậy, hiệp hội kiến nghị với UBND TP HCM cho phép doanh nghiệp dùng toàn bộ bao bì đã in ấn theo địa chỉ cũ trong các hoạt động như: xuất nhập khẩu, khai báo thuế, hồ sơ giao dịch, hợp đồng thương mại, cũng như trên bao bì, nhãn mác, thiết kế thương hiệu đến hết năm 2025.
Theo các doanh nghiệp, thông thường bao bì sản phẩm thường được in trước 3 tháng đến một năm. Huba cho rằng việc dùng hết lượng bao bì đã in giúp duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh và tránh lãng phí trong giai đoạn chuyển tiếp. "Đây là giải pháp cần thiết nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp thích ứng với thay đổi về hành chính, đồng thời bảo đảm tính liên tục trong sản xuất, thương mại và lưu thông hàng hóa", hiệp hội nêu.
Phía FAA cũng cho biết đã gửi văn bản về vấn đề bao bì với UBND TP HCM. Phó chủ tịch Nguyễn Lộc Hà đã tiếp nhận phản ánh và chỉ đạo các sở ngành liên quan sớm có phương hướng xử lý để phản hồi với hiệp hội.
Nhận định chung về triển khai chính quyền hai cấp, Huba đánh giá TP HCM có nhiều bước tiến rõ rệt như quy trình hành chính rút gọn; tăng phân cấp, phân quyền cho sở, ngành và địa phương; nâng cao hiệu quả phục vụ doanh nghiệp.
"Những chuyển biến này bước đầu góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và tạo nền tảng cho một đô thị năng động, hiệu quả hơn", hiệp hội nhận định.
Huba đã tái cơ cấu tổ chức, với việc giải thể các hội doanh nghiệp quận, huyện và thành lập 5 hội doanh nghiệp khu vực (Tây Sài Gòn, Đông Sài Gòn, Chợ Lớn, Trung tâm Sài Gòn, Tây bắc Sài Gòn) để thay thế mô hình cũ. Trong nửa cuối năm, hiệp hội sẽ thực hiện sắp xếp lại các tổ chức đại diện doanh nghiệp và hội ngành nghề tại 3 địa phương cũ của TP HCM.
Dỹ Tùng