Tại Công điện 118, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định việc tháo gỡ cho các dự án năng lượng tái tạo là cần thiết để xử lý các tồn đọng trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, việc này còn thực hiện chậm, một số bộ ngành, địa phương chưa làm hết trách nhiệm.
Do đó, Thủ tướng yêu cầu bộ ngành, địa phương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giải quyết dứt điểm vướng mắc cho các dự án điện gió, điện mặt trời còn tồn đọng. Các cơ quan liên quan phải hoàn thành, báo cáo kết quả xử lý trước ngày 25/7.
Cụ thể, các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Nông phải xử lý vướng mắc các dự án năng lượng tái tạo chồng lấn quy hoạch khoáng sản titan, bô xít. Đắk Lắk được giao giải quyết dứt điểm dự án Long Thành 1 chồng lấn vùng tưới hồ Ia Mơr.
Tương tự, các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Khánh Hòa, TP HCM và Đắk Lắk (sau sáp nhập) phải xử lý các vấn đề về thủ tục đất đai (tăng diện tích sử dụng, thủ tục cho thuê, chuyển đổi mục đích) của 40 dự án trên địa bàn theo kết luận của Thanh tra Chính phủ.
EVN có trách nhiệm thống nhất giá mua bán điện với các dự án điện mặt trời mái nhà quy mô lớn trên đất nông, lâm nghiệp theo mô hình trang trại. Bộ Công Thương được giao rà soát, đề xuất phương án xử lý cơ chế giá mua điện ưu đãi (FIT) cho các dự án điện gió, điện mặt trời còn vướng.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ cuối 2023, nhiều dự án năng lượng tái tạo (điện mặt trời, gió) vận hành thương mại (COD) trước khi có văn bản chấp thuận kết quả kiểm tra nghiệm thu của cơ quan chức năng. Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy có 173 nhà máy hoặc phần nhà máy điện mặt trời, điện gió nối lưới gặp tình huống này.
Chính phủ đồng ý tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện tái tạo còn vướng mắc, theo Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 11/2024.
Tuy nhiên, phía EVN và các nhà đầu tư vẫn chưa thống nhất được phương án xử lý. Từ đầu năm, nhóm nhà đầu tư trong và ngoài nước sở hữu hơn 44 dự án điện tái tạo, cùng các hiệp hội năng lượng đã hai lần gửi kiến nghị Chính phủ, phản ánh vướng mắc trong việc xác định COD và giá điện.
Phương Dung