Ông David Thái, Nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc Highlands Coffee cho biết doanh nghiệp đã cân nhắc nhiều địa điểm, trước khi quyết định chọn khu công nghiệp Phú Mỹ 2, ngay sát cảng Cái Mép (Bà Rịa Vũng Tàu). Hiện nay, cà phê thô của Việt Nam xuất khẩu đến nhiều quốc gia thông qua cảng này. Ông dự đoán trong tương lai, với khả năng tiếp nhận tàu tải trọng lớn, cụm cảng này sẽ là nơi xuất khẩu của hàng triệu tấn cà phê Việt.
![]() |
Nhà máy rang xay cà phê Highlands tại khu công nghiệp Phú Mỹ 2, ngay sát cảng Cái Mép (Bà Rịa Vũng Tàu). Ảnh: Highlands Coffee |
Chiến lược về địa lý
Xuất khẩu và phát triển từ cảng biển không còn là câu chuyện xa lạ trong ngành cà phê thế giới. Đơn cử, Devoción Coffee, thương hiệu gắn liền với cảng Cartagena (Colombia); Illycaffè gắn với bến cảng Trieste, Italy - một trong những cảng giao thương cà phê lâu đời nhất châu Âu. Lịch sử ngành cà phê thế giới đã nhiều lần chứng kiến sự phát triển của những thương hiệu địa phương, dựa trên sự kết hợp giữa vị trí địa lý chiến lược, năng lực chuyên môn bản địa, và niềm tin vào giá trị mà thương hiệu mang theo.
Trong bối cảnh cà phê Việt Nam đang ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường thế giới, Highlands Coffee kỳ vọng học tập những Devoción Coffee, Illycaffè... biến cảng biển thành cửa ngõ đưa cà phê Việt ra thế giới. Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải với tất cả lợi thế về hạ tầng, vị trí và tầm nhìn chiến lược, cùng mạng lưới logistics hiện đại có thể giúp doanh nghiệp tối ưu chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu cà phê chế biến theo chuẩn quốc tế.
Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải hiện là một trong những cảng nước sâu lớn nhất Đông Nam Á và là điểm kết nối hàng hải trọng yếu của Việt Nam ra thế giới. Đầu tháng 6/2024, cụm cảng được Ngân hàng Thế giới và Hãng tin Tài chính S&P Global Market Intelligence xếp vào Top 7 cảng hiệu quả toàn cầu theo chỉ số CPPI (chỉ số đo lường trên dữ liệu tổng thời gian tàu ghé một cảng biển).
Chiến lược về công nghệ
Ông David Thái chia sẻ thêm, Highlands Coffee đã mất hơn 1,5 năm để tìm kiếm và sở hữu khu đất có vị trí chiến lược này, đầu tư 500 tỷ đồng để xây dựng nhà máy. Với quy mô 24.000 m2 và công suất dự kiến lên đến 75.000 tấn mỗi năm, nhà máy góp phần nâng cao năng lực chế biến của Highlands Coffee, đồng thời, góp phần cải thiện sinh kế cho cộng đồng địa phương, tạo nền tảng ổn định xã hội. Nhà máy cũng là minh chứng cho việc doanh nghiệp chủ động góp phần vào chuyển đổi mô hình phát triển của ngành cà phê Việt Nam, từ xuất khẩu thô sang xuất khẩu sản phẩm chế biến, có giá trị gia tăng cao.
Nhà máy được xây dựng theo chứng nhận công trình xanh LEED, bên cạnh đề cao hiệu quả sản xuất còn đảm bảo yếu tố môi trường, thể hiện tầm nhìn dài hạn của doanh nghiệp trong việc phát triển bền vững. Ứng dụng công nghệ rang xay tiên tiến, Highlands Coffee đặt mục tiêu nâng tầm chất lượng cà phê rang Việt Nam, mang đến trải nghiệm tốt hơn cho người tiêu dùng trong nước và quốc tế, và quan trọng hơn, góp phần thúc đẩy vị thế cà phê Việt trên bản đồ thế giới.
![]() |
Quy trình tự động hóa tại nhà máy đảm bảo đồng nhất và chính xác ở quy mô lớn. Ảnh: Highlands Coffee |
Chiến lược về con người
Vị trí chiến lược và hệ thống công nghệ hiện đại đều quan trọng, nhưng với Highlands Coffee, đó chưa đủ. Chìa khóa nằm ở con người - những người giữ lửa cho hành trình phát triển và lan tỏa cà phê Việt ra thế giới.
"Thật ra, kế hoạch cho nhà máy này đã bắt đầu từ 6 năm trước. Nhưng chúng tôi không chỉ muốn xây một nhà máy mà muốn tạo nên một trụ cột văn hóa cho công ty. Nếu như chúng tôi xây từ trước đây, quy mô của nhà máy sẽ nhỏ hơn rất nhiều", ông David Thái cho hay.
Trong tầm nhìn của Highlands, nhà máy rang xay cà phê tại Cái Mép không chỉ là nơi chế biến hạt cà phê, mà còn là trung tâm đào tạo nhân lực, nơi nghệ thuật rang xay và tinh thần phục vụ tận tâm được truyền lại và nâng cao.
Là một thương hiệu phát triển từ văn hóa bản địa, Highlands chọn con người Việt Nam làm gốc rễ. Từ việc nuôi dưỡng một đội ngũ giàu đam mê và tay nghề, đến việc xây dựng cộng đồng các đối tác cùng lý tưởng, thương hiệu đang từng bước lan tỏa bản sắc cà phê Việt ra thế giới.
"Chiến lược của chúng tôi là con người. Chúng tôi sẽ tìm kiếm những con người giỏi nhất, giữ chân những nhân sự tốt nhất, và mang đến cho họ những quyền lợi xứng đáng", ông David Thái khẳng định. Ông cho biết giấc mơ của mình là đưa Highlands Coffee ra thế giới, nhưng trước hết cần làm tốt ở chính trong nước.
![]() |
Doanh nghiệp chú trọng các hoạt động phát triển nhân sự. Ảnh: Highlands Coffee |
Theo Highlands Coffee, khi xuất khẩu cà phê, doanh nghiệp không chỉ mang sản phẩm ra thế giới mà còn lan tỏa cả văn hóa và con người Việt Nam. Đó là lý do vì sao doanh nghiệp đầu tư tốn kém cho nhà máy tại Cái Mép. Nhà máy này hơn cả một công trình mà còn là biểu tượng cho cam kết "Tôn vinh tinh hoa cà phê Việt và mạnh mẽ hướng đến tương lai" của doanh nghiệp.
Đại diện doanh nghiệp khẳng định để cà phê Việt Nam vươn tầm thế giới cần sự tổng hòa của nhiều yếu tố. Đó là thương hiệu gắn bó với văn hóa bản địa, đội ngũ có tay nghề và niềm đam mê thuần Việt, sự đầu tư bài bản vào địa lý, chiến lược, công nghệ hiện đại và phát triển con người. Với việc khánh thành nhà máy sát cảng Cái Mép, Highlands Coffee đang có sự hội tụ của các yếu tố này.
Hoàng Anh