Sắc lệnh hành pháp thúc đẩy hoạt động khai thác mỏ dưới biển sâu được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ngày 24/5. Việc này đánh dấu nỗ lực mới nhất của ông Trump để Mỹ tăng khả năng tiếp cận nickel, đồng và các khoáng sản quan trọng khác trong nền kinh tế, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.
![]() |
Tổng thống Mỹ Donald Trump cầm sắc lệnh hành pháp đã ký tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng, Washington D.C., Mỹ, ngày 23/4. Ảnh: Reuters |
"Mỹ có lợi ích cốt lõi về an ninh quốc gia và kinh tế trong việc duy trì vị thế dẫn đầu về khoa học và công nghệ biển sâu cũng như tài nguyên khoáng sản dưới đáy biển", ông Trump viết trong sắc lệnh.
Trữ lượng mangan, nickel, đồng, và các khoáng sản quan trọng cho xe điện và thiết bị điện tử ước tính lên tới 1 tỷ tấn tại vùng biển của Mỹ. Hoạt động khai thác có thể giúp GDP nước này tăng thêm 300 tỷ USD trong 10 năm tiếp theo, tạo ra 100.000 việc làm.
Sắc lệnh này thúc giục chính quyền đẩy nhanh hoạt động cấp phép khai thác theo Đạo luật Tài nguyên Khoáng sản cứng dưới biển sâu năm 1980, thiết lập quy trình cấp phép dọc theo thềm lục địa ngoài nước này. Thêm vào đó, ông Trump cũng yêu cầu cân nhắc nhanh chóng việc cấp phép khai thác "ngoài vùng tài phán quốc gia", một động thái có khả năng gây căng thẳng với cộng đồng quốc tế, theo Reuters. Vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia là toàn bộ vùng thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của quốc gia ven bờ.
Sau sắc lệnh trên, cổ phiếu của The Metals Company, một trong những công ty khai thác biển sâu, đã tăng khoảng 40%, lên mức cao nhất trong 52 tuần.
Nhiều công ty đã xếp hàng để khai thác vùng biển Mỹ. Đầu tháng này, Impossible Metals kiến nghị chính quyền khởi động một cuộc đấu giá thương mại để tiếp cận các mỏ nickel, cobalt và các khoáng sản quan trọng khác ngoài khơi bờ biển Samoa.
Ngoài ra, các công ty đang để mắt đến khai thác biển sâu gồm JSC Yuzhmorgeologiya (Nga), Blue Minerals Jamaica, China Minmetals (Trung Quốc) và Marawa Research and Exploration (Kiribati).
Việc tiếp cận của Mỹ đối với các khoáng sản quan trọng, đặc biệt là các khoáng sản do phía Trung Quốc sản xuất, đã giảm sút trong những tháng gần đây. Lý do là Bắc Kinh hạn chế xuất khẩu một số khoáng sản. Điều này gia tăng áp lực, buộc Washington phải thúc đẩy khai thác trong nước.
Tuần trước, các quan chức của ông Trump đã đẩy nhanh quá trình cấp phép cho 10 dự án khai thác mỏ trên khắp nước Mỹ, đồng thời thực hiện quy trình phê duyệt tinh gọn cho các dự án khai thác mỏ trên đất liên bang. Chính quyền cũng cho biết sẽ phê duyệt một trong những mỏ đồng lớn nhất nước này.
Những người ủng hộ hoạt động khai thác biển sâu cho rằng hoạt động này sẽ làm giảm nhu cầu khai thác trên đất liền ở quy mô lớn, vốn không được cộng đồng địa phương ủng hộ. Tuy nhiên, các nhóm bảo vệ môi trường cảnh báo các hoạt động công nghiệp dưới đáy đại dương có thể gây ra tình trạng mất đa dạng sinh học không thể phục hồi.
Trong nhiều năm, Cơ quan quản lý đáy biển quốc tế (thành lập theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển) đã xem xét các tiêu chuẩn khai thác biển sâu ở vùng biển quốc tế. Tuy vậy, các tiêu chuẩn này chưa được chuẩn hóa do chưa thống nhất được về độ bụi, tiếng ồn và các yếu tố khác từ hoạt động này ở mức có thể chấp nhận được. Thực tế, Mỹ cũng chưa phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.
Bảo Bảo (theo Reuters)