Theo báo cáo tài chính, tính đến cuối quý I, tín dụng của Techcombank tăng 3,84% so với đầu năm, lên 665.300 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cá nhân tăng 26,6%, chủ yếu nhờ nhu cầu ký quỹ tăng trở lại theo đà sôi động của thị trường chứng khoán. Dư nợ doanh nghiệp tăng 13%, tập trung ở các nhóm ngành tiện ích, viễn thông, bất động sản, logistics và hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).
Tiền gửi khách hàng tăng gần 22% lên gần 570.000 tỷ đồng, với tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) đạt 39,4%, tiếp tục nằm trong nhóm cao nhất toàn ngành. Riêng CASA từ khách hàng cá nhân đạt 151.800 tỷ đồng, tăng mạnh nhờ các sản phẩm như "Sinh lời tự động 2.0" và gói đề xuất giá trị khách hàng (CVPs).
Tỷ lệ nợ xấu chỉ tăng nhẹ lên 1,23%, vẫn trong ngưỡng kiểm soát. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu duy trì trên 111%, còn hệ số an toàn vốn (CAR) theo Basel II đạt 15,3%, vượt xa yêu cầu tối thiểu 8%.
![]() |
Techcombank ghi nhận nhiều chỉ số tăng trưởng trong quý I. Ảnh: Techcombank |
Hoạt động số hóa tiếp tục là điểm sáng. Số lượng giao dịch điện tử của khách hàng cá nhân trong quý I đạt gần 886 triệu lượt với tổng giá trị hơn 2,9 triệu tỷ đồng, lần lượt tăng 30% và 10% so với cùng kỳ. Techcombank tiếp tục dẫn đầu thị phần giao dịch qua hệ thống NAPAS cả ở chiều phát hành (17,6%) và thanh toán (16,4%).
Phí dịch vụ ngân hàng đầu tư (IB) đạt 1.084 tỷ đồng, tăng 44,4% so với cùng kỳ nhờ đóng góp từ mảng tư vấn phát hành và quản lý quỹ Techcom Capital. Doanh thu từ dịch vụ ngoại hối và bảo hiểm cũng tăng lần lượt 50,5% và 26,7%.
Chi phí hoạt động được kiểm soát tốt, với tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức 28,3%. Dự phòng rủi ro giảm 10% giúp chi phí tín dụng hạ còn 0,7%, hỗ trợ kết quả lợi nhuận sau thuế.
Mặc dù lợi nhuận trước thuế tăng trưởng mạnh, tổng thu nhập hoạt động (TOI) quý I lại giảm 5,3% so với cùng kỳ, còn 11.611 tỷ đồng, phần lớn do nền so sánh cao từ quý I/2024. Thu nhập lãi thuần (NII) giảm nhẹ 2,3% còn 8.305 tỷ đồng. Biên lãi thuần (NIM) 12 tháng trượt giữ ở mức 4%, trong khi chi phí vốn duy trì cạnh tranh ở mức 3,4%.
Trong quý I/2025, Techcombank triển khai mô hình đại lý ngân hàng tại 45 điểm bán WinMart+ và ra mắt dịch vụ "Ngân hàng Gia đình và Bạn bè". Đây là bước đi chiến lược nhằm hiện thực hóa mục tiêu phân phối đa kênh và khai thác tiềm năng từ các hệ sinh thái hợp tác. Dịch vụ này cho phép nhóm khách hàng cùng chia sẻ ưu đãi, tiết kiệm thời gian giao dịch và tối ưu hóa lợi ích sử dụng.
![]() |
Techcombank đặt mục tiêu tăng trưởng cao trong năm 2025. Ảnh: Techcombank |
Tại ĐHĐCĐ thường niên sắp tới, Techcombank dự kiến trình các mục tiêu tăng trưởng cao gồm: dư nợ tín dụng tăng 16,4% lên 745.738 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 31.500 tỷ đồng (tăng 14,4%) và kiểm soát nợ xấu dưới 1,5%.
Chia sẻ về triển vọng phát triển trong thời gian tới, ông Jens Lottner, Tổng Giám đốc Techcombank nhận định dù chính sách thuế quan của Mỹ đã làm ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu nhưng đây cũng là cơ hội để Việt Nam tăng tốc đầu tư công nghệ, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng nội địa.
"Trong bối cảnh đó, sự đầu tư của chúng tôi vào dữ liệu, số hóa và nhân tài, cùng sự vững mạnh của mô hình kinh doanh đã được kiểm chứng qua các chu kỳ thị trường, sẽ giúp Techcombank sẵn sàng tăng tốc, dẫn đầu trong kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam", ông Jens Lottner nói.
Với những kết quả nổi bật, Techcombank tiếp tục được vinh danh là "Ngân hàng tốt nhất Việt Nam" và "Ngân hàng bền vững nhất" bởi Global Finance và FinanceAsia. Ngân hàng cũng được trao giải "Best Private Bank" từ Euromoney và "Ngân hàng số tốt nhất Việt Nam" do The Asset Triple A bình chọn.
Minh Ngọc