Phiên họp cổ đông thường niên sáng nay của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG) có tới hơn 1.000 cổ đông đến dự, chiếm 64% số cổ phần có quyền biểu quyết. Đại hội cổ đông này tiến hành ngay phần hỏi đáp mà không đọc các tài liệu vì ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT, muốn dành thời gian giải đáp thắc mắc của các cổ đông.
"Tôi vui khi mạng xã hội gọi Hòa Phát là công ty quốc dân", ông Long, chia sẻ và cho biết hiện Hòa Phát có 194.000 cổ đông, lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
![]() |
Hàng trăm người xếp hàng để đăng ký vào dự phiên họp thường niên của Hòa Phát sáng 17/4. Ảnh: Việt Hưng |
Năm nay, câu chuyện được cổ đông quan tâm nhất là tác động của thuế đối ứng của Mỹ đến tập đoàn và chiến lược tham gia vào các dự án đường sắt.
"Chiến lược đầu tư mảng đường sắt của tập đoàn sẽ diễn ra như thế nào và Hòa Phát có thể tham gia những dự án nào", một cổ đông hỏi. Trước đó, trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính hồi tháng 9/2024, Hòa Phát được giao nhiệm vụ tham gia cung cấp sắt, thép vào dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Trả lời cổ đông, tỷ phú Trần Đình Long nói Hòa Phát sẽ không chỉ tham gia vào dự án tàu cao tốc Bắc - Nam mà muốn đóng góp vào tất cả dự án trọng điểm của ngành đường sắt. Công ty sẽ cung cấp sắt, thép để làm đường ray, ga tàu, hầm chui... chủ yếu là phần nền, không sản xuất toa tàu.
"Đây là nhiệm vụ đất nước giao nên sẽ làm. Chúng tôi sẽ đầu tư một nhà máy sản xuất thép ray với tổng vốn 14.000 tỷ đồng", ông Trần Đình Long khẳng định. Tập đoàn tự tin sẽ sản xuất các loại thép ray này. Hòa Phát có thể khởi công nhà máy vào tháng 5 năm nay và đến năm 2027 sẽ có sản phẩm đầu tiên.
Tỷ phú này thông tin Bộ Xây dựng vừa trình Chính phủ nghị định về nhiệm vụ và đơn hàng cụ thể cho các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, ông Long cho rằng đây là dự án khó, Việt Nam chưa sản xuất bao giờ. "Chúng tôi sẽ làm để thể hiện uy lực của tập đoàn", Chủ tịch Hòa Phát khẳng định.
![]() |
Ông Trần Đình Long trả lời các cổ đông Hòa Phát sáng 17/4. Ảnh: HPG |
Hôm 10/4, Hòa phát và Tập đoàn Primetals (Italy) đã ký kết hợp đồng cung cấp dây chuyền đúc và cán thép chất lượng cao công suất 500.000 tấn một năm. Theo thỏa thuận, Primetals sẽ thiết kế, cung cấp, lắp đặt máy đúc phôi cho phép Hòa Phát sản xuất sản phẩm thép làm tanh lốp ô tô (tire cord, bead wire), thép chế tạo, thép vòng bi, thép dự ứng lực và nhiều sản phẩm chất lượng cao khác.
Bên cạnh sản xuất thép ray, thời gian tới Hòa Phát còn cung cấp thép để tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (PVN) xây dự án điện gió, điện mặt trời. Ngoài ra, tập đoàn muốn cung cấp sản phẩm cho VinFast, Thành Công Group và THACO để sản xuất ôtô.
"Ban lãnh đạo có thể phân tích câu chuyện thuế đối ứng của Mỹ đã và sẽ tác động thế nào đến Hòa Phát", một cổ đông khác hỏi. Đầu tháng 4, Mỹ đã từng công bố kế hoạch áp thuế đối ứng với 180 nền kinh tế rồi lại hoãn 90 ngày với các nước, trừ Trung Quốc.
Về câu chuyện này, ông Trần Đình Long khẳng định Hòa Phát vẫn đặt kế hoạch tham vọng năm nay, không thay đổi. Theo đó, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu 170.000 tỷ đồng, lãi sau thuế 15.000 tỷ, lần lượt tăng 21% và 25% so với năm trước.
Lãnh đạo Hòa Phát thông tin thêm trong quý I tập đoàn mang về hơn 37.000 tỷ đồng doanh thu, lãi sau thuế 3.300 tỷ đồng. "Các quý còn lại sẽ rất áp lực nhưng đây là động lực để chúng tôi phấn đấu", ông Long khẳng định.
Ông Long cũng cho biết tập đoàn đã phải hoãn chia cổ tức tiền mặt để ứng phó với những biến động về kinh tế vĩ mô. Việc này nhận được sự đồng thuận của các cổ đông tại đại hội khi ban lãnh đạo có chính sách ứng phó kịp thời.
Tuy nhiên, một cổ đông lại lo lắng hỏi: "Liệu căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể khiến thép giá rẻ từ Trung Quốc tràn sang Việt Nam không?". Ông Long cho biết Hòa Phát sẽ được bảo vệ, bởi Bộ Công Thương đã áp thuế chống bán phá giá với nhiều loại thép của Trung Quốc. Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới sẽ bảo hộ cho nền sản xuất trong nước. Thực tế, mức thuế với thép cán nóng (HRC) có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc đã bị áp 19,38-27,83%, từ ngày 8/3.
Bên cạnh đó, sản lượng thép Hòa Phát xuất khẩu chiếm khoảng 20% doanh thu, trong đó thị trường Mỹ chiếm 1%, theo Tổng giám đốc Hòa Phát Nguyễn Việt Thắng. Tập đoàn vẫn chủ yếu phục vụ thị trường nội địa nên mức độ ảnh hưởng từ chính sách thuế quan mới của Mỹ là không đáng kể.
Trọng Hiếu