Ngày 9/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo hoãn áp thuế đối ứng ở mức cao trong 90 ngày, tạm thời đưa thuế với hầu hết đối tác thương mại về 10%. Tuy nhiên, thuế với Trung Quốc lại được nâng lên 125%. Thông tin này được đưa ra chỉ nửa ngày sau khi thuế với các đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ có hiệu lực.
Ngân hàng Mỹ Goldman Sachs hôm 9/4 nâng dự báo khả năng suy thoái của Mỹ trong 12 tháng tới lên 65%, biến đây thành kịch bản có xác suất lớn nhất. Tuy nhiên, chỉ vài phút sau đó, họ rút lại thông báo này khi ông Trump tuyên bố hoãn áp thuế. "Chúng tôi sẽ quay về dự báo cũ, là suy thoái không còn là kịch bản khả thi nhất", Goldman Sachs cho biết.
Thông tin hoãn thuế khiến các nhà kinh tế học thở phào. Tuy nhiên, lo ngại về khả năng suy thoái của nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn còn.
"Tôi cảm thấy Mỹ vẫn có thể rơi vào suy thoái, dựa trên quy mô các cú sốc gần đây. Mỹ chỉ đang hoãn lại chính sách thuế nặng nề áp lên các đối tác thương mại mà thôi", Joe Brusuelas - kinh tế trưởng tại hãng tư vấn RSM cho biết.
![]() |
Người dân mua sắm trong một trung tâm thương mại ở Pennsylvania (Mỹ). Ảnh: Reuters |
Trên thực tế, hầu hết chính sách thuế ông Trump công bố trong nhiệm kỳ này vẫn được giữ nguyên. Đó là thuế 25% áp dụng với nhiều hàng hóa từ Mexico, Canada; thuế 25% áp lên nhôm, thép nhập khẩu toàn cầu; thuế 25% áp lên xe con, xe tải nhẹ, phụ tùng xe hơi; và thuế 10% với gần như toàn bộ đối tác thương mại của Mỹ.
Trước cả khi Mỹ công bố thuế đối ứng, các nhà kinh tế học đã thường xuyên cảnh báo về nguy cơ suy thoái do các chính sách trên. Mỹ là nền kinh tế tiêu dùng, khi mảng này đóng góp tới 70% GDP. Vì thế, việc nâng thuế liên tiếp có thể khiến hàng hóa tăng giá nhanh, kéo tụt sức mua của người dân. Ví dụ, theo Trung tâm Nghiên cứu Xe hơi, các loại thuế nhập khẩu có thể khiến giá ôtô đắt thêm hàng nghìn USD với người tiêu dùng, kéo tụt doanh số và gây mất việc làm tại Mỹ. Ngành xe hơi Mỹ hiện phụ thuộc lớn vào linh kiện nhập khẩu.
Trong tháng 3, chỉ số niềm tin tiêu dùng của Mỹ giảm 7,2 điểm, về 92,9 - mức thấp nhất kể từ tháng 1/2021. Chỉ số này đã đi xuống vài tháng qua, cho thấy tâm lý bi quan của người tiêu dùng Mỹ. Một nghiên cứu của Đại học Yale mới đây cho biết nếu ông Trump tăng thuế nhập khẩu thêm 20%, một hộ gia đình Mỹ sẽ tốn thêm trung bình 3.400 USD một năm.
Báo cáo công bố cuối tháng trước của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tại Atlanta cũng cho thấy kinh tế Mỹ nhiều khả năng co lại trong quý trước, giảm mạnh so với cuối năm ngoái. Dù vậy, nguyên nhân chủ yếu là do thời tiết lạnh giá tháng 1, kìm hãm hoạt động tiêu dùng và sản xuất.
Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại với Trung Quốc chưa có dấu hiệu sớm giải quyết. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới liên tục đáp trả nhau bằng cách nâng thuế nhập khẩu. Sau khi Trung Quốc tuyên bố nâng thuế với Mỹ lên 84%, Mỹ hôm 9/4 cũng áp thuế 125% với nước này.
"Tình hình này kéo dài sẽ chỉ gây thách thức nghiêm trọng cho cả kinh tế Mỹ và Trung Quốc", Wendong Zhang - Giáo sư tại Đại học Cornell nhận định. Năm ngoái, Mỹ nhập khẩu 438,9 tỷ USD hàng Trung Quốc.
Trong 3 tháng tới, Nhà Trắng dự kiến hàng chục chính phủ sẽ yêu cầu đàm phán thỏa thuận thương mại dài hạn với Mỹ. Đây đều là các thỏa thuận phức tạp và cần nhiều thời gian thảo luận.
Trước khi ông Trump thông báo hoãn thuế, hãng tư vấn RSM đã nâng dự báo suy thoái từ 20% lên 55%. Brusuelas cho rằng Mỹ có thể suy thoái trong vài tháng tới, do các doanh nghiệp đã cảm nhận được cú sốc chuỗi cung ứng. "Nhiều khách hàng nói với tôi rằng họ phải bỏ lại hàng ở cảng, vì không đủ tiền trả thuế", kinh tế trưởng Brusuelas nói.
Nhiều nhà kinh tế học cũng tỏ ra thận trọng. "Việc hoãn thuế chỉ là dừng leo thang căng thẳng thương mại, chứ không đồng nghĩa chúng ta đã giải quyết được hết các rắc rối. Bất ổn vẫn rất cao. Giờ là lúc nhìn lại các số liệu kinh tế để đánh giá thiệt hại trong thời gian qua", Christian Hoffman - Giám đốc các công cụ trả lãi cố định tại Thornburg Investment Management cho biết.
Goldman Sachs rút cảnh báo suy thoái, nhưng giữ nguyên nhận định Mỹ tăng trưởng yếu hơn trong năm nay. GDP nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể chỉ tăng 0,5% trong quý IV. Xác suất suy thoái hiện tại vẫn là 45%. Họ cũng giữ nguyên dự báo Fed giảm lãi suất ở mức 25 điểm cơ bản 3 lần trong năm nay, vào tháng 6, 7 và 9. Chỉ trong một tuần, Goldman Sachs đã 2 lần nâng xác suất Mỹ suy thoái.
Justin Wolfers - nhà kinh tế học tại Đại học Michigan cho biết quan điểm này là một sai lầm. "Mỹ vẫn đang áp dụng mức thuế nhập khẩu cao nhất trong nhóm nước phát triển, cao gấp 10-20 lần so với phần lớn đối tác thương mại và gấp 10 lần trước đây", ông viết trên X.
Stephen Stanley - nhà kinh tế học tại Santader thì cho rằng phải mất một thời gian nữa doanh nghiệp mới đầu tư và tuyển dụng trở lại, khi họ chắc chắn tình hình đã ổn định. "Nếu điều đó diễn ra, nguy cơ suy thoái mới hoàn toàn được đẩy lùi", ông kết luận.
Hà Thu (theo Market Watch, Reuters)