Gần đây, nhiều nhà đầu tư đang tích lũy Bitcoin (BTC) rất tích cực. Dữ liệu từ công ty phân tích thị trường Glassnode cho thấy hầu hết ví điện tử từ nhóm "tép riu" nắm giữ dưới 1 BTC đến "cá voi" có hơn 10.000 đơn vị, đang ghi nhận điểm xu hướng tích lũy tổng cộng ở mức 1.
Điểm số này phản ánh sức mạnh tương đối của tích lũy ròng trong 15 ngày qua. Điểm số 1 cho thấy thị trường đang tích lũy BTC một cách tích cực, trong khi giá trị 0 cho thấy xu hướng bán ra, phân phối là chủ yếu.
Hành vi đồng thuận mua vào Bitcoin trên hầu hết các nhóm nhà đầu tư khá hiếm gặp. Hai lần gần nhất, tình trạng này được ghi nhận là vào tháng 5 năm nay và tháng 11/2024. Đáng chú ý, các ví nắm giữ dưới 100 BTC đang đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy xu hướng này. Nhóm nhà đầu tư kể trên đang mua Bitcoin với tốc độ trung bình 19.300 đơn vị mỗi tháng, theo dữ liệu của Glassnode.
Mức nhu cầu này hiện vượt xa nguồn cung tiền mới hàng tháng, chỉ là 13.400 BTC. Như vậy, chỉ riêng các nhà đầu tư vừa và nhỏ đang hấp thụ hơn 100% nguồn cung mới, tạo ra hiệu ứng cung không đủ cầu.
Xu hướng gom hàng diễn ra khi Bitcoin đang vào vùng giá mới. Tính từ đầu năm đến nay, BTC đã tăng gần 30%, tức khoảng 27.800 USD. Trong hơn 7 tháng qua, nó đã lập 3 đợt kỷ lục về giá, mỗi đợt gồm nhiều đỉnh liên tiếp. Mức cao nhất của tiền số này là trên 123.091 USD vào ngày 14/7.
Nhiều bên dự báo giá Bitcoin vẫn tiếp tục được hưởng lợi khi hàng loạt tổ chức và định chế tài chính lớn đang rót vốn ngày càng nhiều cho tiền số. Tuần trước, quỹ ETF Bitcoin giao ngay IBIT của BlackRock trở thành quỹ ETF nhanh nhất đạt 80 tỷ USD tài sản được quản lý (AUM), vượt trên các quỹ giao dịch hoán đổi tài sản truyền thống khác.
Sự ủng hộ về mặt pháp lý tại các thị trường lớn, quan trọng nhất là Mỹ, cũng trở thành động lực lớn. Mới đây, Hạ viện Mỹ bỏ phiếu thông qua dự luật tạo ra khung pháp lý cho các tiền số neo cố định theo giá đôla Mỹ (stablecoin), được xem như bước ngoặt với ngành. Hạ viện cũng thông qua thêm 2 dự luật khác gồm tạo ra khung pháp lý cho tiền số và cấm Mỹ phát hành tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương.
Nguồn cung thắt chặt cũng là nguyên nhân lớn khiến nhiều người muốn gom hàng. Kể từ đợt Halving Bitcoin lần thứ 4 hồi tháng 4/2024, các thợ đào ít hoạt động khi tiền thưởng kiếm được bị giảm một nửa.
Thêm vào đó, những người nắm giữ dài hạn cũng hạn chế bán ra vì họ tin vào giá trị tương lai và sự khan hiếm của BTC. Mỗi ngày, các thợ đào cung cấp một lượng Bitcoin mới đưa vào lưu thông. Tuy nhiên, những nhà đầu tư dài hạn lại nắm giữ nhiều hơn cả lượng thợ đào tung ra. Khi nhiều Bitcoin bị khóa trong ví lạnh (các thiết bị lưu trữ token một cách riêng tư, không kết nối Internet), nguồn cung sẵn có cho giao dịch tiếp tục bị thu hẹp. Điều này càng làm trầm trọng thêm nguồn cung trên thị trường, gây ra các đơn biến động giá mạnh mỗi khi nhu cầu tăng lên.
Tiểu Gu (theo CoinDesk)