Theo tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&I Ratings, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang phục hồi rõ rệt khi quy mô phát hành nửa đầu năm tăng 67% so với cùng kỳ, đạt 258.000 tỷ đồng. Ngân hàng giữ vai trò chủ đạo khi đóng góp 75% giá trị phát hành, tương đương 193.000 tỷ đồng.
Quý II là giai đoạn các nhà băng huy động vốn qua kênh trái phiếu nhiều nhất trong 5 năm trở lại đây với khoảng 174.000 tỷ đồng. Tính riêng tháng 6, gần 50 đợt chào bán trái phiếu thành công, huy động xấp xỉ 72.000 tỷ đồng.
Lãi suất bình quân của trái phiếu ngân hàng dao động khoảng 5,79% một năm. Một số lô có lãi suất cố định dưới 5%, trong khi phần lớn lô khác áp dụng lãi suất thả nổi với biên độ cộng thêm dao động 1-3%.
Các nhà băng từ quốc doanh đến tư nhân đều tăng tốc phát hành. Theo nhóm phân tích Công ty Chứng khoán MB, các tổ chức phát hành nhiều nhất từ đầu năm đến nay lần lượt là Techcombank (37.000 tỷ đồng), ACB (29.200 tỷ đồng) và BIDV (17.800 tỷ đồng).
"Ngân hàng tăng phát hành trái phiếu nhằm tận dụng mặt bằng lãi suất thấp để bổ sung nguồn vốn trung dài hạn và tăng vốn cấp 2. Điều này giúp giảm áp lực lên huy động tiền gửi và tạo điều kiện duy trì lãi suất huy động ở mức thấp nửa đầu năm", chuyên gia của S&I Ratings nhận định.
![]() |
Theo ông Nguyễn Tùng Anh, Giám đốc Khối nghiên cứu Tín dụng và dịch vụ tài chính bền vững của FiinRatings, tuân thủ quy định an toàn vốn cũng là động lực quan trọng thúc đẩy các ngân hàng phát hành trái phiếu.
Chuyên gia của FiinRatings cho rằng có nhiều đặc điểm chung giữa các ngân hàng đang huy động vốn mạnh qua kênh trái phiếu. Đầu tiên, hầu hết ngân hàng duy trì lãi suất trái phiếu ở mức 5,5% một năm, giảm nhẹ so với giai đoạn trước, chứng tỏ họ đang tận dụng tốt môi trường lãi suất thấp.
Chuyên gia này cho rằng "đây là mức khá hấp dẫn so với các kênh đầu tư khác trong bối cảnh hiện tại". Ông dự báo trong thời gian tới, mặt bằng lãi suất sẽ được duy trì ở mức ổn định, trừ khi có những biến động lớn từ chính sách tiền tệ hoặc áp lực lạm phát.
Điểm chung thứ hai là kỳ hạn bình quân của trái phiếu ngân hàng khoảng 4 năm, phù hợp nhu cầu vốn trung và dài hạn để tài trợ cho hoạt động cho vay, đầu tư.
Cuối cùng, phần đông ngân hàng chọn hình thức phát hành riêng lẻ, tập trung vào nhà đầu tư tổ chức có kinh nghiệm và hiểu biết thị trường. Theo ông, điều này giúp họ tối ưu hóa chi phí phát hành và đảm bảo tính hiệu quả.
Các chuyên gia dự báo ngân hàng sẽ đẩy mạnh phát hành để bổ sung vốn trung dài hạn trong lúc tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức cao, còn tốc độ huy động tiền gửi có dấu hiệu chậm lại. Thực tế đã có nhiều nhà băng công bố kế hoạch huy động vốn từ vài trăm đến vài nghìn tỷ qua kênh trái phiếu trong thời gian tới.
Đầu tháng này, Agribank thông báo phương án phát hành trái phiếu kỳ hạn 10 năm để huy động tối đa 10.000 tỷ đồng, còn LPBank dự kiến chào bán ra công chúng để huy động 4.000 tỷ đồng.
Giữa tháng trước, Eximbank lên kế hoạch phát hành 10 đợt trái phiếu trong thời gian còn lại của năm nay với mục tiêu huy động 10.000 tỷ đồng. Kienlongbank cũng sắp phát hành một lô trái phiếu 900 tỷ đồng với lãi suất năm đầu tiên là 6,9%.
Phương Đông